Mở cửa 'chuồng cọp' để tự cứu mình

Mở cửa 'chuồng cọp' để tự cứu mình
3 giờ trướcBài gốc
Người dân đồng thuận
Thực tế cho thấy, các vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản thường xảy ra ở những căn nhà không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là không có lối thoát hiểm, chỉ có một lối ra vào duy nhất theo đường cửa chính. Đáng lo ngại khi những căn nhà như vậy vẫn rất phổ biến tại nhiều khu tập thể cũ và nhiều khu phố cổ ở Hà Nội.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có gần 1.580 nhà chung cư cũ, chủ yếu được xây dựng từ trước năm 1994, nằm ở các quận nội thành. Nhà chung cư cũ ở Hà Nội có chung đặc điểm cao từ 2-6 tầng, kết cấu tường gạch chịu lực, bê tông lắp ghép hoặc khung bê tông cốt thép chịu lực. Sau vài chục năm sử dụng, nhiều chung cư cũ đã xuống cấp, thậm chí có chung cư được xếp vào loại nguy hiểm.
Người dân khu tập thể D8B, phường Phương Mai mở “lối thoát nạn thứ 2” đề phòng khi xảy ra sự cố.
Ngoài ra, đa số những chung cư cũ, nhà tập thể có diện tích nhỏ nhưng đều xảy ra tình trạng người dân cơi nới thêm “chuồng cọp” để thêm diện tích sinh hoạt. Khu vực này được nhiều người tận dụng làm ban công, kho chất chứa đồ đạc, nơi phơi quần áo... Điều này khiến lối thoát nạn của nhiều căn hộ bị bịt kín gây khó khăn tiếp cận để chữa cháy và cứu nạn từ bên ngoài khi chẳng may xảy ra hỏa hoạn. Chính vì vậy, việc vận động người dân tháo dỡ “chuồng cọp”, mở lối thoát nạn thứ 2 hiện đang là việc mà chính quyền nhiều địa phương hết sức quan tâm.
Tại quận Đống Đa, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn quận đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với công tác PCCC&CNCH, nhất là nhận thức của người dân về “lối thoát nạn thứ 2”.
Khu tập thể B18 phường Kim Liên hiện có 80 hộ gia đình, đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 80% số hộ đã mở lối thoát nạn thứ 2, số còn lại đa phần là các nhà trên tầng cao hiện cũng đã đồng thuận chỉ chờ hướng dẫn để tiếp tục mở. Còn tại khu chung cư D8B, phường Phương Mai, theo ông Phan Văn Yên - Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố, có 27/48 hộ đã mở lối thoát nạn thứ 2. Các hộ còn lại cũng đều đồng thuận sẽ triển khai lối thoát hiểm thứ 2, chỉ có 1 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, khó khăn, hiện Tổ dân phố cũng đã đề xuất UBND phường có biện pháp hỗ trợ.
Theo ông Hà Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban thường vụ Quận ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCCC&CNCH trọng tâm tại các cơ sở có nguy cơ cao, UBND quận đã ban hành kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát, tuyên truyền, vận động, xử lý tháo dỡ lồng sắt, “chuồng cọp”, thực hiện mở lối thoát nạn thứ 2 đối với các công trình nhà ở trên địa bàn. Mục tiêu của kế hoạch là thực hiện mở lối thoát nạn thứ 2 với 100% công trình nhà ở riêng lẻ, nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà tập thể trên địa bàn.
Linh hoạt các phương án
Câu chuyện về “lối thoát nạn thứ 2” không phải bây giờ mới được nhắc đến. Việc tạo lối thoát hiểm thứ 2 vẫn chưa bao giờ là dễ dàng, trong khi nếu xảy ra cháy, trong rất nhiều trường hợp, phương án này là cứu cánh duy nhất. Đơn cử như vụ cháy tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, mới đây, chính lối thoát nạn thứ 2 đã cứu sống cả 5 người trong một gia đình. Cụ thể, vào khoảng 14h23 ngày 13/8, một đám cháy đã bất ngờ xảy ra ở ngõ 51 đường Quang Tiến, phường Đại Mỗ. Khi phát hiện vụ cháy, người dân đã hô hoán, huy động sử dụng bình chữa cháy tại chỗ tại điểm chữa cháy công cộng, trong nhà dân xung quanh hiện trường tổ chức chữa cháy ban đầu, đồng thời thông báo đến lực lượng cứu hỏa. Ngôi nhà xảy ra sự cố có diện tích khoảng 51m2 gồm 4 tầng, 1 tum của gia đình có 5 người sinh sống.
Chia sẻ với phóng viên, anh P.V.V (chủ nhà), thời điểm xảy ra cháy cả gia đình (hai vợ chồng và ba người con lớn nhất 8 tuổi, 6 tuổi và 1 tuổi) đang ngủ ở tầng 2, tầng 3 thì thấy có khói, lửa phát ra từ khu vực phòng bếp tại tầng 1 nên đã hô hoán, rồi nhanh chóng di chuyển qua lối thoát nạn mở tại cửa sổ tầng 2, cùng với sự hỗ trợ của người dân cả gia đình thoát nạn an toàn. “Cả nhà tôi an toàn, không bị thương trong quá trình thoát nạn, may mắn là vừa qua thấy nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, đồng thời được chính quyền, lực lượng Công an tuyên truyền, vận động nên gia đình đã mở lối thoát nạn thứ 2 từ khung sắt cửa sổ các tầng nhà của gia đình. Nhờ có sự chủ động này mà cả gia đình tôi thoát nạn trong gang tấc khi xảy ra cháy”, anh P.V.V cho hay.
Nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần khảo sát thực tế ở từng khu vực, địa bàn, qua đó, có thể đưa ra những hướng dẫn và cách thức mở lối thoát nạn phù hợp với từng hộ gia đình, con ngõ, tuyến phố. Thực tế các nhà trong khu dân cư hiện nay là do lịch sử phát triển lâu dài của thành phố, có nhiều khu nhà trong phố nhỏ, ngõ nhỏ, thậm chí ngõ hẹp chỉ có khoảng 0,5m. Do đó, “lối thoát hiểm thứ 2” tùy từng mô hình, kiến trúc, để có thể từ các khu vực trong nhà có thể di chuyển đến “lối thoát hiểm thứ 2” nhanh nhất.
Được biết, để nhằm nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC&CNCH của Thủ đô đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc thống nhất chủ trương ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030. Đáng chú ý, Hà Nội đặt mục tiêu 100% nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa có “lối thoát nạn thứ 2” phải mở lối thoát nạn thứ 2.
Tuấn Dũng
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/mo-cua-chuong-cop-de-tu-cuu-minh-181123.html