Từ hỗ trợ thiết thực đến hiệu quả lâu dài
Đầu năm 2025, gia đình ông Giáp Văn Lực (thôn 3, xã Đak Jơ Ta) là một trong những hộ nghèo của xã được hỗ trợ bò giống sinh sản từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trước đó, năm 2024, gia đình ông còn được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mang Yang hỗ trợ 1 con bò cái để tạo sinh kế.
Việc bò giống được hỗ trợ sinh bê con đã trở thành động lực để gia đình ông Giáp Văn Lực (thôn 3, xã Đak Jơ Ta) nỗ lực lao động, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Minh Phương
Nhờ tích cực chăm sóc, bò cái đã sinh được bê con, trở thành động lực để gia đình ông cố gắng lao động, vươn lên thoát nghèo. Niềm vui nối tiếp khi gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng để xây dựng căn nhà khang trang rộng hơn 50 m2 thay thế căn nhà gỗ tạm bợ, cũ nát.
Ông Lực chia sẻ: “Gia đình chỉ có hơn 1 sào đất trồng cà phê nhưng đất đai cằn cỗi nên năng suất thấp. Hiện thu nhập chủ yếu của gia đình dựa vào công việc làm thuê của hai vợ chồng, nhưng cũng rất bấp bênh. Nay bò đã đẻ được bê, gia đình tôi có thêm hy vọng, động lực làm ăn để vươn lên”.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Yđa Êban (làng Bông Pim) lúc gia đình ông đang xây nhà mới. Căn nhà kiên cố có diện tích hơn 100 m2 với tổng kinh phí xây dựng khoảng 300 triệu đồng.
Nhìn căn nhà đang xây dựng, ít ai nghĩ trước đây ông từng là hộ nghèo của làng. Năm 2017, từ con bò cái đầu tiên được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ, nhờ chăm sóc tốt nên ông đã nhân đàn lên 9 con.
Căn nhà của ông Yđa Êban (làng Bông Pim, xã Đak Jơ Ta-bìa phải) đang xây dựng có diện tích hơn 100 m2 với tổng kinh phí xây dựng khoảng 300 triệu đồng. Ảnh: Minh Phương
Sau khi có đàn bò, ông tận dụng phân bò để bón cho vườn cà phê, tiết kiệm chi phí mua phân bón. Nhờ đó, năm ngoái, từ 3 sào cà phê ông thu được hơn 3 tấn cà phê tươi.
Với giá bán 30 ngàn đồng/kg, ông thu về hơn 100 triệu đồng. Cộng với tiền bán bò, ông xây được nhà mới. Hiện đàn bò còn 5 con, trong đó có 2 con đang mang thai. Ông dự định tiếp tục nhân đàn để phát triển kinh tế gia đình ổn định.
Tương tự, gia đình anh Pôk (làng Atur, xã Ayun) là một trong ba hộ nghèo được hỗ trợ bò từ Ủy ban MTTQ huyện. Từ một con bò cái được hỗ trợ năm 2023, đến nay, lứa thứ hai của con bò đầu tiên đã sinh được bê.
Trước đây chuồng trống không có gì, giờ nhà đã có ba con, xem như có vốn làm ăn. Anh Pôk cho biết: Thời gian tới sẽ tập trung chăm sóc 1 sào cà phê và 3 sào bạch đàn trồng được ba năm, hy vọng cuộc sống sẽ dần ổn định hơn.
Từ năm 2021 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mang Yang đã phối hợp triển khai hàng chục mô hình sinh kế tại các xã trên địa bàn huyện. Điển hình như: Mô hình nuôi dê giống sinh sản cho 3 hộ nghèo ở làng Đê Ar (xã Ayun); 5 mô hình sinh kế trồng chuối, nuôi dê cho 27 hộ thuộc các xã Đak Trôi, Đak Yă, Đê Ar, Kon Chiêng, thị trấn Kon Dơng; bàn giao mô hình nuôi bò tại làng Đê Kôn (xã Hra) cho 7 hộ từ nguồn “Quỹ cứu trợ tỉnh” với tổng giá trị hơn 265 triệu đồng.
