Trong 5 năm qua, hàng loạt con đường đã được nối dài. Những cây cầu vươn mình qua sông, qua suối, phá thế chia cắt của núi rừng Hòa Bình. Từ cao tốc hiện đại đến các tỉnh lộ xuyên qua bản làng, mỗi công trình giao thông mang trong mình một sứ mệnh: mở đường để phát triển, khai mở tương lai cho một vùng đất từng nhiều năm "đứng sau". Phía sau những con số hàng nghìn tỷ đồng đầu tư là sự chuyển mình từ tầm nhìn chiến lược - giao thông đi trước một bước. Chủ trương ấy không chỉ làm thay đổi diện mạo hạ tầng, mà còn thổi luồng sinh khí mới đến các vùng quê, từ miền núi đến đô thị. Đường mở, đời sống khởi sắc, du lịch có cơ, đầu tư có lối - Hòa Bình bước vào giai đoạn phát triển mới với hạ tầng giao thông làm lực đẩy.
Bài 1 - Tư duy mở đường, tầm nhìn mở lối
Không phải ngẫu nhiên mà chỉ trong vài năm, Hòa Bình trở thành điểm sáng về đầu tư hạ tầng giao thông ở vùng Tây Bắc. Từ những nghị quyết khung của Tỉnh ủy đến các chương trình hành động cụ thể, tư duy "giao thông đi trước một bước” đã được cụ thể hóa thành chiến lược phát triển bài bản, có chiều sâu. Nguồn vốn trăm nghìn tỷ là kết quả của tầm nhìn liên kết vùng, của bản lĩnh tranh thủ cơ hội và dám đặt cược vào những tuyến đường xuyên núi.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe thuyết minh bản đồ hướng tuyến Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu tại Lễ khởi công cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua tỉnh Hòa Bình (tháng 9/2024).
Trong câu chuyện hạ tầng hôm nay, có cả sức nóng từ những công trường cao tốc và cả sự lặng lẽ kiên trì, bền bỉ từ những tuyến đường nông thôn cứng hóa. Mỗi mét đường mở ra là một bước tiến trong tư duy phát triển. Và ở Hòa Bình, những bước tiến ấy dần hình thành diện mạo mới cho một vùng đất đầy tiềm năng.
Khi hạ tầng trở thành đột phá chiến lược
Hòa Bình được coi là cửa ngõ của vùng Tây Bắc, có vị trí kết nối Thủ đô với các tỉnh miền núi. Tuy nhiên, còn nhiều lĩnh vực gặp khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, kinh tế - xã hội (KT-XH) còn nhiều hạn chế. Nhằm khai thác lợi thế địa lý và khắc phục điểm nghẽn về giao thông, tỉnh Hòa Bình đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, phải "đi trước một bước”. Tinh thần này được thể hiện rõ trong các quyết sách lớn của Tỉnh ủy. Trong đó, tiếp tục xác định giao thông kết nối vùng là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới theo quy hoạch; đồng thời tranh thủ tối đa nguồn vốn Trung ương, huy động nguồn lực địa phương và đặc biệt là nguồn lực ngoài ngân sách theo hình thức đối tác công tư (PPP) để đầu tư các công trình trọng điểm.
Với mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2020 - 2025, Hòa Bình phấn đấu huy động trên 120.000 tỷ đồng cho các dự án hạ tầng then chốt, tạo đột phá trong phát triển kinh tế, du lịch, nông nghiệp… Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã cụ thể hóa chủ trương đó bằng các chương trình, kế hoạch ưu tiên nguồn lực cho giao thông. Nguyên tắc là tập trung vốn nhà nước cho các dự án trọng điểm có tính lan tỏa, làm "vốn mồi” để thu hút đầu tư ngoài ngân sách.
UBND tỉnh có Quyết định số 398/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch đề ra 4 nội dung chủ yếu về: Dự án đầu tư công; Dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công; Kế hoạch sử dụng đất; Nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Trong đó về dự án đầu tư công: Tập trung triển khai thực hiện các dự án đầu tư lĩnh vực giao thông, ưu tiên thực hiện các dự án giao thông kết nối vùng, liên vùng, liên huyện, phát triển đô thị, các ngành, sản phẩm, lĩnh vực quan trọng của địa phương, đặc biệt là kết nối các tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Thủ đô Hà Nội; các tuyến đường tạo ra không gian phát triển mới, các tuyến kết nối giao thông với vùng và các tỉnh có tác động tích cực đến phát triển KT-XH địa phương, đặc biệt là thành phố Hà Nội... Mở mới, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, nút giao kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La.
