Mô hình thuế thu nhập âm: đánh thuế đừng quên phúc lợi

Mô hình thuế thu nhập âm: đánh thuế đừng quên phúc lợi
một ngày trướcBài gốc
Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn người nộp thuế. Ảnh: TTXVN
Mô hình thuế thu nhập âm
Thuế thu nhập âm (negative income tax - NIT) là một mô hình thuế được thiết kế nhằm hỗ trợ những người có thu nhập thấp thông qua việc chuyển giao thu nhập từ chính phủ thay vì đánh thuế. Theo cơ chế này, những cá nhân có thu nhập vượt qua một ngưỡng nhất định sẽ phải nộp thuế, trong khi những người có thu nhập thấp hơn mức đó sẽ nhận được khoản trợ cấp tương ứng từ chính phủ.
Ý tưởng về thuế thu nhập âm được trình bày bởi Giáo sư Milton Friedman trong cuốn sách Capitalism and Freedom (Chủ nghĩa Tư bản và Tự do) xuất bản năm 1962. Friedman chỉ ra các lợi ích chính của NIT như việc cung cấp tiền mặt trực tiếp cho người dân là cách hỗ trợ hiệu quả nhất, vì nó trao quyền cho cá nhân tự quyết định chi tiêu.
NIT có thể được thiết kế để thay thế hoặc đơn giản hóa các chương trình trợ cấp hiện có, giảm chi phí và sự cồng kềnh không đáng có của bộ máy hành chính làm nhiệm vụ chi trả cho các chương trình trợ cấp của chính phủ. Do được quản lý cùng với hệ thống thuế chung, chính sách NIT sẽ giúp đảm bảo sự minh bạch và giảm méo mó thị trường, giúp nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, một trong những lo ngại phổ biến về NIT là liệu nó có làm suy giảm động cơ làm việc hay không. Theo Friedman, nếu NIT được thiết kế hợp lý, nó sẽ không làm mất đi động cơ lao động của người dân.
Lý do là dù mức trợ cấp từ NIT sẽ giảm dần khi thu nhập tăng lên, nhưng vẫn luôn đảm bảo sao cho người có thu nhập trước thuế cao hơn vẫn sẽ có thu nhập sau thuế cao hơn so với người có thu nhập thấp hơn.
NIT từng được ủng hộ bởi nhiều nhà kinh tế học hàng đầu như Milton Friedman, James Tobin, Joseph Pechman và Jim Gray. Trong những năm 1968-1982, Mỹ và Canada đã thực hiện thử nghiệm mô hình này.
Một trong những ứng dụng thực tiễn đáng chú ý nhất của tư duy NIT là tín dụng thuế thu nhập kiếm được (EITC) được Tổng thống Gerald Ford đưa vào thực thi năm 1975 và sau đó mở rộng dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Chương trình này hoạt động tương tự NIT và đã trở thành một trong những trụ cột của chính sách thuế của chính phủ Mỹ ngày nay.
Ngoài EITC, Mỹ còn có nhiều chính sách tín dụng thuế khác như tín dụng thuế trẻ em, tín dụng thuế chăm sóc trẻ em và người phụ thuộc, tín dụng thuế dành cho người già và người khuyết tật, tín dụng thuế cho chi phí giáo dục đại học, tín dụng thuế tiết kiệm hưu trí, tín dụng thuế lãi suất thế chấp mua nhà…
Ở Trung Quốc, dù không áp dụng mô hình tín dụng thuế như Mỹ nhưng vẫn có các khoản khấu trừ thuế bổ sung cho cá nhân và gia đình, bao gồm chi phí nuôi con, chi phí giáo dục, chi phí y tế cho người mắc bệnh nặng, lãi suất vay mua nhà, chi phí chăm sóc người cao tuổi, tiền thuê nhà…
Các thử nghiệm tại Mỹ cũng cho thấy một số nhóm người nhận NIT có xu hướng giảm nhẹ số giờ làm việc, nhưng nhiều người lại chọn sử dụng thời gian này để nâng cao trình độ và kỹ năng thông qua việc tham gia các khóa tái đào tạo, nhờ đó tăng cơ hội việc làm và thu nhập lâu dài.
Việt Nam và lợi ích của NIT
Tại Việt Nam, chính sách thuế TNCN hiện nay chủ yếu tập trung vào việc đánh thuế người có thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng nhưng chưa có biện pháp hỗ trợ đối với những cá nhân có thu nhập dưới mức này
Điều này đặt ra một câu hỏi quan trọng: người có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng sẽ sống như thế nào khi họ không đủ điều kiện nộp thuế nhưng cũng không nhận được bất kỳ hỗ trợ tài chính nào từ chính phủ?
Ví dụ, nếu một người có thu nhập 15 triệu đồng/tháng, họ phải đóng thuế thu nhập trên phần vượt quá 11 triệu đồng, giả sử với thuế suất 5%, thì họ sẽ nộp 0,2 triệu đồng cho phần thu nhập vượt ngưỡng là 4 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu một người chỉ có thu nhập 7 triệu đồng/tháng (tức là thấp hơn mức giảm trừ 4 triệu đồng), tại sao họ không nhận được trợ cấp 5% trên khoản thiếu hụt đó, tương đương với 0,2 triệu đồng?
