Diễn đàn "Giải pháp phát triển chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với du lịch sinh thái" là cơ hội để nông dân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với các nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp...
Ngày 21.7, tại thành phố Nha Trang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông & Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với du lịch sinh thái”.
Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của hàng trăm nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đến từ khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Sự kiện nhằm mở ra một hướng đi chiến lược, không chỉ giúp ngành chăn nuôi vững vàng trước thời tiết cực đoan mà còn khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, tạo giá trị gia tăng bền vững cho người chăn nuôi và phát triển kinh tế địa phương.
Ngành chăn nuôi trước thách thức của biến đổi khí hậu
Ngành chăn nuôi khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung đang đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa cũng thu hẹp không gian sản xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, biến đổi khí hậu gây tác động trực tiếp đến ngành chăn nuôi.
Nhiệt độ tăng cao, các hiện tượng thời tiết cực đoan (bão, lũ, nắng nóng, rét đậm, mưa lớn bất thường, hạn hán, xâm nhập mặn) và suy thoái hệ sinh thái đang làm thiệt hại lớn về năng suất, sức khỏe vật nuôi cũng như cơ sở vật chất. Điều này buộc ngành chăn nuôi phải thay đổi tư duy và áp dụng các giải pháp thích ứng cấp bách.
Tỉnh Khánh Hòa là một ví dụ điển hình về những thách thức mà ngành nông nghiệp phải đối mặt bao gồm thiên tai, hạn hán, dịch bệnh và sản xuất manh mún.
Ông Võ Văn Công - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa chia sẻ, sự quan tâm và hỗ trợ từ Trung ương cùng địa phương đã giúp ngành tập trung đầu tư, tái cơ cấu, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất.
Cụ thể, giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 155 triệu đồng/ha đất canh tác, đặc biệt sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt tới 990 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, ông Công cũng thẳng thắn nhìn nhận những thách thức mà ngành đang đối mặt. Đó là những rủi ro từ thiên tai, hạn hán, dịch bệnh, cùng với tình trạng sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún…
Người nông dân cần xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi để thu hút du khách, phát triển du lịch
Những yếu tố này gây khó khăn không nhỏ cho việc thu hút đầu tư, chuyển giao kỹ thuật và phát triển các chuỗi giá trị phù hợp thị trường, đặc biệt là các mô hình chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với du lịch sinh thái.
Để ứng phó với những thách thức này và phát triển chăn nuôi bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa đang quyết liệt chuyển đổi cơ cấu vật nuôi; ưu tiên đầu tư vào các con giống có lợi thế tại địa phương như bò, dê, cừu…
Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường tập huấn kỹ thuật, khuyến khích liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định. Các chính sách hỗ trợ và giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu cũng được tuyên truyền và triển khai kịp thời.
Sở cũng chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ, các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là những mô hình hay và cách làm hiệu quả đã được chứng minh…
Không chỉ Khánh Hòa, vượt lên thách thức, trên địa bàn cả nước đã có nhiều mô hình khuyến nông tiêu biểu, thích ứng với biến đổi khí hậu, tích hợp phát triển nông nghiệp xanh với du lịch trải nghiệm.
Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi thích ứng biến đổi khí hậu gắn với du lịch sinh thái
Cụ thể, mô hình chăn nuôi dê được triển khai tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Bình, Phú Thọ… không chỉ tập trung chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi hiệu quả mà còn kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp.
Đặc biệt, dự án chăn nuôi dê sinh sản tạo vùng nguyên liệu tại Khánh Hòa với 300 dê cái giống, dự kiến lợi nhuận tăng gấp 3,78 lần so với nuôi ngoài mô hình. Các hộ tham gia dự án còn trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả, trồng cỏ, cải tạo vườn đồi xanh tốt, tạo cảnh quan thu hút khách du lịch.
Hay mô hình chăn nuôi cừu sinh sản thích ứng biến đổi khí hậu vùng Duyên hải Nam Trung bộ triển khai tại tỉnh Khánh Hòa. Mô hình giúp nông dân trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật chọn giống, chăm sóc, chế biến thức ăn, phòng trị bệnh và kết hợp du lịch.
