Đón hơn 500 du thuyền mỗi năm
Những ngày đầu năm mới được coi là thời điểm "vàng" của du lịch biển. Cảng biển Hạ Long liên tiếp đón nhiều du thuyền quốc tế chở theo hàng nghìn khách du lịch.
Các siêu du thuyền như Celebrity Solstice, Le Lapérouse… mang theo những vị khách cao cấp chủ yếu đến từ các quốc gia Âu, Mỹ.
Bến du thuyền Ana Marina Nha Trang - Khánh Hòa.
Không riêng tại Hạ Long, nhiều khu vực khác như Huế, Quy Nhơn, Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian qua cũng liên tiếp đón nhiều du thuyền quốc tế cùng hàng nghìn du khách.
Thống kê của Cục Hàng hải VN, năm 2024, sản lượng hành khách thông qua các cảng biển Việt Nam đạt hơn 7,7 triệu lượt, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Với việc thu hút tàu du lịch biển trong khu vực châu Á với hơn 500 chuyến mỗi năm, Việt Nam đứng trong danh sách các nước có lượng du thuyền cập bến nhiều nhất, bên cạnh Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia.
Hoạt động của các phương tiện này tập trung chủ yếu tại các địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế về biển đảo, sông nước như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM…
Theo Cục Hàng hải VN, tại một số thành phố đã có nhiều công ty tư vấn về du thuyền và các hãng du thuyền đặt văn phòng tại Việt Nam. Cùng đó, một số cá nhân, đơn vị cũng đã kinh doanh, phân phối, mua sắm, khai thác, sử dụng các du thuyền với mục đích cá nhân, vui chơi, giải trí, thể thao…
Đến nay, hơn 200 phương tiện nhập khẩu được nhập khẩu và khai thác tại Việt Nam với hình thức tương tự mô hình du thuyền cá nhân trên thế giới. Việc này đòi hỏi công tác quản lý hoạt động du thuyền cần ngày càng chuyên nghiệp, bài bản hơn.
Chưa có cảng chuyên dụng
Từng có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động lĩnh vực du thuyền, ông Phạm Hà, CEO của LuxGroup khẳng định, chơi du thuyền đang là xu thế, không chỉ là các du thuyền lớn chở hành khách, còn có các du thuyền cá nhân.
Chưa kể, Việt Nam có nhiều nhà máy đóng tàu chất lượng tốt, có thể đóng các du thuyền đẹp. Thế nhưng, hiện định nghĩa về du thuyền tại Việt Nam chưa rõ ràng.
Hoạt động du thuyền tại Việt Nam thường được hiểu theo nghĩa rộng, gồm cả các tàu biển quốc tế chở khách, du thuyền cá nhân, du thuyền chở khách tham quan kết hợp ăn uống, nghỉ ngơi trên các vịnh. Do đó, các quy định cũng có những bất cập trong vấn đề quản lý, đăng kiểm.
Tại một số quốc gia, tàu biển hoặc tàu thủy nội địa chở khách tham quan đều được định nghĩa rõ ràng để dễ quản lý. Bên cạnh đó, đặc thù khách của du thuyền chủ yếu là dòng khách cao cấp, các cảng, bến cần được thiết kế riêng, tiện nghi. Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có nhiều bến riêng dành cho du thuyền.
Theo ông Hà, nhiều khu vực phát triển du lịch biển như Cát Bà (Hải Phòng), Đà Nẵng… đều chưa có bến chuyên dụng. Hầu hết các bến đón du thuyền hiện nay là cảng bến lưỡng dụng (khai thác cả tàu khách và tàu hàng), nên thường có tình trạng nhếch nhác, thiếu thẩm mỹ.
Đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, hiện Việt Nam chưa xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý và khai thác du thuyền.
Các phương tiện có thể đăng ký hoạt động theo nhiều phương thức khác nhau như tàu biển, phương tiện thủy nội địa, du thuyền, phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước.
Phát triển du thuyền kết hợp du lịch
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Bộ GTVT vừa phê duyệt "Đề án quản lý du thuyền". Tại đề án, nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý, khai thác du thuyền được chỉ rõ.
Đơn cử, khu vực hoạt động của du thuyền đang bị hạn chế khi đăng ký dưới hình thức phương tiện thủy nội địa hoặc phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước. Quy định về số lượng và yêu cầu đối với thuyền viên cũng chưa phù hợp với khả năng vận chuyển và tính chất hoạt động của du thuyền.
Ngoài ra, thủ tục ra, vào cảng đang áp dụng theo quy trình, thủ tục của các loại tàu, thuyền chở khách thông thường. Điều này hạn chế thời gian và không gian hoạt động của loại hình du thuyền. Cùng đó, hiện cũng chưa có quy định về khu neo đậu phù hợp với tính chất và thiết kế của du thuyền (kích thước nhỏ, mớn nước không lớn).
Nhằm tạo động lực phát triển cho các hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghiệp liên quan đến du thuyền, đề án đưa ra nhiều đề xuất.
Đáng chú ý là nghiên cứu thí điểm quản lý du thuyền tại Việt Nam, tập trung vào một số khu vực trọng điểm, có tiềm năng phát triển du lịch biển và cơ sở hạ tầng phù hợp, hướng đến khách du lịch quốc tế. Đồng thời, phát triển du thuyền kết hợp với các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Hoàng Anh