Thông tư 02 quy định chi tiết về “Quy hoạch phân kênh tần số vô tuyến điện cho nghiệp vụ Cố định băng tần 71 - 76 GHz và 81 - 86 GHz”, vừa được Bộ KH&CN ban hành.
Có hiệu lực từ ngày 15/5, Thông tư áp dụng với tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện; tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị vô tuyến điện để sử dụng tại Việt Nam.
Quy hoạch hướng tới mục tiêu thiết lập trật tự sử dụng kênh tần số vô tuyến điện, thống nhất tiêu chuẩn áp dụng, bảo đảm quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm nhằm đáp ứng nhu cầu truyền dẫn tốc độ cao bằng vô tuyến trong băng tần 71 - 76 GHz và 81 – 86 GHz
Đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ KH&CN) cho biết: Việc ban hành Thông tư 02 là một bước đi quan trọng nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc sử dụng băng tần E tại Việt Nam, tạo nền tảng thuận lợi cho triển khai hạ tầng truyền dẫn tốc độ siêu cao - một thành phần thiết yếu để phát triển mạng 5G trên phạm vi toàn quốc, từ đó góp phần xây dựng "đường cao tốc" vững chắc cho hạ tầng 5G Việt Nam.
Trước đó, trong năm 2024, lần đầu tiên sau 15 năm Luật Tần số vô tuyến điện được ban hành, đã đấu giá thành công quyền sử dụng băng tần số 2600 MHz và 3700 MHz cho 5G, tăng 88% lượng phổ tần cấp cho thông tin di động so với trước đây (300 MHz).
Việc này đã mở đường cho 5G chính thức được thương mại hóa tại Việt Nam, giúp đưa tốc độ di động băng rộng của Việt Nam tăng 15 bậc, đồng thời thu về 12.697 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Đây được nhận định là một bước đột phá trong quản lý tần số vô tuyến điện, chuyển từ quản lý kỹ thuật đơn thuần sang kinh tế - kỹ thuật.
Tính đến cuối tháng 2/2025, tỷ lệ phủ sóng 5G cho người dân là 25,5%, số lượng trạm BTS 5G chưa đạt 10% so với số trạm BTS 4G hiện nay. Ảnh: M.H
Mạng 5G được xác định là một thành phần quan trọng của hạ tầng số quốc gia, là nền tảng cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số, vì vậy phải được đầu tư phát triển đi trước một bước. Mục tiêu đặt ra trong năm nay là phủ sóng 5G trên phạm vi toàn quốc, phấn đấu số trạm 5G đạt bằng 50% so với số trạm 4G.
Thực tế, lần lượt vào tháng 10/2024, tháng 12/2024 và tháng 3/2025, 3 nhà mạng lớn Viettel, VinaPhone và MobiFone đã chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động 5G.
Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 2/2025, tỷ lệ phủ sóng 5G cho người dân là 25,5%; số lượng trạm BTS 5G chưa đạt 10% so với số trạm BTS 4G hiện nay. Các doanh nghiệp chưa có kế hoạch rõ ràng trong việc triển khai nhanh BTS 5G dẫn tới nguy cơ không đạt được mục tiêu đã đề ra.
Để thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G trên toàn quốc, Bộ TT&TT (nay là Bộ KH&CN) đã nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ tài chính cho nhà mạng đạt tối thiểu 20.000 trạm phát sóng 5G được nghiệm thu đưa vào sử dụng từ ngày 19/2/2025 đến hết ngày 31/12/2025, tại Nghị quyết 193 ngày 19/2/2025 của Quốc hội.
Tại phiên họp thứ 1 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 được tổ chức ngày 18/3, Bộ KH&CN cho biết đã có 2 doanh nghiệp Viettel, VNPT dự kiến triển khai tối thiểu 20.000 trạm BTS 5G trong năm 2025, để được hưởng cơ chế hỗ trợ phát triển nhanh 5G.
Vân Anh