Từ thí điểm đến hành trình hội nhập bền vững
NashTech được xem là một trong những doanh nghiệp Anh tiên phong tại Việt Nam. Khởi đầu từ những năm 2000, khi hạ tầng CNTT tại Việt Nam còn yếu và mức độ sẵn sàng của thị trường thấp, NashTech đã xác định Việt Nam là một mắt xích chiến lược, không chỉ vì chi phí vận hành mà còn vì tiềm năng lâu dài về nhân lực và định hướng phát triển quốc gia.
Các chuyên gia chia sẻ tại phiên thảo luận sự kiện ra mắt Tuần lễ Công nghệ Anh - Đông Nam Á 2025, được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.
Ban đầu, NashTech phải đối mặt với ba thách thức lớn: Thiếu hụt kỹ sư công nghệ có chuẩn quốc tế, trình độ tiếng Anh hạn chế và môi trường pháp lý chưa hoàn chỉnh; đặc biệt là các quy định về sở hữu trí tuệ. Để vượt qua, công ty đã đầu tư vào việc đào tạo nhân sự, hợp tác với các trường đại học như Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh để xây dựng chương trình đào tạo chuẩn quốc tế. Ngoài ra, công ty còn tổ chức các khóa học tiếng Anh, kỹ năng mềm và quản lý dự án để giúp lực lượng lao động Việt Nam đạt chuẩn toàn cầu.
Nhờ vậy, đến nay đội ngũ nhân sự tại Việt Nam của NashTech đã vượt mốc 2.000 người, tham gia vào các dự án quy mô quốc tế, từ phát triển phần mềm, xử lý dữ liệu đến tư vấn chuyển đổi số. Từ đó, Việt Nam không chỉ là "nơi thuê ngoài" mà đã trở thành trung tâm R&D khu vực của NashTech.
Ông Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc Điều hành NashTech khu vực châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ: "Chúng tôi không đến Việt Nam chỉ vì chi phí thấp mà để xây dựng năng lực lâu dài, điều đó đòi hỏi phải đầu tư vào con người, sự hiểu biết và cam kết với thị trường".
What3Words cũng là một ví dụ về cách công nghệ được bản địa hóa và kết nối thực tiễn. Hợp tác với Vinfast, công ty này đã cung cấp giải pháp định vị toàn cầu bằng ba từ: Ứng dụng công nghệ vào giao thông, logistic và dịch vụ khách hàng. Công ty cũng đã bản địa hóa dịch vụ của mình sang tiếng Việt và tích hợp vào các hệ sinh thái tại Việt Nam, bao gồm thương mại điện tử, thành phố thông minh và cứu hộ khẩn cấp.
Đầu tư lâu dài và xây dựng hệ sinh thái số
Sự kiện Tech Week 2025 cũng đã chứng kiến các doanh nghiệp Anh không chỉ đơn thuần chuyển giao công nghệ mà còn tạo ra sự thay đổi lâu dài thông qua các mô hình hợp tác bền vững. TPP, công ty phần mềm nổi tiếng của Anh, hợp tác với Vinmec để triển khai hồ sơ y tế điện tử và AI vào chăm sóc sức khỏe. Chương trình này giúp giảm tải công việc cho bác sĩ và tăng tốc quá trình điều trị, mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân.
Bà Rhiannon Harries, Phó Cao ủy Thương mại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Vương quốc Anh phát biểu tại sự kiện.
Bà Rhiannon Harries, Phó Cao ủy Thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Vương quốc Anh đã nhấn mạnh: "Hợp tác AI với Việt Nam không chỉ là công nghệ, đó là cách chúng ta tạo ra tác động thật đối với sức khỏe, dịch vụ và tăng trưởng kinh tế". Bà Harries cũng chỉ ra rằng, AI có thể giảm thiểu sai sót trong chẩn đoán, giúp tăng tính chính xác, qua đó cải thiện hiệu quả dịch vụ y tế.
TPP là ví dụ điển hình của chiến lược hợp tác toàn diện, khi không chỉ cung cấp phần mềm mà còn tạo ra chuỗi cung ứng thông tin xuyên suốt giữa các bệnh viện và cơ sở y tế, giúp chuẩn hóa và đồng bộ dữ liệu, qua đó nâng cao chất lượng quản lý bệnh nhân trên diện rộng.
Một ví dụ khác là AstraZeneca, công ty dược phẩm Anh, triển khai chương trình sàng lọc ung thư phổi sớm bằng AI tại Việt Nam. Công ty đã hợp tác với các bệnh viện địa phương để tích hợp AI vào quy trình chẩn đoán, giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, điều mà trước đây chỉ có thể làm được ở giai đoạn muộn. Qua đó, một số bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi từ giai đoạn 1A, giúp tăng khả năng sống sót và giảm chi phí điều trị.
Có thể nói, Việt Nam và Anh không chỉ là đối tác trong công nghệ mà có thể trở thành những người bạn đồng hành trong việc tạo dựng một hệ sinh thái số bền vững. Các doanh nghiệp Anh không phải tìm kiếm "hợp đồng" hay "cơ hội ngắn hạn" mà hướng đến việc tạo ra những tác động dài hạn, góp phần vào sự phát triển chung.
Qua sự kiện Tech Week 2025, các doanh nghiệp Anh đã chứng minh sự chuẩn bị lâu dài của mình tại Việt Nam, thay vì chỉ khai thác lợi ích ngắn hạn từ một thị trường đang phát triển. Theo đó, việc xây dựng hệ sinh thái bền vững trong lĩnh vực công nghệ không chỉ là mối quan hệ thương mại đơn thuần mà là sự hợp tác giữa các Chính phủ, doanh nghiệp, học viện và tổ chức quốc tế. Điều này sẽ là nền tảng để Việt Nam và Anh đồng hành trong tương lai, không chỉ trong việc phát triển công nghệ mà còn trong việc tạo ra những giá trị bền vững.
Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức