Mở hé nắp capo khi đi đường có tốt không?

Mở hé nắp capo khi đi đường có tốt không?
5 giờ trướcBài gốc
Vào những ngày hè nắng như đổ lửa, tình trạng xe ô tô bị quá nhiệt là nỗi lo thường trực với nhiều tài xế, nhất là khi phải di chuyển giữa đường phố đông đúc hoặc leo dốc trong thời gian dài. Nhiệt độ ngoài trời cao kết hợp với việc động cơ hoạt động liên tục dễ khiến hệ thống làm mát quá tải, dẫn đến hiện tượng sôi nước làm mát, máy yếu, thậm chí chết máy giữa đường.
Đặc biệt, với những người đi xe tập lái, khi xe tập lái sử dụng hàng giờ đồng hồ, lại chủ yếu đi số thấp, vòng tua máy cao sẽ khiến khoang động cơ rất nóng. Nếu duy trì điều này thường xuyên sẽ hại cho các bộ phận khác ở phía dưới nắp capo như nhựa, cao su, ắc-quy,...
Chính vì vậy, một số tài xế mở hé nắp capo khi xe đang di chuyển nhằm tạo khe hở cho gió lọt vào làm mát khoang máy, giúp giảm phần nào nhiệt độ động cơ. Tuy nhiên, liệu cách làm này có thực sự mang lại hiệu quả hay chỉ là giải pháp thiếu an toàn?
Ảnh minh họa
Mở hé nắp capo khi di chuyển – giải pháp hay rủi ro?
Dù ý tưởng mở nắp capo giúp giảm nhiệt xe nghe có vẻ hợp lý, các chuyên gia kỹ thuật lại không đồng tình với biện pháp này vì nhiều lý do.
Trước hết, mở hé capo khi xe đang vận hành là hành động tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Nếu chốt nắp không chắc chắn, nắp capo có thể bật tung bất ngờ khi xe đang chạy, đặc biệt ở tốc độ cao, che khuất tầm nhìn và gây tai nạn nghiêm trọng.
Thêm vào đó, ô tô là sản phẩm được nghiên cứu rất kỹ về khả năng vận hành, trong đó việc làm mát động cơ chủ yếu là bởi dung dịch (nước làm mát). Hệ thống này bao gồm két nước, quạt làm mát két nước, van hằng nhiệt... Phần mới quạt làm mát két nước được điều khiển điện tử, đặt trong hộp để hướng luồng không khí tối ưu đi qua két nước. Điều này giúp duy trì nhiệt độ động cơ luôn ở mức thích hợp. Khi mở hé nắp capo, luồng không khí không đi đúng theo hướng của nhà sản xuất, điều này không giúp làm mát động cơ mà còn dẫn tới giảm hiệu quả hệ thống làm mát
Chưa kể, hành động này còn có thể tạo điều kiện cho bụi bẩn, nước mưa hoặc dị vật bay vào khoang máy, làm hỏng các chi tiết điện tử nhạy cảm hoặc gây hư hỏng cơ học ngoài ý muốn.
Do đó, giải pháp mở hé capo khi đang đi đường không chỉ kém hiệu quả mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.
Trường hợp xe có vấn đề ở hệ thống làm mát, có thể phải nắp capo để thoát nhiệt nhanh hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý chỉ mở sau khi đã tắt máy, xe dừng di chuyển.
Ảnh minh họa
Làm gì để "giải nhiệt" cho xe trong mùa nắng nóng?
Một trong những cách quan trọng đầu tiên là kiểm tra hệ thống làm mát của xe. Tài xế cần thường xuyên kiểm tra và bổ sung nước làm mát đúng loại, đảm bảo két nước không rò rỉ và quạt gió hoạt động ổn định. Việc này giúp hệ thống làm mát vận hành hiệu quả, tránh tình trạng động cơ bị quá nhiệt khi xe phải hoạt động dưới trời nắng gắt hoặc trong tình trạng kẹt xe kéo dài.
Ngoài hệ thống làm mát động cơ, việc bảo vệ nội thất xe cũng cần được chú trọng. Khi đỗ xe ngoài trời trong thời gian dài, nên tìm nơi có bóng râm hoặc sử dụng bạt phủ phản quang để giảm nhiệt độ hấp thụ vào xe. Nếu không có điều kiện đỗ xe râm mát, nên quay đầu xe ra hướng ngược với ánh nắng để tránh nắng chiếu trực tiếp vào cabin.
Dán phim cách nhiệt cho kính xe là biện pháp lâu dài và rất hiệu quả. Phim cách nhiệt có khả năng ngăn tia UV và tia hồng ngoại, giúp giữ cho khoang cabin mát hơn, giảm tải cho hệ thống điều hòa và bảo vệ các chi tiết nội thất như ghế da, taplo khỏi nứt nẻ, bạc màu.
Khi đỗ xe lâu giữa trời nắng, tài xế nên mở hé cửa kính khoảng 1–2cm để tạo khe hở thoát khí. Điều này giúp không khí lưu thông, tránh tình trạng không khí nóng bị tích tụ trong xe, từ đó giảm áp suất và nhiệt độ bên trong cabin. Ngoài ra, việc sử dụng rèm che nắng cho kính chắn gió trước và hai bên cũng giúp giảm lượng nhiệt hấp thụ vào xe. Một số tài xế còn lắp thêm quạt gió sử dụng năng lượng mặt trời để tạo luồng không khí đối lưu trong xe khi đỗ dưới trời nắng.
Đối với khoang máy, trong trường hợp xe phải dừng lâu giữa trời nắng như khi nghỉ giữa hành trình dài hoặc dừng chờ hàng tài xế có thể mở hẳn nắp capo khi xe đã tắt máy để giúp nhiệt thoát ra ngoài nhanh hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý chỉ thực hiện khi xe đã dừng hẳn và ở nơi an toàn.
Trong mùa nóng, không nên để các vật dễ cháy nổ như bật lửa, bình xịt, thiết bị điện tử hay chai nước có ga trong xe vì nhiệt độ cao có thể gây nổ hoặc hư hại thiết bị.
Phương Anh
Nguồn Gia Đình VN : https://giadinhonline.vn/mo-he-nap-capo-khi-di-duong-co-tot-khong-d206086.html