Hôm qua tôi nói thế với những đứa trẻ cuối cấp. Bởi tôi cũng từng như chúng, nhốt mình trong những miệng giếng chật hẹp mà cứ nghĩ rằng bầu trời chỉ bé bằng miệng giếng.
Những người trẻ ít trải nghiệm, quẩn quanh trong vòng tay của cha mẹ nên bầu trời có khi chỉ là những điều cha nói, những thứ mẹ kể.
Nhiều cha mẹ yêu thương con cũng vậy, xây một chiếc giếng sâu để nhốt con mình vào trong đó rồi nghĩ là như thế sẽ an toàn cho con (hay rảnh đầu cho cha mẹ).
Ảnh minh họa.
Có những đứa trẻ bước ra khỏi chiếc giếng của cha mẹ nhưng lại vẫn nằm trong chiếc giếng của cuộc đời chật hẹp. Là bởi chưa có nhiều trải nghiệm nên hoành tráng đo bằng cặp mắt ngưỡng mộ của bạn bè, giá trị của bản thân được tính bằng "xem có ai trầm trồ" với mình không?
Cạn nghĩ hơn thì lấy trailer của người khác làm mất tự tin cho mình: Ai cũng giỏi chỉ mình mình tệ. Bị "ngộ độc" mạng xã hội, biến Tiktok thành sách giáo khoa, học theo những thứ nhảm nhít mà coi đó như bầu trời của mình.
Hôm qua tôi bảo bọn trẻ rằng: Mở lòng ra là cách để các em bước ra khỏi miệng giếng. Học cách đặt câu hỏi, như cô Nguyễn Phương Chi, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Vinamont nói: "Đặt câu hỏi đúng quan trọng hơn trả lời đúng một câu hỏi sai".
Học cách mở lòng mình bằng sự chấp nhận những khác biệt, tôn trọng sự khác biệt. Bắt đầu từ khác biệt thế hệ với cha mẹ của mình. Mở lòng với cha mẹ mình bằng sự thấu hiểu và bao dung hơn cho cha mẹ. Chúng ta chỉ trưởng thành khi chúng ta mở lòng mình ra như thế.
Những đứa trẻ sau 18 tuổi, cuộc đời phía trước là những đường chân trời chứ đừng là những miệng giếng hẹp của định kiến, của quy chuẩn người khác đặt ra cho mình.
Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép, vì tuổi trẻ rộng dài. Sai thì mới biết thế nào là đúng chứ đúng thì vĩnh viễn chẳng biết mình đang sai đâu. Đừng sợ sai!
Nói với các con nhưng cũng là để nhắc nhớ các cha mẹ! Hãy cho con 1 đường chân trời để con bay.
Cha mẹ luôn là nơi để các con trở về khi con sai, con ngã chứ cha mẹ không phải là đường chân trời của con, nhớ giùm cho!
Hoàng Anh Tú