Thị trường Hoa Kỳ chiếm 13% lượng hàng nhập khẩu toàn cầu nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: internet
Còn nhiều cơ hội từ các thị trường khác
Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước. Hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Hoa Kỳ trên thị trường Hoa Kỳ. Hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Hoa Kỳ được sử dụng hàng hóa giá rẻ.
Vừa qua, Hoa Kỳ quyết định áp mức thuế lên tới 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Ngay sau khi Hoa Kỳ công bố áp thuế, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có Công hàm đề nghị phía Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.
Để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng khoảng 12%, tương đương khoảng 450 tỷ USD trong năm 2025, Bộ Công Thương cho rằng, phía doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng thế mạnh sẵn có, đó là 17 hiệp định thương mại tự do với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác song phương.
Song song với đó, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thị trường Hoa Kỳ chiếm 13% lượng hàng nhập khẩu toàn cầu nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đây là một lợi thế nhưng cũng là điểm yếu của hoạt động xuất khẩu. Việt Nam còn nhiều cơ hội để khai thác 87% thị trường còn lại của thế giới. Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực mở đường xuất khẩu sang các thị trường mới còn nhiều dư địa.
Đa dạng hóa thị trường gắn với gia tăng giá trị hàng hóa
Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị trực tuyến giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài sáng ngày 4/4, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, việc chủ động đàm phán các thị trường xuất khẩu để tiến tới cân bằng giữa các đối tác thương mại đã được Chính phủ Việt Nam chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu.
Để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng khoảng 12%, tương đương khoảng 450 tỷ USD trong năm 2025, Bộ Công Thương cho rằng, phía doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng thế mạnh sẵn có, đó là 17 hiệp định thương mại tự do với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác song phương.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều đề xuất trước sự kiện Mỹ có chính quyền tổng thống mới. Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng được Bộ Công Thương tính tới, chỉ đạo các thương vụ và các cục, vụ liên quan như: Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu... triển khai rốt ráo.
"Chúng tôi đã có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại vào các thị trường liên quan, không phụ thuộc vào một vài thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ hay EU...", ông Phú cho biết.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương).
Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, một trong các giải pháp là làm mới các thị trường cũ, đặc biệt là các thị trường lớn như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ... để tăng lượng hàng hóa có giá trị gia tăng cao, giá trị thương hiệu để nếu giảm số lượng xuất khẩu thì vẫn tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu. Điều này chỉ có thể làm được nếu các doanh nghiệp đẩy mạnh giá trị thương hiệu hàng hóa cũng như hàm lượng chế biến sâu và tỷ trọng khoa học công nghệ trong giá trị hàng hóa xuất khẩu.
Hiện nay, Chính phủ đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. "Những sản phẩm kết tinh bởi kết quả nghiên cứu khoa học và các yếu tố chuyển đổi số sẽ tạo giá trị gia tăng cao. Khi tập trung quảng bá, xây dựng thương hiệu các sản phẩm này ra nước ngoài sẽ gia tăng giá trị xuất khẩu", ông Phú nhấn mạnh.
Bộ Công Thương cũng đã có các hoạt động tìm kiếm thị trường mới như: thị trường các nước Nam Mỹ, Đông Âu cũ, Trung Đông, châu Phi... Ông Phú cho biết, đây là những thị trường có dân số đông, đòi hỏi lượng hàng hóa lớn, chất lượng hàng hóa vừa phải, đáp ứng được năng lực của các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Một giải pháp khác rất cần thiết, theo Cục trưởng Vũ Bá Phú, đó là sản phẩm Halal (tuân theo các tiêu chuẩn của người Hồi giáo). Bộ Công Thương thời gian gần đây đã tổ chức 2 hội nghị liên quan đến xuất khẩu sản phẩm Halal.
Đây là thị trường có giá trị hơn 2.000 tỷ USD trên toàn thế giới, hiện nay Việt Nam chỉ chiếm 1% của sản phẩm xuất khẩu này. Do đó, thời gian tới, việc đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm này sẽ tạo tiềm năng cho doanh nghiệp, bù đắp lại những khó khăn, thách thức trước những quyết định áp dụng thuế quan của Hoa Kỳ.
Bên cạnh việc đa dạng hóa thị trường cũng như gia tăng giá trị hàng hóa, Cục trưởng Vũ Bá Phú cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần có thêm các chính sách kích cầu thị trường trong nước.
Theo ông Phú, thị trường trong nước của Việt Nam rất tiềm năng với 100 triệu dân, sức mua ngày càng tăng và tập quán tiêu dùng cởi mở. Các chính sách đồng bộ như tín dụng, giảm giá thành sản phẩm... cần được triển khai để kích cầu tiêu dùng.
Trần Huyền