NIT sẽ giúp khắc phục tình trạng này bằng cách chuyển tiền trực tiếp đến những người có thu nhập thấp, giúp họ cải thiện mức sống mà không cần thông qua các chương trình trợ cấp hành chính phức tạp.
Thay vì phải nhận trợ cấp gián tiếp từ các chương trình trợ cấp mục tiêu khác nhau, người lao động có thể nhận được khoản hỗ trợ tài chính tương xứng với mức thiếu hụt thu nhập so với ngưỡng tối thiểu. Điều này giúp họ có thể chi trả cho các nhu cầu cơ bản như thực phẩm, nhà ở, y tế và giáo dục, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chẳng hạn, với người có thu nhập 6 triệu đồng/tháng, tức thấp hơn mức giảm trừ gia cảnh 5 triệu đồng, họ có thể nhận được một khoản hỗ trợ từ chính phủ, ví dụ 5%, tức tương đương khoản trợ cấp 250 nghìn đồng/tháng, tương tự như khoản thuế mà những người có thu nhập cao hơn, ví dụ như 16 triệu đồng/tháng, phải nộp nhưng theo chiều ngược lại.
Lợi ích thứ hai là NIT khuyến khích động lực làm việc và giảm tâm lý ỷ lại. Một trong những vấn đề của các chương trình mục tiêu giảm nghèo của Việt Nam hiện nay là tạo ra “bẫy nghèo”, tức là người dân không có động lực làm việc vì họ có thể nhận trợ cấp mà không cần lao động. Còn NIT không loại bỏ hoàn toàn trợ cấp ngay khi một người có việc làm, thay vào đó giảm dần mức hỗ trợ khi thu nhập của họ tăng lên. Điều này đảm bảo rằng làm việc luôn có lợi hơn so với không làm việc.
Thứ ba, áp dụng hệ thống thuế NIT có thể giúp giảm chi phí hành chính và tinh giản bộ máy cung cấp phúc lợi xã hội. Việt Nam hiện có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia được thiết kế nhằm hỗ trợ người thu nhập thấp và nhóm yếu thế, nhưng phần lớn trong số đó được thực hiện thông qua các cơ quan hành chính nhà nước, chi phí quản lý cao, dễ xảy ra thất thoát và kém hiệu quả.
Các chương trình phúc lợi thường yêu cầu giám sát, đánh giá, xét duyệt hồ sơ, tưởng là chặt chẽ nhưng thực tế không chỉ làm tăng gánh nặng hành chính cho người dân mà còn dễ dẫn đến tình trạng tham nhũng, trục lợi chính sách như đã từng xảy ra trước đây.
Thứ tư là cải thiện tính công bằng trong hệ thống thuế. Hệ thống thuế TNCN hiện tại của Việt Nam chưa phản ánh được tính công bằng theo khả năng chi trả, cào bằng mọi đối tượng, không xét đến các yếu tố đặc thù như chi phí nuôi dạy con cái, chi phí chăm sóc người già, hay chi phí y tế.
Nếu áp dụng NIT, Việt Nam có thể thiết kế hệ thống thuế sao cho không chỉ hỗ trợ những người có thu nhập dưới ngưỡng chịu thuế, mà còn tính đến hoàn cảnh cụ thể của từng cá nhân. Ví dụ, những người có con nhỏ, đang nuôi người già, hoặc gặp khó khăn về sức khỏe có thể nhận được trợ cấp cao hơn so với những người không có các gánh nặng này.
Thứ năm là thúc đẩy tăng trưởng và bình ổn kinh tế. Khi những người có thu nhập thấp nhận được hỗ trợ tài chính, họ sẽ chi tiêu nhiều hơn cho nhu cầu cơ bản, từ đó thúc đẩy tổng cầu trong nền kinh tế. Khi mọi người đều có cơ hội tiếp cận với mức sống tối thiểu, họ sẽ ít có xu hướng bất mãn, phản đối chính sách hoặc tham gia vào các hoạt động kinh tế phi chính thức nhằm trốn, tránh thuế.
Nói tóm lại, một nền kinh tế mà người lao động được hỗ trợ đúng cách có tính bền vững cao hơn, vì mọi cá nhân đều có cơ hội phát triển và đóng góp vào sự thịnh vượng chung.
Việc áp dụng các nguyên lý của NIT trong bối cảnh Việt Nam có thể mang lại nhiều lợi ích như đã nêu, song cũng đòi hỏi phải được thiết kế một cách hiệu quả, minh bạch, dữ liệu thu nhập đáng tin cậy và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý.
Nếu được thực hiện đúng cách, NIT có thể trở thành một giải pháp hiệu quả giúp Việt Nam cải thiện hệ thống thuế TNCN theo hướng công bằng và hiệu quả hơn so với hệ thống hiện nay.
----------------------
(*) Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright
Đỗ Thiên Anh Tuấn (*)
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/mo-hinh-thue-thu-nhap-am-danh-thue-dung-quen-phuc-loi/