Mô hình 'trên bến dưới thuyền' cho trung tâm tài chính quốc tế

Mô hình 'trên bến dưới thuyền' cho trung tâm tài chính quốc tế
14 giờ trướcBài gốc
Cơ hội là lúc này, tuy đi sau nhưng là chiến lược quốc gia, chiến lược có sự khác biệt. Xung quanh vấn đề thành lập trung tâm tài chính (TTTC) như thế nào cho phù hợp, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. LÊ ĐẠT CHÍ, Đại học Kinh tế TPHCM.
PHÓNG VIÊN: - Cho đến nay vẫn còn rất nhiều người chưa định vị được thế nào là TTTC quốc tế. TS. có thể giải thích cơ bản?
TS. LÊ ĐẠT CHÍ: - TTTC quốc tế là một nơi tiếp nhận dòng vốn quốc tế đầu tư vào, và dịch chuyển dòng vốn ra khỏi lãnh thổ một quốc gia được thực hiện thông qua một hệ thống thị trường tài chính. Hệ thống này cũng có thể đặt ở một nơi, một địa điểm hoặc một khu vực nào đó, tập trung các hoạt động tài chính quan trọng và đa dạng.
Là nơi mà các tổ chức tài chính, ngân hàng (NH) và các công ty đầu tư hội tụ để thực hiện các giao dịch, đầu tư và cung cấp các dịch vụ tài chính cho nhau. TTTC quốc tế tạo ra một môi trường thúc đẩy sự chuyển giao dòng chảy tài chính, thực hiện các giao dịch phức tạp và chu chuyển dòng vốn quốc tế.
Có thể hiểu cơ bản, dòng chảy thương mại, dòng vốn đầu tư luôn phát triển, và TTTC quốc tế sẽ đứng ra thực hiện, đảm bảo việc thanh toán cho dòng chảy đó từ Việt Nam đi các nước trên toàn cầu và ngược lại.
- Vậy lợi thế và lợi ích của TTTC quốc tế là gì mà lâu nay chúng ta đã bỏ qua?
- Thí dụ các doanh nghiệp (DN) của Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, họ mua bán hàng hóa phải thông qua một NH đứng ra làm dịch vụ thanh toán chuyển tiền quốc tế cho hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu. Khi không có TTTC quốc tế tại Việt Nam, buộc các DN này phải thực hiện các giao dịch đường vòng, đó là thông qua các chi nhánh NH của Hàn Quốc tại Việt Nam, chuyển giao dịch đó về NH mẹ tại Hàn Quốc hay nước sở tại để giao dịch với nước nhập, xuất khẩu - như Mỹ hay Trung Quốc chẳng hạn.
Như vậy, dòng chảy tài chính trung chuyển vốn này từ Việt Nam về Hàn Quốc rồi mới qua Mỹ hay Trung Quốc. Vô hình trung ở Hàn Quốc có thêm một hợp đồng thực hiện dịch vụ này tại Việt Nam.
Không chỉ Hàn Quốc, mà thực tế DN nước nào hoạt động ở Việt Nam đều thông qua các NH nước của họ để thanh toán. Vậy thì tại sao Việt Nam không xây dựng một TTTC quốc tế để cho DN các nước hoạt động tại Việt Nam, khi xuất nhập khẩu hàng hóa buộc phải đi qua, đặc biệt là với Mỹ khi chúng ta có thể hóa giải một phần lệch pha cán cân thương mại với họ.
Đây là lợi ích cụ thể nhất hay còn gọi là mô hình “trên bến dưới thuyền” của một TTTC quốc tế truyền thống, chuyên thực hiện các hợp đồng thanh toán xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với các nước một cách trực tiếp. Không chỉ tạo lệ phí cho TTTC quốc tế, mà còn tạo ra chi phí thấp cho DN xuất nhập khẩu hàng hóa ra vào Việt Nam.
Thử tạm tính 1% phí giao dịch bao gồm cả chuyển đổi tiền tệ. Hoạt động thương mại Việt Nam với các nước năm 2024 có tổng doanh thu hai đầu (xuất và nhập các nước) 786 tỷ USD, trong đó riêng với Mỹ khoảng 135 tỷ USD.
Như vậy 1% phí giao dịch để lại TTTC quốc tế là khá lớn. Từ đây sẽ hấp thụ lực lượng lao động tri thức vào TTTC này để tạo tăng trưởng kinh tế, thông qua chuyên gia nước ngoài, động lực chi tiêu, tiêu dùng các ngành nghề, dịch vụ khác.
