Mô hình nuôi gà tự động

Mô hình nuôi gà tự động
10 giờ trướcBài gốc
Những ngày này, thời tiết nồm ẩm, mưa phùn khiến con đường vào trang trại gà của anh Nguyễn Văn Tám lầy lội bùn đất. Thế nhưng, bên trong khu trang trại rộng với hệ thống công nghệ hiện đại và thiết kế khép kín, mọi thứ vẫn sạch sẽ, khô ráo. “Các trang thiết bị tự động nên chúng tôi nhàn nhã hơn hẳn, ít tiếp xúc nên gà ít lây lan dịch bệnh”, anh Tám chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Tám (bên trái) và mô hình chăn nuôi gà tự động Ảnh: Thu Trang
Trước khi chuyển sang mô hình nuôi gà tự động, anh Tám từng trải qua giai đoạn trắng tay, tưởng chừng phải bỏ cuộc. Năm 2015, sau gần sáu năm anh nuôi gà theo cách truyền thống, dịch bệnh bùng phát trên địa bàn. Xác gà bị vứt bừa bãi từ các hộ xung quanh khiến trang trại của anh cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Anh và tám nhân công phải ăn, ngủ trong trại suốt hai tháng để cứu đàn gà; thậm chí, không dám cho vợ con vào vì lo ngại lây bệnh. Nhưng mọi nỗ lực đều không thể cứu vãn. “Gà chết hàng loạt, giá lại thấp làm tôi mất trắng 600 triệu đồng. Đó là toàn bộ vốn liếng tích lũy sau nhiều năm”, anh Tám nhớ lại.
Mất mát lớn khiến anh nhận ra cần phải thay đổi. Từ những khách hàng nhập gà giới thiệu và qua tìm hiểu báo đài, thông tin đại chúng, anh biết được mô hình chăn nuôi mới. Anh xuống thăm, học tập và cẩn thận ghi chép lại cách chăn nuôi mới tại các trang trại gà và thường xuyên dự các hội thảo về cách chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và cập nhật loại vắc xin tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên...
Anh Triệu Quý Lợi, Bí thư Đoàn xã Y Can, cho biết, trang trại gà của anh Tám là mô hình kinh tế tiêu biểu của địa phương. Đây là nơi để các thanh niên có ý định khởi nghiệp trong chăn nuôi đến học hỏi kinh nghiệm. Anh Tám luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên trên con đường lập nghiệp.
Trang trại mới được anh mở rộng lên 8.000m2 trên nền trong trại cũ, giúp giảm mật độ gà trong chuồng. Từ trang trại hở thành trại kín, quây phông, che bạt và thiết kế hệ thống dẫn nước, hệ thống thông gió làm mát chuồng với những cánh quạt khổng lồ giúp điều hòa nhiệt độ. Độ ẩm không khí luôn được điều chỉnh theo từng giai đoạn phát triển của vật nuôi.
Thức ăn, nước uống cho gà được tự động hóa. Từ máng tổng và két nước, hệ thống cảm biến tự động dẫn thức ăn, nước uống đến từng chuồng, giúp giảm thiểu thời gian cho ăn, uống xuống còn 40 - 50 phút/ngày. Qua đó, anh Tám tiết kiệm được thời gian; giảm thiểu lây lan dịch bệnh từ nhiều nguồn. Nhân công được giảm xuống còn 4 người. “Trước đây, trại gà chỉ vài nghìn con/lứa. Quy mô chuồng mới giúp tôi tăng lên 45.000 con gà/lứa, 5 tháng được xuất chuồng một lần”, anh Tám nói.
Qua nhiều đợt nâng cấp và sửa sang, hiện trại gà của Tám có giá trị đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Trừ các chi phí, anh thu về 300 đến 400 triệu đồng mỗi năm. “Từng có lúc, tôi tưởng như phải bỏ cuộc, nhưng nhờ đổi mới, tôi đã đứng dậy được. Chỉ cần kiên trì và biết cách thích nghi, tôi tin nông nghiệp vẫn là con đường làm giàu bền vững”, Tám nói.
Năm 2024, anh Nguyễn Văn Tám được Hội Nông dân Việt Nam trao giấy chứng nhận Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Thành Đạt
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/mo-hinh-nuoi-ga-tu-dong-post1719082.tpo