Bưởi Bằng Luân (Đoan Hùng) sẵn sàng mùa Tết.
Tại các siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, không gian bán hàng, các quầy hàng đã được trang trí lại theo hướng phục vụ Tết. Hàng hóa được bày bán với nhiều mẫu mã đa dạng và phong phú. Trong đó, các mặt hàng Tết như: Bánh, mứt, kẹo, hướng dương, nước ngọt và nhu yếu phẩm được bày bán với số lượng lớn.
Chị Nguyễn Thị Hiền – Người kinh doanh tạp hóa tại chợ Gia Cẩm, thành phố Việt Trì cho biết: Vài năm gần đây, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng có thay đổi so với trước. Họ thường đến cửa hàng lựa chọn mẫu mã, giá cả rồi gửi địa chỉ để chúng tôi mang tới tận nhà. Do đó, chúng tôi đã liên hệ, đặt hàng với các cơ sở sản xuất, vận chuyển, phân phối hàng từ sớm để đảm bảo nguồn hàng và sẵn sàng chuyển đến tay khách hàng. Mặc dù tôi không phải là người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm, nhưng để việc buôn bán, kinh doanh thuận lợi, giữ uy tín với khách hàng, chúng tôi chọn kết nối, làm việc với những cơ sở sản xuất uy tín, có thương hiệu, có thâm niên trên thị trường...
Lực lượng chức năng kiểm tra sản phẩm nông sản được bày bán tại một siêu thị trên địa bàn thành phố Việt Trì.
Thời gian gần đây, đã có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước, khiến hàng trăm người phải nhập viện, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tháng 8 vừa qua, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại 1 công ty thuộc khu công nghiệp Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy khiến trên 150 người bị ngộ độc. Các lực lượng chức năng đã vào cuộc, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân liên quan. Vụ việc không gây thiệt hại về người, nhưng đã tiếp tục réo lên hồi chuông cảnh báo về ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra ở bất cứ đâu, từ những căn bếp tại gia đình đến những bếp ăn tập thể, đông người.
Nhằm nâng cao ý thức về vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm xảy ra, các lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến huyện, xã; tập trung kiểm tra, hậu kiểm về chất lượng an toàn thực phẩm, điều kiện sản xuất, cơ sở chế biến, nhân viên làm việc tại các cơ sở chế biến, kinh doanh. Các nhóm kiểu tra về sản phẩm là thực phẩm, tiêu thụ nhiều trong các dịp lễ, Tết và có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm. Đồng thời huy động tối đa các kênh truyền thông nhằm tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến mọi người dân.
Các đơn vị, doanh nghiệp thu mua sản phẩm thường xuyên theo dõi, kiểm tra quy trình trồng, chăm sóc.
Quê bưởi Đoan Hùng bước vào mùa cao điểm chuẩn bị “hàng Tết”, anh Nguyễn Tuấn Oanh (xã Minh Tiến, huyện Đoan Hùng) cho biết: Để ký được hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp lớn trong cả nước, cần phải đáp ứng được yêu cầu cao về chất lượng. Trong đó có cam kết về tiêu chuẩn, thường xuyên gửi mẫu để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Các công ty thu mua sản phẩm cũng thường xuyên thăm vườn, kiểm tra các loại thuốc và công đoạn sử dụng thuốc của từng hộ trồng bưởi. Chúng tôi cho rằng, dịp Tết, nhà nào cũng cần có quả bưởi để bày mâm ngũ quả, để mời khách, do đó, từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đều phải đảm bảo an toàn, cho chính người nông dân và cho khách hàng. Song song với chất lượng thì đảm bảo an toàn thực phẩm cũng là yếu tố để tạo niềm tin với đối tác, bởi mình có vì mọi người thì mọi người mới tin tưởng mình để hướng đến những hợp đồng lâu dài, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm ổn định.
Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức, ý thức của người dân về việc sử dụng thực phẩm sạch, an toàn đã và đang tiếp tục được nâng cao. Tuy nhiên, nhiều người vẫn giữ tâm lý, thói quen mua sắm, tiêu dùng dựa vào “tín nhiệm” với người bán hàng, hoặc lựa chọn mua hàng online khi bị “thu hút” bởi những chiêu trò quảng cáo mà không quan tâm tới nguồn gốc, xuất xứ cũng có thể là nguyên nhân khiến người tiêu dùng mua và sử dụng những mặt hàng không rõ nguồn gốc. Mặt khác, phương thức bảo quản, chế biến theo thói quen, không đúng với khuyến cáo của đơn vị sản xuất, kinh doanh... tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm...
Đồng chí Điêu Quang Đạo - Phó Chi cục trưởng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Chi cục sẽ tiếp tục tham mưu, ban hành các văn bản về an toàn thực phẩm theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Bộ Y tế yêu cầu về công tác quản lý. Tiếp tục triển khai giám sát, kiểm soát an toàn thực phẩm; thành lập các đoàn kiểm tra theo phân cấp quản lý. Khi phát hiện vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường. Đồng thời tích cực phối hợp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, không để thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn được sử dụng trong sơ chế, chế biến, nấu nướng, bảo quản, vận chuyển và ăn uống.
Cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng, để phòng tránh các nguy cơ ngộ độc thực phẩm, mỗi người dân nên là “nhà tiêu dùng thông thái”, lực chọn mua sắm, sử dụng thực phẩm có đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng tại các cơ sở kinh doanh có đủ điều kiện, được cấp giấy chứng nhận.
Lê Hoàng