- Nói như vậy đây là cơ hội, thời điểm tốt nhất để xây dựng TTTC quốc tế?
- Chúng ta nhìn lại 5 năm vừa qua, quy mô thương mại của Việt Nam đã thay đổi rất lớn. Nhưng việc lớn mạnh này chưa quy tụ về một nơi nào đó như TTTC quốc tế, mà đang được chia cho những NH các nước.
Và cơ hội này tiếp tục mở ra khi dưới thời ông Donald Trump, căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung càng đẩy lên một tầm cao mới. Với mức thuế quan như hiện nay, chắc hẳn dòng chảy thương mại trực tiếp của 2 quốc gia này là không thể, và việc trung chuyển qua một nước thứ ba là điều đương nhiên.
Còn nhớ TTTC quốc tế Dubai lớn mạnh hiện nay, nhưng thời kỳ đầu vẫn hoạt động mô hình “trên bến dưới thuyền”. Và lợi thế đầu tiên của họ là tận dụng khi Iran bị cấm vận, vì hàng hóa cũng phải vào Iran thông qua TTTC Dubai. Hay TTTC Singapore một thời cũng tận dụng giai đoạn cấm vận của Việt Nam, để thực hiện các giao dịch thương mại mà những nước không thể trực tiếp vào Việt Nam được.
Vậy thì chúng ta phát triển TTTC quốc tế lẽ dĩ nhiên cũng tận dụng sự cạnh tranh giữa hai cường quốc Mỹ và Trung. Chúng ta có một vị trí địa lý thuận lợi, nên lãnh đạo Việt Nam đã nhìn thấy điều này và đốc thúc trong việc phát triển TTTC quốc tế.
Hay một minh chứng khác mà cụ thể là cơ hội để chúng ta cân bằng cán cân thương mại với Mỹ. Thí dụ chúng ta còn bỏ ngỏ các NH có vốn nhà nước khi cổ phần hóa, thông qua room cho đối tác chiến lược. Như Vietcombank chẳng hạn, ai sẽ là đối tác chiến lược.
Tiêu chí đối tác chiến lược này chắc chắn sẽ phải tìm kiếm một nhà đầu tư quốc tế để kết nối cho một TTTC quốc tế. Và đối tác Mỹ sẽ là tiêu chí ưu tiên. Đây là lúc Việt Nam phải mở cửa trong đàm phán, và thiết lập những cam kết dài hạn cho một vị thế với tham vọng phát triển TTTC quốc tế.
TPHCM khi phát triển cảng quốc tế Cần Giờ, cũng là cơ hội cho mô hình TTTC quốc tế “trên bến dưới thuyền”. Trên là TTTC, dưới là hệ thống logistics cảng biển phục vụ cho dòng chảy thương mại.
Ngoài ra, TTTC quốc tế sẽ giải quyết công ăn việc làm cho một tầng lớp trí thức, bởi đây là dịch vụ tài chính cao. Bên cạnh sẽ phát triển được một hệ thống logistics đi kèm. Với riêng TPHCM khi phát triển cảng quốc tế Cần Giờ, cũng là cơ hội cho mô hình TTTC quốc tế “trên bến dưới thuyền”. Trên bến là TTTC, dưới thuyền là hệ thống logistics cảng biển phục vụ cho dòng chảy thương mại.
- Thưa TS., vấn đề là chọn mô hình TTTC như thế nào và loại hình gì để thu hút dòng vốn quốc tế?
- Khi có quyết định thành lập TTTC quốc tế và khu vực tại TPHCM và TP Đà Nẵng, nhiều kiến nghị đề xuất TTTC quốc tế nên hướng đến những lĩnh vực có tính đón đầu xu hướng. Những đề xuất này theo tôi chỉ là nhất thời. Đó là khi NH số, lĩnh vực fintech… nổi lên thì lại được nghe TTTC cần hướng vào fintech, còn hiện nay khi nói về tiền số, tài sản số thì lại thấy đề xuất cho TTTC quốc tế.
Nhưng nên nhớ, TTTC khu vực hay quốc tế điều quan trọng phải thu hút dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, còn lĩnh vực fintech bao gồm tiền số, liệu có hấp thụ được vài tỷ USD đầu tư vào? Trong lĩnh vực fintech cần nhất là đổi mới sáng tạo, chia sẻ cơ sở dữ liệu, là môi trường khởi nghiệp, là dòng vốn đầu tư mạo hiểm.
