Nói nhiều làm ít
Trong những ngày cuối năm Giáp Thìn, người hâm mộ võ thuật Việt Nam bất ngờ chứng kiến màn "đấu võ mồm" của một võ sĩ với nhiều đàn anh khác. Nhân vật chính trong màn đấu khẩu trên là Danh Quốc. Anh bắt đầu xuất hiện trên một số sàn đấu võ thuật như MMA và Muay chuyên nghiệp trong 2 năm qua, nhưng không để lại ấn tượng đáng kể.
Nếu gõ cụm từ "võ sĩ Danh Quốc" trên Google, ta sẽ thấy hình ảnh nổi bật nhất về đấu thủ này trong năm 2024. Đó là thời điểm Danh Quốc tham dự vòng loại một giải Muay chuyên nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Anh tuyên bố hùng hồn sẽ giành chiến thắng và lấy hợp đồng tiền tỷ, nhưng lại thua knock-out ngay trong trận mở màn.
Danh Quốc liên tục phát ngôn ngông cuồng dù thành tích không nổi bật.
Hình ảnh Danh Quốc nhận đòn và gục xuống chứng minh một sự thật: Đây không phải võ sĩ quá xuất sắc của Việt Nam. Thành tích Danh Quốc thể hiện tại sân chơi MMA cũng không quá ấn tượng. Võ sĩ này chỉ có thể "bắt nạt" một vài đối thủ mới vào nghề, và nhanh chóng thua những gương mặt nhóm đầu.
Danh Quốc hạn chế về mặt trình độ, nhưng lại không ngừng gây chú ý bằng những phát ngôn thiếu kiềm chế. Trong một sự kiện giao lưu của môn Boxing tại TP Hồ Chí Minh đầu tháng 1/2025, Danh Quốc cho thấy mình thiếu rất nhiều điểm cơ bản một võ sĩ cần có. Anh thi đấu thiếu tinh thần thể thao, đồng thời tỏ ra hỗn xược với đàn anh trong nghề.
Những người bị Danh Quốc thóa mạ, xúc phạm gồm có Đỗ Ngọc Hoan và Tạ Văn Thi. Họ đều là võ sĩ hàng đầu Việt Nam trong môn Boxing ở thời điểm hiện tại. Cả hai sở hữu trình độ vượt trội, cũng như tên tuổi được tạo dựng trong giới võ thuật nhiều năm qua. Tuy nhiên, họ lại bị Danh Quốc gọi tên bằng những từ ngữ rất thiếu văn hóa.
Chỉ đến khi các đàn anh đồng loạt lên tiếng chỉ trích, thậm chí tẩy chay, Danh Quốc mới "nhỏ tiếng". Lúc này, mọi người đều rõ động cơ đằng sau những lời nói ngông cuồng của võ sĩ trẻ tuổi. Danh Quốc thừa nhận mình muốn gây chú ý để có thêm cơ hội được nhiều người biết đến, qua đó có thể "kiếm chút đỉnh" khi thi đấu.
Con cá câu hụt bao giờ cũng là con cá lớn. Ta chưa rõ Danh Quốc có thể kiếm thêm bao nhiêu tiền từ những phát ngôn ngông cuồng kia. Tuy vậy, những điều anh làm rõ ràng đã tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của MMA, cũng như võ thuật Việt Nam nói chung. Ở đó, công chúng hình dung người học võ là những kẻ thiếu văn hóa, thậm chí là vô giáo dục.
Võ nhưng vô đạo
Đầu năm 2022, người hâm mộ MMA Việt Nam vui mừng khi Lion Championship ra mắt. Trong ngày họp báo giới thiệu giải MMA chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam, nhiều phóng viên, cũng như thành viên ban tổ chức đã sững người trước một câu hỏi khó: Làm thế nào để MMA thoát khỏi việc bị gắn mác võ thuật "bạo hành", "vô học" trong mắt độc giả đại chúng?
