Mô hình thành phố trong Thủ đô: Giải quyết vấn đề về giãn dân ở khu vực trung tâm

Mô hình thành phố trong Thủ đô: Giải quyết vấn đề về giãn dân ở khu vực trung tâm
4 giờ trướcBài gốc
Theo Luật, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc Thành phố thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Hội đồng nhân dân thành phố thuộc Thành phố có 2 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách không quá 9 người; được thành lập không quá 3 Ban để tham mưu về các lĩnh vực cụ thể.
Tương tự các quận, huyện, thị xã, Hội đồng nhân dân thành phố thuộc Thành phố quyết định về đại biểu Hội đồng nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố hoạt động chuyên trách; quyết định số lượng, tên gọi, phạm vi lĩnh vực phụ trách, việc thành lập và số lượng thành viên các Ban của Hội đồng nhân dân. Đồng thời, ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Hội đồng nhân dân thành phố thuộc Thành phố cũng có thẩm quyền quyết định, phân bổ, điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách; phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố, trong đó bao gồm ngân sách của các phường trực thuộc theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Bố trí trong dự toán chi ngân sách của Ủy ban nhân dân phường trực thuộc khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách phường để thực hiện chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố, thảm họa, cứu trợ, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ cần thiết khác chưa được dự toán.
Với hạ tầng giao thông phát triển thuận lợi, sẽ giúp kéo giãn dân khu vực nội đô ra các thành phố thuộc Thủ đô.
Cùng đó, Hội đồng nhân dân thành phố thuộc Thành phố có quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công tại các phường trực thuộc theo quy định của Luật Đầu tư công; giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp mình ở phường; giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố thuộc Thành phố có thẩm quyền bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường; giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường theo quy định của pháp luật…
GS.TS Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024 - 2029 nhìn nhận: “Mô hình thành phố trong Thành phố là mô hình đặc biệt được tổ chức cho Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Về cơ chế sẽ cho phép chúng ta xây dựng mô hình có cả đô thị và nông thôn, nhưng có điểm chung đối với cả đô thị và nông thôn là đều phải phát triển theo quy chuẩn của một đô thị. Trong đó, vấn đề về hạ tầng, môi trường, giao thông, xây dựng phải tuân thủ các quy chuẩn. Mô hình này sẽ tạo điều kiện cho Thủ đô có không gian phát triển môi trường sống ở khu vực nông thôn còn thuận lợi và phù hợp hơn cả ở khu vực trung tâm.
Chính điều đó nó sẽ tạo ra sức hút cho những khu vực được gọi là thành phố, nhưng không phải đô thị trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống ở khu vực đó, qua đó giãn dân khu vực trung tâm đô thị hiện nay".
Hiện nay, người dân chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm vì điều kiện sống tốt hơn. Vì vậy, mô hình thành phố trong Thủ đô sẽ giải quyết được vấn đề về giãn dân khu vực trung tâm, giúp phân bố lại dân cư, phân bố lại khu vực sản xuất, phân bố lại hoạt động đầu tư. Khi đó, toàn bộ Thủ đô sẽ phát triển một cách đồng đều, trở thành đô thị văn minh, hiện đại.
Trong định hướng phát triển, tương lai Thủ đô Hà Nội sẽ có một đô thị trung tâm là những quận hiện hữu ở phía Nam sông Hồng và phát triển đô thị lên phía Bắc, phía Tây sông Hồng. Như vậy, quá trình phát triển sẽ lấy sông Hồng thành điểm nhấn, khi đó sẽ có 4 thành phố trực thuộc Thủ đô, mà trước mắt là hai thành phố đã được đưa vào Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị là thành phố phía Bắc và thành phố phía Tây.
Cũng theo GS.TS Hoàng Văn Cường, khi đó, việc di chuyển, giao lưu rất dễ dàng, hệ thống này không chỉ dừng lại ở những khu đô thị trong Thủ đô mà còn kết nối với các đô thị trong vùng như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam...
Như vậy các đô thị trong vùng không còn là đô thị độc lập nữa, mà sẽ trở thành các đô thị vệ tinh. Chính điều đó tạo ra sự liên kết giữa Thủ đô với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, từ đó sẽ tạo ra sự phân công, trong đó Thủ đô sẽ đóng vai trò trung tâm, dẫn dắt, vai trò là đầu tàu...
Phương Thảo
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/mo-hinh-thanh-pho-trong-thu-do-giai-quyet-van-de-ve-gian-dan-o-khu-vuc-trung-tam-184074.html