Vậy liệu rằng môi trường đổi mới sáng tạo của Việt Nam hiện nay, nhất là lĩnh vực fintech hay tiền số có hấp thụ dòng vốn quốc tế đầu tư vào không để hình thành nên một TTTC quốc tế? Nếu có chăng, những sản phẩm tài chính này chỉ là sản phẩm phụ của một TTTC quốc tế.
Có kiến nghị cho rằng TTTC quốc tế phải tự do hóa dòng vốn vào - ra. Điều đó hoàn toàn không sai. Nhưng với Việt Nam khi vốn quốc tế vào họ mua cái gì, sản phẩm tài chính nào để họ mua bán? Bởi không có một sản phẩm tài chính nào đủ quy mô và xứng tầm cho TTTC để họ đầu tư, thì tự do hóa dòng vốn có ích chi? TTTC quốc tế còn là một thị trường nợ phát triển, và với nợ của trái phiếu Chính phủ Việt Nam thấp hơn lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ, vậy cớ gì dòng vốn quốc tế này vào Việt Nam?
Cũng có đề nghị TTTC quốc tế phải gắn với phát triển xanh. Nhưng hãy nhìn xem Việt Nam hiện nay có bao nhiêu tổ chức quốc tế tài trợ cho tín dụng xanh, tài chính xanh. Còn nếu chúng ta nói rằng phát triển TTTC quốc tế và cung cấp những công cụ tài chính xanh cho những tổ chức đó vào mua, nhưng lưu ý quy mô của dòng vốn xanh này hiện nay còn khá nhỏ bé và chia đều cho cả thế giới.
Nếu may mắn chúng ta có thể thu hút khoảng một tỷ USD mỗi năm là may mắn, thấp hơn cả kiều hối mà kiều bào mỗi năm gửi về nước. Và như tôi đã phân tích ở trên, TTTC trước hết đừng nghĩ quá xa, mà hãy chọn mô hình khởi đầu “trên bến dưới thuyền” rồi sau đó tích hợp các sản phẩm phụ cho nó.
- Nhưng một TTTC quốc tế với mô hình fintech, tự do hóa dòng vốn và phát triển xanh đang là xu thế trên toàn cầu?
- Không sai. Nhưng đó là những TTTC phát triển lên tầm cao mới, còn chúng ta mới bắt đầu đừng quá đi sâu theo kiểu “đi trước đón đầu” cho loại hình TTTC là không thể. Chẳng hạn Singapore, một TTTC đang phát triển đỉnh cao, cũng lo lắng trong chiến lược quốc gia về vị thế của Việt Nam sẽ thay thế TTTC của họ, nên chuyển sang mô hình đổi mới sáng tạo, kêu gọi các dự án khởi nghiệp về Singapore đầu tư, trong đó có cả DN Việt Nam. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta cạnh tranh đi trước Singapore trong lúc này.
Hay TTTC Tokyo của Nhật Bản đã phát triển về chất, đi vào chiều sâu, tầm cao này mới dám tự do hóa dòng vốn. Bởi nước Nhật thặng dư cán cân thương mại và dự trữ ngoại hối rất lớn. Các quỹ hưu trí của Nhật đầu tư ra Mỹ, nhà đầu tư Nhật ra nước ngoài đầu tư, nên họ phải thông qua TTTC quốc tế để chuyển vốn qua lại.
Nên nhớ, TTTC Tokyo phát triển tầm toàn cầu, nhưng ở thời kỳ đầu thập niên 80 cũng hoạt động “trên bến dưới thuyền”. Hay như TTTC Kuala Lumpur của Malaysia, sự lớn mạnh của họ hiện nay cũng từ thương mại. Bởi họ có một nguồn lực dự trữ ngoại hối, hỗ trợ cho các DN đầu tư ra khu vực chẳng hạn như Việt Nam một thời gian rất dài. Sau đó dòng chảy thương mại cứ thế duy trì cho TTTC quốc tế.
Chúng ta cũng có thể kỳ vọng, khi có TTTC mô hình “trên bến dưới thuyền” suôn sẻ, dự trữ ngoại hối của quốc gia phát triển, cũng sẽ tính đến tài trợ cho các DN Việt Nam đầu tư ra các nước trong khu vực để gia tăng lợi thế mềm lên các nước. Lúc đó hãy tính đến chuyện mở rộng tự do hóa dòng vốn qua TTTC, một DN bán lẻ mở chuỗi bán lẻ ở Lào, Campuchia cũng phải thông qua TTTC.
- Xin cảm ơn TS. về cuộc trao đổi này.
TRẦN HẢI (thực hiện)
Nguồn SGĐT : https://dttc.sggp.org.vn/mo-hinh-tren-ben-duoi-thuyen-cho-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-post122345.html