Altman viết: "Chúng tôi yêu thích các sản phẩm hiện tại, nhưng chúng tôi ở đây vì tương lai rực rỡ. Các công cụ siêu trí tuệ có thể thúc đẩy mạnh mẽ sự phát hiện khoa học và đổi mới vượt xa khả năng của chúng ta khi làm việc một mình, từ đó có thể gia tăng sự thịnh vượng và giàu có một cách đáng kể".
AGI, hay trí tuệ nhân tạo tổng quát, là một khái niệm không có định nghĩa rõ ràng, nhưng OpenAI đã đưa ra định nghĩa riêng: "Hệ thống tự động cao có thể vượt trội hơn con người trong hầu hết các công việc có giá trị kinh tế".
Theo Altman, AGI theo định nghĩa của OpenAI bao hàm những tác nhân AI - các hệ thống có thể thực hiện một số nhiệm vụ tự động, “tham gia vào lực lượng lao động” và “thực sự làm thay đổi năng suất của doanh nghiệp”.
OpenAI đang trong giai đoạn tái cấu trúc hướng đến tập trung thương mại hóa sản phẩm. Ảnh: TechCrunch
Trong khi đó, Microsoft, đối tác và nhà đầu tư của OpenAI, cũng có định nghĩa riêng về AGI, đó là các hệ thống AI có thể tạo ra ít nhất 100 tỷ USD lợi nhuận.
Theo một thỏa thuận giữa hai bên, khi OpenAI có thể đạt được mục tiêu này, Microsoft sẽ mất quyền truy cập vào công nghệ của đối tác.
Mặc dù thừa nhận công nghệ AI hiện tại còn rất nhiều hạn chế, khi chúng vẫn tạo ra những sai lệch và rất tốn kém, song Altman tin rằng các vấn đề này có thể được khắc phục nhanh chóng.
Trong bối cảnh công ty đang chuyển hướng tập trung vào siêu trí tuệ, câu hỏi đặt ra là liệu OpenAI có đủ nguồn lực và chiến lược để đảm bảo rằng các hệ thống siêu trí tuệ sẽ hành xử an toàn hay không.
Ở một bài đăng blog vào tháng 7/2023, OpenAI thừa nhận không có giải pháp để kiểm soát một AI siêu trí tuệ để ngăn nó đi lạc hướng.
Ngoài ra, từ đó đến nay, OpenAI đã giải tán các nhóm nghiên cứu tập trung vào an toàn AI, bao gồm an toàn cho các hệ thống siêu trí tuệ, và đã chứng kiến sự ra đi của một số nhà nghiên cứu có ảnh hưởng trong lĩnh vực an toàn.
Một số nhân viên đã chỉ ra tham vọng thương mại ngày càng tăng của OpenAI là lý do chính dẫn đến các sự ra đi. Công ty hiện đang thực hiện tái cấu trúc để thu hút các nhà đầu tư bên ngoài.
Đối mặt bài toán chi phí
Xây dựng một chatbot như ChatGPT đòi hỏi chi phí hàng tỷ USD, là lý do OpenAI đang thay đổi mô hình quản lý. Vào đầu năm 2023, công ty huy động 10 tỷ USD, nhưng chỉ sau 18 tháng, số tiền này đã gần như được sử dụng hết.
OpenAI tiếp tục huy động thêm 6,6 tỷ USD và vay 4 tỷ USD, nhưng trong vòng 18 tháng tới, công ty sẽ cần thêm vốn vì chi phí hiện tại lên tới 5,4 tỷ USD mỗi năm, và dự báo sẽ đạt 37,5 tỷ USD vào năm 2029.
Chi phí tăng nhanh là lý do OpenAI có thể thay đổi cấu trúc phi lợi nhuận. Công ty cần huy động hàng tỷ USD trong những năm tới và tin rằng hoạt động vì lợi nhuận sẽ thu hút nhà đầu tư hơn.
Việc phát triển AI đòi hỏi một lượng dữ liệu khổng lồ và sức mạnh tính toán mạnh mẽ. Các chatbot như ChatGPT học từ toàn bộ văn bản trên Internet, yêu cầu các trung tâm dữ liệu với hàng nghìn chip máy tính chuyên dụng (GPU), mỗi chiếc giá lên đến hơn 30.000 USD. Chi phí này càng tăng do nguồn cung chip và điện năng khan hiếm.
Sean Holzknecht, CEO Colovore cho biết, trung tâm dữ liệu AI mới có chi phí cao gấp 10 đến 20 lần so với trung tâm truyền thống.
Các công ty như OpenAI, Google và Microsoft đang chi hàng trăm tỷ USD để mở rộng cơ sở hạ tầng và sản xuất chip, nhưng vẫn không thể bù đắp chi phí từ các dịch vụ chatbot miễn phí.
OpenAI đã cải tiến ChatGPT, bổ sung dữ liệu hình ảnh và âm thanh, và mới đây công bố phiên bản có khả năng "lý luận". Công nghệ này yêu cầu sức mạnh tính toán lớn hơn, và công ty dự báo chi phí sẽ tăng gấp 7 lần vào năm 2029, khi hướng tới mục tiêu phát triển trí tuệ nhân tạo chung. Nick Frosst, cựu nhà nghiên cứu Google cho biết, chi phí sẽ tiếp tục tăng nếu theo đuổi mục tiêu này.
Thế Vinh