Cầu Lạch Trường - cây cầu vượt cạn dài nhất Thanh Hóa. Ảnh: Phạm Lực (Ban QLDA Đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa)
“Xe ta bon bon trên dặm đường”...
Vừa rồi, em gái tôi í ới gọi điện thông báo cuối tuần này về. Bố “mắng yêu”: “Về nhiều thế làm gì, tuần trước mới về, tuần này lại về. Mệt người, tốn tiền xe”. Nó cười oang oang, dõng dạc nói: “Con được nghỉ học mấy hôm liền, con sợ mọi người nhớ con nên phải về ngay đấy”! Bố chưa kịp trả lời thì nó lại phân trần: “Mà bố xem, ngày trước hai chị đi từ Hà Nội về cứ xác định mất hơn 3 tiếng, say xe mà còn về suốt. Bây giờ, con đi lại thuận tiện hơn nhiều. Xe Limousine đưa đón tận nhà, chạy cao tốc (cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn – Quốc lộ (QL) 45 – PV) khoảng hơn 2 tiếng là từ Thanh Hóa ra đến Hà Nội, vừa vặn giấc ngủ ngon”.
Tiếng cười giòn tan của nó qua điện thoại vẫn còn nghe rõ. Nghĩ lại quãng đời sinh viên trôi qua với biết bao kỷ niệm đẹp đẽ, duy chỉ có “cái khoản” đi đi lại lại quãng đường Thanh Hóa – Hà Nội khiến cái đứa say xe nặng như mình ái ngại vô cùng. Nhất là những dịp lễ, tết, xe được dịp “nhồi” khách, chen chúc nhau, giá vé thì tăng mà ghế ngồi coi chừng được nửa cái mông. Quãng đường đã xa như càng thêm xa, suốt hơn 3 tiếng trên đường như đang “hành xác”. Giờ có cao tốc, xe đi lại cũng nhiều, đa dạng lựa chọn, đảm bảo “khách hàng hơn cả thượng đế” nên thời gian trên đường về quê rút ngắn; niềm vui, hào hứng như được nhân đôi.
Mở đường – mở hướng tương lai...
Câu chuyện “xa mà gần” với sự hiện hữu của cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn – QL 45 gợi lên hình dung về sự đổi thay mạnh mẽ của hạ tầng giao thông Thanh Hóa trong những năm gần đây. Hạ tầng giao thông là nền tảng cơ sở vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng, động lực lớn cho kinh tế - xã hội tăng tốc, bứt phá. Nhận thức sâu sắc điều đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX xác định phát triển hạ tầng là một trong những khâu đột phá. Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) nhận định: “Thời gian qua, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương, bằng chiến lược đúng đắn, tinh thần chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ, tỉnh Thanh Hóa đã huy động tối đa các nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là tăng cường kết nối các khu kinh tế động lực của tỉnh, thúc đẩy liên kết vùng. Từ đó, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật”. Công tác xây dựng quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển được thực hiện đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn, đi trước một bước. Các dự án (DA) giao thông được ưu tiên bố trí vốn đảm bảo tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư lớn nhất là hạ tầng giao thông đường bộ. Cùng với đó thu hút nguồn vốn của các thành phần kinh tế để đầu tư kết cấu hạ tầng GTVT.
Với thâm niên 37 năm gắn bó với ngành GTVT, trong đó có 12 năm đảm nhận nhiệm vụ Phó Giám đốc Sở GTVT, ông Trung tỉ mỉ phác thảo trong hình dung của chúng tôi về “bức tranh” hạ tầng giao thông Thanh Hóa đang từng bước được đầu tư, hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Là loại hình được quan tâm, đầu tư nhiều nhất, hệ thống giao thông đường bộ tỉnh Thanh Hóa có bước phát triển mạnh mẽ. Ông Trung chia sẻ: “Nhất quán chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông, tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, Trung ương đã đầu tư khoảng 98km đường cao tốc chạy qua địa phận Thanh Hóa. Cùng với QL1, đường Hồ Chí Minh, trục cao tốc phía Đông được đầu tư, đưa vào khai thác đã hình thành tuyến giao thông đối ngoại mới của tỉnh, kết nối các vùng, miền, trung tâm kinh tế động lực của tỉnh, khu vực và cả nước”. Từ rộng mở những cao tốc, ông Trung điểm mặt, gọi tên một số tuyến đường kết nối quan trọng của tỉnh đã hoàn thành, đi vào sử dụng trong thời gian qua như: DA đầu tư xây dựng công trình đường giao thông nối QL 217 với QL 45 và QL 47; DA đường nối QL1 với QL45; DA tuyến đường bộ ven biển đoạn qua Sầm Sơn – Quảng Xương; DA đường nối TP Thanh Hóa với Cảng Hàng không Thọ Xuân...
