Đứng ở góc độ một doanh nghiệp (DN) hàng đầu về xuất khẩu (XK) rau quả, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết mục tiêu tăng trưởng mà công ty đặt ra cho năm 2025 sẽ là 15%. Điều này dựa trên cơ sở có thêm trái sầu riêng đông lạnh xuất chính ngạch vào Trung Quốc, ngoài ra sẽ có thêm trái chanh leo vào thị trường Mỹ, trái vải chính thức xuất vào thị trường Hàn Quốc và trái nhãn vào thị trường Nhật Bản.
Tận dụng thời cơ mở cửa thị trường
Còn xét chung về khả năng tăng trưởng của toàn ngành rau quả Việt cho năm 2025, như chia sẻ của ông Tùng, có thể sẽ đạt trên hai con số, dự kiến vào khoảng 15 - 16%.
Nụ cười lạc quan của các DN xuất khẩu rau quả với kỳ vọng sẽ tiếp tục có bước tiến vượt bậc trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Trao đổi với VnBusiness bên lề hội nghị tại Tp.HCM vào ngày 8/1 nhằm giới thiệu triển lãm quốc tế ngành rau quả HortEx Vietnam 2025 (sẽ diễn ra ở Tp.HCM trong các ngày 12 - 14/3/2025, quy tụ 400 nhà trưng bày từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ), ông Nguyễn Đình Tùng nhấn mạnh điều quan trọng là ngành rau quả giữ vững được kim ngạch XK hàng năm với sự tăng trưởng nhất định, cộng thêm với việc mở cửa thị trường, từ đó giúp đẩy kim ngạch XK rau quả tăng lên đột biến.
“Như chúng ta đã thấy, nếu như năm 2021 kim ngạch XK rau quả là hơn 3,5 tỷ USD, đến năm 2023 đã bứt tốc đạt 5,6 tỷ USD, rồi năm 2024 đã đạt con số ấn tượng với 7,2 tỷ USD. Như vậy, tốc độ tăng trưởng của XK rau quả từ 2021 cho đến 2024 rất “dữ dội”, và nếu như năm 2025 đạt kim ngạch hơn 8 tỷ USD, ngành hàng này sẽ bước vào giai đoạn bền vững”, vị tổng giám đốc này hào hứng chia sẻ.
Còn theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất và XK rau quả lớn của khu vực. Điển hình là con số kim ngạch XK đạt hơn 7,2 tỷ USD trong năm 2024 - con số kỷ lục từ trước đến nay, cao hơn 1,6 tỷ USD so với năm 2023. Bước nhảy vọt này đang mở ra chặng đường phát triển mới cho ngành hàng rau quả trong những năm tiếp theo.
“Sức phát triển vượt bậc của ngành hàng rau quả về sản lượng và chất lượng là điều thấy rõ từ mức tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch XK. Có hàng tốt và nhiều nên người ta mới mua, chính vì vậy mà kim ngạch mới tăng”, ông Nguyên bộc bạch.
Đơn cử mặt hàng sầu riêng đang có vị thế là “vua” của ngành hàng rau quả, trong năm 2024 đã đạt kim ngạch XK trên 3,2 tỷ USD, chiếm 45% tổng kim ngạch XK rau quả.
Theo ông Nguyên, ngành rau quả Việt đã thành công trong việc mở thêm thị trường với những mặt hàng chủ lực xuất sang các quốc gia “giàu có” như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU…Và trong năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục có kỷ lục mới về kim ngạch XK. Với đà tiến triển từ từ như vậy, tới năm 2030 XK rau quả sẽ đạt kim ngạch 10 tỷ USD, ngang ngửa với kim ngạch XK thủy sản.
“Hướng đi sắp tới cho ngành hàng rau quả là ngoài mặt hàng chủ lực như sầu riêng thì cần đa dạng hóa, đẩy mạnh phát triển các loại trái cây khác có tiềm năng XK lớn là chuối, xoài, thanh long…Chúng ta không chỉ XK tươi mà sẽ thúc đẩy mạnh hơn nữa việc XK rau quả chế biến. Và chất lượng sản phẩm rau quả Việt sẽ được nâng cao hơn nữa, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế”, vị Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả khẳng định.
Vượt qua các hàng rào kỹ thuật
Hơn thế nữa, như chia sẻ của ông Nguyên, với sự cầu thị và hỗ trợ của Chính phủ, chắc chắn ngành rau quả Việt sẽ hứa hẹn gặt hái thêm nhiều thành công vượt bậc trong những năm tới.
Xét về trung hạn, XK rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi hiệu lực từ các Nghị định thư. Chẳng hạn như hồi tháng 8/2024 Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết thêm hai Nghị định thư về yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh và dừa tươi của Việt Nam XK sang Trung Quốc. Hai Nghị định thư trên sẽ góp phần giúp XK hai loại trái cây này nói riêng và tổng XK rau quả của Việt Nam tăng trưởng tích cực hơn nữa trong năm 2025.
Như với XK dừa tươi vào Trung Quốc được dự báo sẽ tăng cao trong quý 1/2025. Thị trường này mỗi năm tiêu thụ khoảng 2,6 tỷ trái dừa tươi, là cơ hội rất lớn cho trái dừa tươi của Việt Nam (với nhiều lợi thế về chi phí vận chuyển) có thể đẩy mạnh kim ngạch trong năm nay.
Mặc dù vậy, ông Trần Văn Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Dừa Bến Tre (Betrimex), lưu ý thương nhân Trung Quốc chủ yếu mua dừa trái, dừa thô về để chế biến, chứ không mua dừa chế biến của mình, vì thế, mặc dù là thị trường lớn nhưng XK dừa của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn còn có những hạn chế nhất định. Trong khi đó, triển vọng vẫn đang mở ra cho XK dừa tươi và sản phẩm dừa chế biến của Việt Nam ở những thị trường lớn như EU và Mỹ với nhu cầu cao.
Ngoài ra, trên chặng đường phát triển mới của ngành hàng rau quả Việt, ông Nguyễn Đình Tùng chỉ rõ việc mỗi thị trường nhập khẩu đều dựng lên một hàng rào kỹ thuật rất khác nhau và rất khó khăn. Như ở Mỹ cấm 7 hoạt chất dư lượng, sẽ yêu cầu mã số vùng trồng, mã số nhà máy đóng gói do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp. Trong khi đó, ở EU mặc dù cho tất cả mặt hàng trái cây Việt XK vào mà không cần phải đàm phán nhưng lại yêu cầu cấm đến 36 hoạt chất dư lượng và họ kiểm tra ngẫu nhiên mỗi lô hàng.
Hay như với thị trường Trung Quốc, theo ông Tùng, họ cũng có những hàng rào kỹ thuật, ngoài mã số vùng trồng, mã số nhà máy đóng gói do phía Trung Quốc cấp thì họ cũng thường xuyên kiểm tra những chất như kim loại nặng hoặc thêm những yêu cầu mới.
“Điều này đòi hỏi ngành hàng rau quả Việt phải luôn luôn theo dõi thị trường, luôn có sự bám sát để đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của thị trường đó. Cho nên, điều quan trọng mà ngành hàng này cần làm trong thời gian tới là phát triển mạnh công nghệ bảo quản sao cho thật tốt để có thể đi xa khi vận chuyển bằng đường biển và tiêu thụ được số lượng lớn”, ông Tùng nhấn mạnh.
Thế Vinh