Từng có cán bộ một địa phương phàn nàn di tích trên địa bàn xuống cấp trong khi kinh phí tu bổ từ ngân sách rất eo hẹp, kinh phí xã hội hóa thì lại khó để huy động. Anh cho biết có cá nhân ngỏ ý muốn đầu tư tu bổ di tích, nhưng lại đưa ra điều kiện. Dù muốn có khoản tiền này, nhưng sau khi tham vấn cơ quan chuyên môn, địa phương đã phải nói không, vì những yêu cầu thực hiện vượt thẩm quyền cấp xã.
Tương tự, một lãnh đạo bảo tàng cho biết nhu cầu mua hiện vật của bảo tàng thì lớn mà ngân sách thì lại có hạn. Biết là có nhiều hiện vật có giá trị, nhưng chỉ dám đặt vấn đề “mượn”. Nếu bảo tàng đủ nguồn kinh phí thì có thể “đàng hoàng” đưa hiện vật về bảo tàng phục vụ nghiên cứu, trưng bày.
Những câu chuyện như thế không chỉ xảy ra ở một địa phương, một bảo tàng, mà là tình trạng chung trên cả nước. Nguồn lực từ Nhà nước đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dù rất cố gắng nhưng chưa thể đáp ứng được yêu cầu.
Với một tỉnh có tới hơn 1.500 di tích, cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể, thì nhu cầu vật chất cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản rất lớn. Cùng với đó, nhằm từng bước hiện đại hóa bảo tàng tỉnh, cũng cần khoản kinh phí không hề nhỏ. Gần đây, ngân sách tỉnh đã chi hơn 22 tỷ đồng để “Đổi mới hoạt động Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030”, tuy nhiên nguồn lực này chưa thể để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu hiện đại hóa bảo tàng như mong muốn.
Một nguồn kinh phí lớn hơn cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa là vấn đề đặt ra, nhưng bởi sự trói buộc của cơ chế đã khiến cho nguồn lực này chưa thể huy động đúng mức. Vấn đề này đang từng bước được giải quyết khi Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cho phép thành lập quỹ bảo tồn di sản văn hóa. Đây là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ trợ kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách Nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đủ. Quỹ được phép huy động nguồn lực từ nhiều kênh khác nhau. Mà không chỉ thành lập ở Trung ương, các tỉnh, thành phố cũng có quyền thành lập quỹ tùy thuộc vào điều kiện và đặc thù văn hóa của từng vùng. Nguồn quỹ này được hy vọng sẽ góp phần tu bổ di tích, bảo vệ giá trị văn hóa phi vật thể, mua, hồi hương cổ vật một cách dễ dàng, đúng cách và kịp thời hơn.
Khung khổ pháp lý đã có, vấn đề còn lại là việc thực thi như thế nào để quy định sớm phát huy tác dụng. Yêu cầu này đòi hỏi cơ quan chức năng cần phải sớm ban hành hướng dẫn thực hiện môt cách cụ thể, rõ ràng, để có thể huy động được nguồn lực tài chính vững chắc cũng như đảm bảo sự minh bạch trong việc quản lý, sử dụng nguồn quỹ, tránh những ồn ào - vốn là điều bức xúc lâu nay trong công tác quản lý di tích ở không ít nơi.
Tuệ Minh