Mô hình 'Yên lòng người ra đi - Ấm lòng người ở lại'

Mô hình 'Yên lòng người ra đi - Ấm lòng người ở lại'
6 giờ trướcBài gốc
Mô hình ra đời đầu tháng 1/2022, với 249 hộ tham gia trong tổng số 2.244 hộ của toàn xã. Mục đích nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện an sinh xã hội, chăm lo đời sống của hội viên phụ nữ và cộng đồng dân cư, gắn kết tinh thần “lá lành đùm lá rách”, tương trợ khi có người qua đời. Mô hình hoạt động công khai, tự nguyện, do bà Ngô Thị Mai (sinh năm 1967, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Vĩnh Quới) làm tổ trưởng, cùng với 3 tổ phó và mỗi ấp chọn 1 hội viên phụ nữ làm nòng cốt. Quy định mỗi hộ tham gia đóng góp 20.000 đồng, khi có thành viên trong hộ gia đình chẳng may qua đời thì được tương trợ mai táng phí. Lúc đầu, số tiền tương trợ 4.960.000 đồng và đến nay có 444 hộ tham gia, số tiền nâng lên 8.860.000 đồng. Qua 3 năm, mô hình tương trợ 48 người, với số tiền 358.370.000 đồng.
“Sinh - lão - bệnh - tử là lẽ tất nhiên của đời người. Ngoài nỗi đau to lớn về tinh thần, nhưng về chi phí hậu sự đối với người ở lại cũng không ít khó khăn. Khi xảy ra sự cố, các tổ phó phụ trách các ấp có trách nhiệm gom tiền đóng góp của các hộ trên địa bàn và cử đại diện nhanh chóng trao số tiền cho hộ gia đình có người mất lo hậu sự, giảm bớt phần nào nỗi lo về chi phí mai táng. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ để có thêm nhiều hộ tham gia. Đó không chỉ là tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa chị em hội viên phụ nữ, cư dân ở địa phương, mà còn mang ý nghĩa rất nhân văn là làm “Yên lòng người ra đi, ấm lòng người ở lại” - bà Ngô Thị Mai cho biết.
Trao tiền cho thân nhân người đã mất
Mô hình đã tương trợ giúp giảm bớt nỗi lo mai táng phí cho rất nhiều trường hợp. Điển hình, bé Nguyễn Hữu Tài (sinh năm 2018), mẹ đi làm ăn xa, ở nhà với bà ngoại Nguyễn Thị Ba (ngụ ấp Vĩnh Quới), là hộ nghèo của địa phương. Bé không may bị tai nạn và mất đột ngột, bà ngoại vừa chịu nỗi đau mất cháu, lại gặp khó khăn về chi phí hậu sự. Nắm tình hình, Tổ “Tương trợ mai táng phí” đóng góp 7,8 triệu đồng của các hộ thành viên, cùng UBND xã kịp thời trao số tiền 11,4 triệu đồng hỗ trợ gia đình. “Nếu không có số tiền này, gia đình tôi không biết lấy đâu lo hậu sự cho cháu, chỉ biết đi vay mượn, sau này không biết làm gì để trả nổi” - bà Ba nghẹn ngào.
Cũng ở ấp Vĩnh Quới, cuối năm 2024, chứng bệnh ngặt nghèo của bà Nguyễn Thị Ngọc Mai (sinh năm 1973) đến giai đoạn cuối, con dâu nghỉ việc chăm lo, do người nhà đi làm ở tỉnh Bình Dương. Bệnh không qua khỏi, bà Ngọc Mai qua đời. Tổ “Tương trợ mai táng phí” giúp 8.860.000 đồng để hỗ trợ lo hậu sự...
Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh An Bùi Thị Bích Huệ cho biết, hơn 3 năm qua, mô hình “Tương trợ mai táng phí” được ghi nhận, đánh giá cao. Trong đó, tổ trưởng Ngô Thị Mai cùng với các tổ phó, thành viên nòng cốt các ấp, ngoài nhiệt thành với công việc thiện nguyện, còn vận động thêm nhiều người tham gia mô hình. Hội LHPN xã sẽ tiếp tục phối hợp MTTQ, Hội Chữ thập đỏ địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và người dân tham gia mô hình, tăng số lượng thành viên để tăng số tiền tương trợ gia đình người quá cố, góp phần làm vơi bớt khó khăn về chi phí mai táng, đồng thời kịp thời động viên tinh thần của người ở lại”.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Thành Phạm Thị Thu Dân cho biết, hơn 3 năm qua, cùng với hoạt động hiệu quả của nhóm “Thiện Duyên”, mô hình “Tương trợ mai táng phí” do Hội LHPN xã Vĩnh An phát động phát huy hiệu quả, được người dân ủng hộ, đánh giá cao. Từ mô hình này đã nhân rộng đến xã Vĩnh Bình, xã Vĩnh Hanh, thị trấn An Châu... Mô hình hoạt động hiệu quả, mang ý nghĩa thiết thực, nhân văn. Thời gian tới, mô hình tiếp tục duy trì hoạt động để góp phần chia sẻ khó khăn về mai táng, nỗi đau tột cùng của gia đình người quá cố, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội ở địa phương.
N.R
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/mo-hinh-yen-long-nguoi-ra-di-am-long-nguoi-o-lai--a413470.html