Mở đường – mở hướng tương lai, hiểu theo ý nghĩa lớn lao ấy sẽ thấy cả một không gian phát triển rộng lớn, kết nối thênh thang mà hạ tầng giao thông là huyết mạch. Sự hiện diện của con đường này sẽ là tiền đề để những con đường khác tiếp nối, mở ra. Theo đó, ngoài các DA hạ tầng giao thông đã được khánh thành, đưa vào sử dụng, Thanh Hóa đang tập trung thực hiện các DA giao thông trọng điểm trên địa bàn với mục tiêu cao nhất là phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế vốn có, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy du lịch, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại, vận tải, giao thương của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp... Cụ thể các tuyến đường như: DA đường giao thông từ Khu Công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn – Hoằng Hóa; DA đường Vạn Thiện – Bến En; DA đường nối cao tốc Bắc – Nam, QL 1A đi cảng Nghi Sơn; DA đường từ nút giao Đông Xuân đi TP Thanh Hóa...
Sở hữu 102km đường bờ biển và hàng chục tuyến sông, 5 cửa lạch, Thanh Hóa là tỉnh có hệ thống giao thông đường thủy nội địa rộng khắp. Trong đó, Cảng biển Nghi Sơn thuộc Khu Kinh tế Nghi Sơn – khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là công nghiệp nặng, là nơi hình thành các sản phẩm mũi nhọn, có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao. Vì vậy, trong chiến lược phát triển, tỉnh Thanh Hóa quan tâm, chú trọng đến việc đầu tư hạ tầng cảng biển, giao thông đường thủy nội địa và hạ tầng logistics.
Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại đây, cảng biển Thanh Hóa được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt; quy hoạch khu bến cảng Lệ Môn, Quảng Châu và Quảng Nham đáp ứng tàu có tải trọng đến 2.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện; quy hoạch cảng Lạch Sung đáp ứng nhu cầu khai thác cho tàu có tải trọng đến 7.000 tấn. Hiện nay, Sở GTVT đã hoàn thành Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được UBND tỉnh cho ý kiến thống nhất, đang trong quá trình trình Bộ GTVT xem xét phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện.
Cùng với đó, công tác đầu tư xây dựng đang được triển khai quyết liệt, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các DA nhằm tăng cường kết nối hạ tầng cảng biển và hạ tầng giao thông của Khu Kinh tế Nghi Sơn với hạ tầng giao thông quốc gia, đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo điều kiện phát triển dịch vụ logistics; từng bước đưa các hoạt động giao thương vận chuyển hàng hóa tại Cảng Nghi Sơn trở thành trung tâm logistics trọng điểm khu vực Trung bộ.
Về hạ tầng hàng không, hiện nay, công suất thiết kế của nhà ga hành khách tại Cảng Hàng không Thọ Xuân mới đạt 1,2 triệu lượt hành khách/năm. Để có cơ sở thực hiện việc kêu gọi đầu tư, đáp ứng mục tiêu xây dựng Cảng Hàng không Thọ Xuân trở thành cảng hàng không quốc tế với công suất 5 triệu lượt hành khách, trong giai đoạn 2022-2024, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng Hàng không Thọ Xuân theo hình thức đối tác công tư (PPP). Sau khi đề án được phê duyệt, Sở GTVT sẽ tiếp tục tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng Cảng Hàng không Thọ Xuân theo quy hoạch.
Các công trình, DA đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh hoàn thành sẽ tạo động lực cho kinh tế - xã hội của Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch... Từ đó góp phần thực hiện thắng lợi khâu đột phá về phát triển hạ tầng theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX; Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thùy Dương – Hương Thảo