Giữa phòng họp báo im lặng ấy, ông Nguyễn Hồng Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, Tổng cục Thể dục Thể thao; hiện là Trưởng ban Chuyên môn Liên đoàn MMA Việt Nam) đã phải lên tiếng. Ông khẳng định, võ thuật Việt Nam là võ đạo. Ở đó, "võ" phải đi đôi với "đạo", là ý chí đạo đức, tu dưỡng trong tâm khảm mỗi người học võ.
"Bên cạnh những trận đấu đẹp và cống hiến, võ sĩ MMA Việt Nam phải thể hiện được tinh thần cầu tiến", ông Nguyễn Hồng Minh khẳng định. Đồng ý với tư tưởng ấy, ông Mai Thanh Ba, Tổng thư ký Liên đoàn MMA Việt Nam nói Lion Championship muốn tạo ra những nhà vô địch là thần tượng của giới trẻ.
Ý niệm ban đầu của những người tổ chức Lion Championship giống như lý tưởng chung của võ thuật Việt Nam, cũng như MMA nói riêng. Nhưng sau 3 năm, có bao nhiêu người thực sự nghiêm túc với việc hiện thực hóa nó? Danh Quốc không phải trường hợp hiếm hoi tự bôi xấu hình ảnh của MMA Việt Nam, cũng như bản thân anh bằng ngôn từ ngông cuồng.
Khi được hỏi về việc "nói nhiều nhưng làm ít", một số cá nhân trong cộng đồng người hâm mộ MMA Việt Nam nói, đây là một cách gây chú ý trong những sự kiện võ thuật chuyên nghiệp ở Mỹ. Xứ cờ hoa thậm chí còn có một cụm từ dành riêng cho việc này: Trash talk.
Võ sĩ nước ngoài thường "Trash talk" với nhau bằng cụm từ hạ thấp đối phương nhiều nhất có thể, thậm chí vô cùng tục tĩu. Vậy điều đó liệu có phù hợp với môi trường võ thuật Việt Nam hay không? Liệu có nên "Trash talk" trong một giải đấu vốn đề cao "võ" đi liền với "đạo" như Việt Nam?
Để trả lời cho câu hỏi trên, ta có thể tham khảo thành công của ONE Championship. Đây là chuỗi giải võ thuật chuyên nghiệp phát triển với tốc độ nhanh hàng đầu thế giới, cũng phần lớn sự kiện tổ chức tại châu Á. Họ có nhiều võ sĩ từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Nhật Bản, và cả Việt Nam tham gia tranh tài.
Võ sĩ của ONE Championship, khi ký hợp đồng với giải đấu, đều được lưu ý về phát ngôn trước truyền thông. Bởi châu Á không giống Âu Mỹ, nơi đây không có chỗ cho "Trash talk". Nhưng bằng một cách nào đó, Việt Nam lại du nhập thứ văn hóa lai căng này, khiến MMA và võ thuật tự biến mình thành một hình ảnh méo mó.
Lion Championship không hoàn thànhkế hoạch năm 2024
Trong năm 2024, Lion Championship ban đầu lên kế hoạch tổ chức một sự kiện MMA chuyên nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa. Nhưng cuối cùng, dự định này của họ phải hủy bỏ. Việc tìm kiếm thêm võ sĩ để tăng số lượng ở những hạng cân còn thiếu, đặc biệt là hạng mục nữ, cũng không thực hiện được.
Những người làm MMA tại Việt Nam đã thành công khi đưa môn võ này vào hệ thống thi đấu thể thao thành tích cao. Họ dự kiến tổ chức 1 giải đấu là Cúp các CLB MMA toàn quốc trong năm 2025. Tuy nhiên, kế hoạch này lập tức gặp khó, khi nhiều đơn vị còn do dự trong việc cử võ sĩ tranh tài.
"Ở Việt Nam, võ sĩ MMA phần lớn chuyển sang từ những bộ môn khác. Họ chỉ tập luyện, thi đấu MMA trong thời gian không vướng lịch thi đấu ở môn chính của mình. Vì thế, võ sĩ thi đấu MMA thành tích cao, nếu có, cũng chỉ là 'dân tay ngang' không có khả năng tiến xa", một HLV khẳng định.
An Khánh