Mô hình chăn nuôi vịt biển an toàn sinh học được áp dụng tại các tỉnh ven biển như Thanh Hóa, Quảng Trị, Đắk Lắk… Mô hình đã giúp nông dân thích ứng hiệu quả với điều kiện nước mặn, nước lợ, góp phần quan trọng vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại các vùng chịu tác động của biến đổi khí hậu…
Ngoài ra, một số mô hình khuyến nông trồng trọt gắn với du lịch sinh thái như sản xuất chè xanh hữu cơ OCOP ở Thái Nguyên, cà phê chè hữu cơ ở Tây Trường Sơn, sen ở Hà Nội, Nghệ An, Đồng Tháp và rau an toàn ở Hà Nội, Bắc Ninh đều tích hợp du lịch trải nghiệm.
Tương tự, các mô hình nuôi thủy đặc sản lồng bè ở miền núi phía Bắc hay cá biển lồng HDPE ở các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Kiên Giang… đã và đang tạo ra sản phẩm chất lượng cao, thu hút du khách và giải quyết việc làm.
Hướng tới giải pháp toàn diện và bền vững
Tuy các mô hình chăn nuôi thích ứng biến đổi khí hậu, gắn với du lịch sinh thái có những thành công bước đầu, song vẫn gặp nhiều khó khăn như chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu đầu tư bài bản, tiềm năng du lịch nông nghiệp chưa khai thác hết và thiếu chính sách đồng bộ.
Để phát triển bền vững, diễn đàn đã đưa ra các giải pháp căn cơ như cần có chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai và quy hoạch rõ ràng. Người nông dân cần cải tạo chuồng trại thông thoáng, chống ngập, ứng dụng năng lượng tái tạo (biogas, điện mặt trời).
Đồng thời áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ, tuần hoàn, sử dụng giống vật nuôi chịu nhiệt, kháng bệnh tốt (dê Bách Thảo, vịt biển, lợn lai bản địa, bò Brahman...).
Đặc biệt, cần tăng cường ứng dụng công nghệ số (cảm biến thông minh, phần mềm quản lý, AI) để dự báo, giám sát và tối ưu hóa sản xuất; cũng như thúc đẩy liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp để tạo chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ bền vững, kết nối với các đơn vị lữ hành…
Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của hàng trăm nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đến từ khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên
Theo Tiến sĩ Đặng Quý Nhân - Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn vừa qua.
Tính đến nay, Việt Nam đã có gần 17.000 sản phẩm OCOP được phân hạng từ 3 sao trở lên, trong đó khoảng 115 sản phẩm đạt 4-5 sao cấp quốc gia. Đây là những sản phẩm đặc sản mang đậm bản sắc vùng miền, giúp thu hút lao động tại chỗ và gia tăng giá trị cho nông nghiệp; đồng thời, tạo tiền đề cho thu hút du khách, phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp - nông thôn.
Còn ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ, để phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp du lịch, điều cốt lõi là chăn nuôi phải đảm bảo vệ sinh môi trường, sản phẩm an toàn và dựa trên các giải pháp công nghệ hiện đại.
Theo ông Thanh, mặc dù hiện có nhiều giải pháp công nghệ tốt và hữu ích nhưng việc vận dụng cần linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt thì vai trò của khuyến nông càng trở nên cấp thiết.
Do đó, lực lượng khuyến nông cần đồng hành cùng người sản xuất, giúp họ điều chỉnh và lựa chọn những giải pháp phù hợp, hữu ích. Bởi vấn đề không chỉ là tiếp cận thông tin, mà còn là cách thức xử lý và ứng dụng thông tin đó vào thực tiễn.
Qua diễn đàn này, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia còn gợi ý người dân cần thay đổi trong sản xuất và chuyển đổi tư duy kinh tế. Để đạt được mục tiêu này, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là yếu tố then chốt, bắt buộc.
Ông cũng khuyến nghị bà con chuyển đổi mô hình làm ăn sang hướng cộng đồng, thông qua các Hợp tác xã. Điều này sẽ giúp chủ động đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, tăng cường sức mạnh tập thể. Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch cần phải có sự mới mẻ, độc đáo và khác biệt để hấp dẫn, thu hút du khách...
NAM PHONG