Mở mới 2 tuyến vận tải đường bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc

Mở mới 2 tuyến vận tải đường bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc
9 giờ trướcBài gốc
Kết nối sâu nội địa, thúc đẩy thương mại, logistics và liên kết kinh tế khu vực
Ngày 15/5, tại ICD Long Biên (Hà Nội), Bộ Xây dựng Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã phối hợp tổ chức lễ vận hành tuyến vận tải đường bộ quốc tế vào sâu trong nội địa Việt Nam, trong khuôn khổ Hiệp định Tạo thuận lợi vận tải qua biên giới Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS-CBTA).
Đại biểu của hai nước Việt Nam và Trung Quốc đón phương tiện vận tải Trung Quốc tại ICD Long Biên.
Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong hợp tác giao thông vận tải giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhằm thực hiện cam kết tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, phương tiện, con người giữa các nước thành viên GMS: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar.
Hai tuyến vận tải chính được đưa vào vận hành gồm: Côn Minh – Hà Khẩu (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và Nam Ninh – Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) – Hữu Nghị – Hà Nội.
Đây là hai tuyến có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, giữ vai trò trọng yếu trong thương mại song phương giữa hai quốc gia.
Phát biểu tại lễ vận hành, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định: Việc đưa vào vận hành hai tuyến vận tải này giúp tăng cường kết nối xuyên biên giới, giảm chi phí, thời gian và thủ tục cho doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại, đầu tư và logistics, đồng thời hiện thực hóa tầm nhìn về một GMS hội nhập sâu rộng và bền vững.
Theo ông Thái, sự kiện hôm nay không chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật hay hạ tầng đơn thuần, mà còn là biểu tượng sinh động cho sự hợp tác thực chất và hiệu quả giữa hai nước, tiếp nối các chuyến vận tải thử nghiệm được tổ chức từ tháng 4/2025.
Cơ hội mới cho chuỗi cung ứng và liên kết khu vực
Ông Trương Tiệp, Phó vụ trưởng Vụ Dịch vụ vận tải, Bộ GTVT Trung Quốc nhấn mạnh, Trung Quốc và Việt Nam là những đối tác quan trọng trong Sáng kiến "Một vành đai, Một con đường".
Tuyến đường bộ xuyên biên giới này không chỉ rút ngắn khoảng cách vận chuyển hàng hóa mà còn kết nối hành lang kinh tế Trung Quốc - ASEAN; Liên thông với quy hoạch "Hai hành lang, một vành đai" của Việt Nam đồng thời giúp tăng tốc chuỗi cung ứng xuyên biên giới và hội nhập kinh tế khu vực.
"Việc vận hành tuyến vận tải hôm nay là cơ hội để hai bên tiếp tục đồng hành, đưa hợp tác vận tải quốc tế Việt Nam – Trung Quốc phát triển ngày càng thịnh vượng", ông Trương Tiệp phát biểu.
Tại buổi lễ, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp vận tải hai nước phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai, tạo thuận lợi tối đa để hai tuyến vận tải trở thành hành lang vận chuyển năng động, hiệu quả và bền vững.
Đồng thời, ông cũng mong muốn ADB tiếp tục đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật và chính sách để đảm bảo hoạt động vận tải GMS đạt hiệu quả cao và mở rộng quy mô trong thời gian tới.
Việc triển khai thành công tuyến vận tải xuyên biên giới vào sâu nội địa sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, mở ra cơ hội mở rộng chuỗi cung ứng, tăng cường liên kết nội địa – quốc tế và góp phần phát triển kinh tế vùng biên giới.
Trần Duy
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/mo-moi-2-tuyen-van-tai-duong-bo-giua-viet-nam-trung-quoc-192250515110321554.htm