Mở hướng thoát nghèo, làm giàu bền vững cho người dân Cái Nước

Mở hướng thoát nghèo, làm giàu bền vững cho người dân Cái Nước
9 giờ trướcBài gốc
Một trong những điểm sáng trong hành trình xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Cái Nước chính là quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế địa phương, đặc biệt là mô hình sản xuất tôm – cua kết hợp và phát triển các sản phẩm OCOP đặc trưng.
HTX làm "bệ đỡ"
Xác định vai trò quan trọng của liên kết sản xuất trong nâng cao giá trị nông sản, huyện Cái Nước đã tập trung xây dựng các HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị. Điển hình là HTX Chế biến - Thương mại – Dịch vụ - Nuôi trồng thủy sản Cái Bát.
Chính thức được cấp phép hoạt động vào năm 2014, với 12 thành viên, đến nay, qua hơn 10 năm, HTX đã có 26 thành viên chính thức, và 104 thành viên liên kết, nguồn vốn điều lệ 500 triệu đồng.
Các HTX đang trở thành điểm tựa cho nông dân huyện Cái Nước.
Ông Nguyễn Hoàng Ân – Chủ tịch HĐQT HTX Cái Bát cho biết, chứng nhận ASC là một tiêu chuẩn quốc tế dựa trên 4 nền tảng chính bao gồm môi trường, xã hội, an sinh động vật, và an toàn thực phẩm.
ASC là tiêu chuẩn quốc tế cao nhất về thủy sản, hướng đến sản xuất phải có trách nhiệm. Khi có được chứng nhận ASC thì sản phẩm của bà con làm ra có thể được xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Brasil.
Hiện tại, HTX có quy mô sản xuất với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 178 ha; chế biến các mặt hàng thủy sản các loại, đạt 50 - 60 tấn/năm. HTX cũng có 5 sản phẩm OCOP, và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực.
Ông Nguyễn Văn Kiệt – thành viên HTX Cái Bát cho biết, khi tham gia vào HTX, các thành viên còn được hưởng lợi ích chung từ các chương trình của Nhà nước hỗ trợ cho kinh tế tập thể; thường xuyên được tập huấn nâng cao trình độ bảo đảm được năng suất ổn định.
"Sản phẩm sản xuất ra được gắn liền với thương hiệu HTX Cái Bát, được phân chia lợi nhuận theo quy chế của HTX, và được hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh từ nguồn vốn điều lệ đóng góp vào HTX", ông Kiệt chia sẻ.
Sáng tạo trong sản xuất
Không dừng lại ở việc sản xuất nguyên liệu thô, nhiều hộ dân, HTX ở Cái Nước đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ, sáng tạo trong chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Một trong những mô hình tiêu biểu là sản phẩm bánh phồng tôm Cái Nước - một sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao, đang ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.
Điển hình như mô hình của HTX Bánh Phồng Tôm Hồng Nhung (xã Hòa Mỹ), do bà Trần Thị Hồng Nhung sáng lập. Với phương châm “lấy chất lượng làm đầu”, HTX đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời phát triển đa dạng các dòng sản phẩm như bánh phồng tôm nguyên chất, bánh phồng tôm cua sinh thái, bánh phồng hải sản tổng hợp,...
Nhờ chiến lược nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu bài bản, chỉ trong vòng 3 năm, doanh thu của HTX Hồng Nhung đã tăng gấp 4 lần. Đặc biệt, HTX còn liên kết với sàn thương mại điện tử và các chuỗi siêu thị lớn như Co.opmart, BigC, Vinmart... để đưa sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng cả nước.
“Trước đây gia đình tôi chỉ làm thủ công, bán tại chợ, thu nhập bấp bênh. Từ khi tham gia HTX, sản phẩm có thương hiệu, bán được giá cao hơn, có đơn hàng đều đặn, cuộc sống khấm khá hơn hẳn,” bà Nguyễn Thị Bé Ba, một thành viên HTX, vui mừng cho biết.
Không chỉ góp phần tạo việc làm cho gần 80 lao động tại chỗ, thu nhập bình quân từ 5,5 – 7 triệu đồng/người/tháng, mô hình của HTX Hồng Nhung còn tạo động lực lớn để nhiều hộ dân trong vùng mạnh dạn tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, khép kín, gắn với thương mại điện tử.
Những mô hình sản xuất theo hướng bền vững góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở Cái Nước.
Những thành công của các HTX ở Cái Nước hiện tại có dấu ấn không nhỏ từ sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Cà Mau.
Cụ thể, xác định vai trò “đầu tàu” trong hệ thống kinh tế hợp tác, Liên minh HTX Việt Nam đã định hướng chiến lược phát triển các HTX kiểu mới thông qua việc xây dựng mô hình HTX điểm tại Cái Nước. Đây là mô hình mẫu để lan tỏa kinh nghiệm quản lý hiệu quả, ứng dụng công nghệ và tăng liên kết chuỗi cho các HTX trong vùng.
Đồng thời, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh việc hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản lý và chuyên môn.
Đòn bẩy thoát nghèo, làm giàu
Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Cà Mau cũng thúc đẩy triển khai các loại quỹ, dịch vụ cho vay nhằm hỗ trợ vốn cho HTX hoạt động, đồng thời đề xuất đơn giản hóa quy trình tiếp cận Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, giúp các HTX dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Cùng với đó, Liên minh HTX Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai tuyên truyền và tập huấn chuyên sâu về Luật HTX năm 2023. Riêng tại Cà Mau – trong đó có huyện Cái Nước – các lớp đào tạo được tổ chức không chỉ trang bị kiến thức pháp lý mà còn nâng cao kỹ năng quản trị, giúp các cán bộ HTX nắm chắc cơ hội chuyển mình theo Luật mới.
Thực tiễn tại huyện Cái Nước cho thấy, cùng với sự phát triển của các HTX, việc chuyển đổi sản xuất không chỉ đơn thuần là thay đổi cây con giống, mà còn phải thay đổi tư duy sản xuất - từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, từ manh mún sang liên kết chuỗi giá trị bền vững.
Bên cạnh việc nhân rộng các mô hình nuôi tôm – cua sinh thái, chế biến nông sản gắn với thương hiệu OCOP, chính quyền địa phương cũng tích cực hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quảng bá sản phẩm trên nền tảng số.
Huyện còn phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, tổ chức tài chính vi mô, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, marketing số, xây dựng thương hiệu,... nhằm nâng cao năng lực quản trị, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các HTX và hộ nông dân.
Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Cái Nước giảm đáng kể qua từng năm. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 1,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/năm.
Với hướng đi đúng đắn, sự nỗ lực không ngừng của người dân, HTX, doanh nghiệp và chính quyền, tin rằng Cái Nước sẽ tiếp tục viết nên câu chuyện thành công, trở thành mô hình mẫu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở vùng đất cuối trời Tổ quốc.
Nam Phong
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//mo-hinh/mo-huong-thoat-ngheo-lam-giau-ben-vung-cho-nguoi-dan-cai-nuoc-1106481.html