Ngoài ra, Ủy ban MTTQ huyện còn bàn giao 6 con bò sinh sản cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo tại làng Atur (xã Ayun) và làng Ar Dôch Ktu (xã Đê Ar), trị giá 100 triệu đồng. Cùng với đó, 10 hộ nghèo xã Lơ Pang được hỗ trợ mô hình nuôi heo rừng lai (mỗi hộ 3 con) từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” với tổng kinh phí 100 triệu đồng. Huyện cũng đã bàn giao mô hình nuôi heo sinh sản cho 13 hộ nghèo tại các xã Hà Ra, Đak Djrăng, Đak Ta Ley…
Bà Đinh Thị Minh Hà-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mang Yang-cho biết: “Tùy điều kiện tự nhiên và nhu cầu thực tế của người dân, các địa phương được lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Chúng tôi không triển khai đại trà mà khảo sát kỹ, chọn đúng đối tượng, đúng mô hình. Hỗ trợ không chỉ là con giống mà còn gắn với hướng dẫn kỹ thuật, theo dõi thường xuyên. Người dân cũng được khuyến khích tự lực vươn lên, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại”.
Hướng đến phát triển bền vững
Từ hiệu quả đạt được, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mang Yang đang tiếp tục xây dựng kế hoạch nhân rộng các mô hình sinh kế, với trọng tâm là nâng mức hỗ trợ, mở rộng phạm vi, lồng ghép đào tạo kỹ thuật, kết nối tiêu thụ sản phẩm và tạo điều kiện để người dân tái đầu tư sản xuất.
Từ hiệu quả đạt được, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mang Yang đang tiếp tục xây dựng kế hoạch nhân rộng các mô hình sinh kế trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Minh Phương
“Chúng tôi xác định, mô hình sinh kế phải đi đôi với sự thay đổi tư duy của người dân. Không thể chỉ trao con giống rồi để người dân tự xoay xở, mà phải đồng hành, hướng dẫn kỹ thuật, giám sát hiệu quả và có định hướng rõ ràng. Chỉ khi người dân tự mình vươn lên thì việc thoát nghèo mới bền vững”-bà Hà nhấn mạnh.
Tương tự, từ năm 2022 đến đầu năm 2025, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mang Yang phối hợp với UBND 10 xã và 9 nhóm cộng đồng triển khai 31 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng với tổng kinh phí 5,3 tỷ đồng.
Trong đó, Dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” thực hiện 10 mô hình tại các xã: Đak Jơ Ta, Kon Chiêng, Lơ Pang, Đê Ar, Kon Thụp, Hra, hỗ trợ bò cái sinh sản cho 77 hộ nghèo và cận nghèo; nuôi dê cho 4 hộ nghèo. Đến nay, số bò cái sinh sản được hỗ trợ đã sinh sản được 11 con/11 hộ.
Ngoài ra, Tiểu dự án 1 và Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã triển khai 21 dự án tại 9 xã với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Cụ thể, có 13 dự án nuôi bò sinh sản cho 151 hộ; 1 dự án nuôi dê cho 11 hộ; 2 dự án nuôi ngan cho 22 hộ; 1 dự án trồng sắn kháng bệnh cho 14 hộ; 1 dự án trồng lúa cho 15 hộ; 2 dự án trồng mắc ca xen cà phê cho 40 hộ. Theo đánh giá, trong tổng số 228 con bò cái cấp cho 228 hộ, đã có 22 con sinh sản.
Làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang có nhiều đổi thay nhờ các chính sách giảm nghèo bền vững, giúp nhiều hộ nghèo thay đổi tư duy sản xuất, nỗ lực vươn lên. Ảnh: Minh Phương
Ông Trương Quang Viện-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-nhận định: “Các hộ tham gia dự án đều có tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện đúng hướng dẫn kỹ thuật, con giống và cây giống sinh trưởng, phát triển tốt, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn chăm sóc vật nuôi, cây trồng được hỗ trợ để tạo sinh kế lâu dài, bền vững cho người dân”.
Trao đổi thêm về vấn đề này, bà Hoàng Thị Lan Anh-Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-cho biết: “Huyện luôn chú trọng xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua rà soát, trong năm 2024, toàn huyện đã giảm trên 500 hộ nghèo, tương đương hơn 3,2%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao và Nghị quyết Huyện ủy đề ra là giảm 2% hộ nghèo/năm”.
MINH PHƯƠNG