Liên kết vùng - tư duy mở lối phát triển
Nhờ những quyết sách, định hướng đúng đắn, mạng lưới giao thông Hòa Bình dần được hình thành đồng bộ, thông suốt hơn, phục vụ phát triển KT-XH và thu hút đầu tư hiệu quả.
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề và chương trình hành động về phát triển hạ tầng. Tỉnh xác định giao thông là một trong những khâu đột phá chiến lược giai đoạn 2020 - 2025. Quan điểm chỉ đạo là ưu tiên các dự án giao thông quan trọng mang tính liên kết vùng, kết nối Hòa Bình với Hà Nội và các tỉnh lân cận, cũng như kết nối vùng cao, vùng sâu trong tỉnh.
Còn nhớ trong không khí hân hoan tại Lễ khởi công Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Km19+000 - Km53+000 đoạn qua tỉnh Hòa Bình), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh 6 ý nghĩa lớn của dự án; đồng thời yêu cầu tỉnh rút ngắn tiến độ, hoàn thành công trình trước ngày 31/12/2027, thực hiện ngay giai đoạn 2 dự án mở rộng từ 2 làn thành 4 làn xe.
Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy chỉ đạo đẩy mạnh triển khai tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn qua địa bàn tỉnh). Công trình là dự án giao thông lớn nhất của tỉnh cho đến nay với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, được coi như dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh, kết nối Hòa Bình với Sơn La và vùng Tây Bắc, giảm tải cho quốc lộ 6. Đồng thời, đây sẽ là tiền đề hình thành tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, kết hợp với mạng lưới giao thông đối ngoại của tỉnh Sơn La với tỉnh Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội (qua cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình), tạo nên trục cao tốc kết nối vùng Tây Bắc với vùng kinh tế Bắc Bộ, kết nối đến cửa khẩu biên giới Đông Bắc và cảng biển quốc tế Lạch Huyện.
Song song với đó, tỉnh chú trọng thực hiện các tuyến liên vùng với Hà Nội như dự án đường kết nối Hòa Bình - Hà Nội - Sơn La, tạo vành đai kinh tế kết nối Thủ đô với các huyện của tỉnh. Đối với giao thông nông thôn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Đề án cứng hóa đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, giao chỉ tiêu cho từng huyện hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng nông thôn mới.
Có thể nói, từ cấp tỉnh đến cơ sở đều thống nhất nhận thức: hạ tầng giao thông thông suốt sẽ mở ra không gian phát triển mới cho Hòa Bình, thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và miền núi.
Tầm nhìn của Hòa Bình không chỉ dừng ở nội tỉnh, mà còn đặt trong tổng thể vùng. Tỉnh ủy đã tích cực phối hợp các bộ, ngành Trung ương lồng ghép quy hoạch giao thông Hòa Bình vào quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia. Nhiều đề xuất quan trọng của tỉnh đã được Trung ương chấp thuận, như giao Hòa Bình làm cơ quan chủ quản dự án mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP; đưa tuyến cao tốc Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021 - 2030… Đây là cơ sở để tỉnh huy động nguồn lực và triển khai các dự án một cách thuận lợi hơn. Nhờ sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và đồng thuận của nhân dân, các định hướng lớn về hạ tầng giao thông dần đi vào cuộc sống, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới đến năm 2030.
Phát biểu tại Lễ khởi công Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua tỉnh Hòa Bình, đồng chí Bùi Văn Khánh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: "Tỉnh đang đứng trước cơ hội phát triển lớn khi nhiều tập đoàn kinh tế đã nghiên cứu đầu tư vào Hòa Bình. Lần đầu tiên, nguồn lực đầu tư cho tỉnh lên tới hàng tỷ USD, riêng vốn ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng. Hấp thụ nguồn vốn này và đẩy nhanh giải ngân là yêu cầu bắt buộc để tỉnh phát triển".
Khẳng định này cho thấy quyết tâm của tỉnh trong việc biến các nghị quyết, chủ trương thành những dự án cụ thể, tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, tạo đà bứt phá cho Hòa Bình.
(Còn nữa)
Thu Hằng