RANEPA – nơi đào tạo các chuyên gia quản lý đất nước
Ngày 12/5, Giám đốc ĐHQGHN - GS. Lê Quân và Giám đốc Học viện Hành chính Công và Kinh tế quốc dân trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA) - GS. Alexey Gennadievich Komissarov đã có buổi gặp gỡ, trao đổi để thúc đẩy các hoạt động hợp tác. Lãnh đạo ĐHQGHN và lãnh đạo RANEPA ký kết và trao văn bản thỏa thuận hợp tác.
Hai bên sẽ phối hợp xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo nâng cao năng lực trình độ, bồi dưỡng dành cho cán bộ lãnh đạo và quản lý; nâng cao trình độ bồi dưỡng dành cho công chức, viên chức thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn của RANEPA, với số lượng người học lên đến 100 công chức viên chức của Việt Nam trong giai đoạn từ 2025 đến 2030; tổ chức các sự kiện chung về giáo dục, trao đổi khoa học và giao lưu văn hóa (hội nghị, hội thảo, hội nghị bàn tròn...); chuẩn bị và thực hiện kế hoạch các dự án chung trong khuôn khổ các lĩnh vực hợp tác.
GS. Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội và GS.VS. Victor Antonovich Sadovnichy, Giám đốc Đại học MSU ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác giữa hai đại học.
RANEPA là một cơ sở giáo dục đại học lớn nhất Liên bang Nga với hơn 50 chi nhánh trên toàn quốc nằm ở Tây Nam Thủ đô Moscow.
RANEPA được biết đến là cơ sở giáo dục danh tiếng và truyền thống, không chỉ là nơi đào tạo các chuyên gia quản lý cho nước Nga rộng lớn mà còn có lịch sử gắn liền với nhiều nhà lý luận cộng sản lớn của Việt Nam.
RANEPA hay còn gọi là Học viện Tổng thống, có lịch sử từ năm 1921 - khi lãnh tụ V.I Lenin ký sắc lệnh thành lập “Học viện Giáo sư Đỏ”. Trong suốt lịch sử của mình, Học viện đã nhiều lần đổi tên. Tuy nhiên, nhiệm vụ đặt ra cho Học viện không thay đổi là đào tạo và nâng cao năng lực cho các nhà tư tưởng và chuyên gia quản lý đất nước. Thời kỳ Liên Xô, từ tháng 8/1946 đến năm 1991, Học viện có tên gọi Viện Khoa học Xã hội trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (AON) và đó cũng là giai đoạn Việt Nam cử nhiều nhà lý luận tư tưởng sang học tập và nghiên cứu.
Trong danh sách hiện còn lưu trữ tại RANEPA có tên nhiều nhà lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong số này, nhiều người đã giữ các cương vị cao như GS. TS. Đỗ Nguyên Phương, nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Bộ trưởng Y tế; nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Phạm Quang Nghị; GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, và đặc biệt là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
RANEPA hiện giảng dạy hơn 110 chương trình cử nhân, hàng trăm chương trình thạc sĩ và gần 70 chương trình nghiên cứu chuyên sâu trong các lĩnh vực như kinh tế học, tài chính công, luật, quản trị doanh nghiệp, công nghệ chính sách và cải cách hành chính. Đặc biệt, RANEPA là đơn vị tiên phong trong việc phát triển và triển khai các chương trình thạc sĩ hành chính công (MPA) - mô hình đã chứng minh hiệu quả trong việc nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước.
Với đội ngũ hơn 7.000 giảng viên, chuyên gia và nhà khoa học, RANEPA là một trong những trung tâm nghiên cứu chính sách công và quản trị hiện đại lớn nhất ở Nga.
RANEPA thiết lập và duy trì mạng lưới hợp tác học thuật và nghiên cứu rộng khắp với hơn 200 trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế. Một số đối tác tiêu biểu gồm: Harvard Kennedy School (Hoa Kỳ), Sciences Po (Pháp), Kingston University (Anh), University of St. Gallen (Thụy Sĩ), Tsinghua University (Trung Quốc) và Hankuk University of Foreign Studies (Hàn Quốc). Học viện cũng là thành viên của các tổ chức như UNICON, NASPAA, EFMD, EUA và đóng vai trò tích cực trong Mạng lưới Đại học BRICS.
Cơ chế đặc thù thúc đẩy sự phát triển và nâng cao vị thế của 2 đại học quốc gia
Nói đến sự danh giá của giáo dục đại học của Liên bang Nga thì ngoài RANEPA còn có 2 đại học quốc gia là Đại học Quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov (MSU).
MSU là đại học lớn nhất và lâu đời nhất ở Nga, thành lập năm 1755.
Trong thế kỷ XVIII, MSU bao gồm 3 khoa là triết học, y khoa và luật. Đến nay, MSU có 29 khoa đào tạo các lĩnh vực từ khoa học tự nhiên, kỹ thuật đến khoa học xã hội và nhân văn; 15 viện nghiên cứu chuyên sâu trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ. MSU có 6 chi nhánh tại các khu vực khác nhau, mở rộng phạm vi đào tạo và nghiên cứu; có 4 bảo tàng, thư viện với hàng chục triệu xuất bản phẩm, hàng trăm phòng thí nghiệm khoa học trang bị hiện đại, công viên khoa học, vườn thực vật, nhà xuất bản... Một số khoa có bề dày thời gian trường tồn song song với lịch sử của nhà trường, nhưng cũng có những khoa còn rất trẻ, mới được thành lập đáp ứng yêu cầu của sự phát triển của thế giới và khoa học. Cho đến nay, MSU đã có 13 nhà khoa học đạt giải giải Nobel, 6 nhà khoa học được huy chương Fields và 1 nhà khoa học đạt giải Turing.
Năm 1992, MSU được trao cho một cơ chế đặc biệt là được nhận tiền trực tiếp từ ngân sách nhà nước (không thông qua Bộ Giáo dục và Khoa học). Điều này làm tăng đáng kể sự tự chủ, độc lập của MSU. MSU được hưởng quy chế đại học tự quản của Liên bang Nga, cũng là trường đại học đầu tiên tại Nga được Bộ Giáo dục và Khoa học Nga cho phép tự xây dựng chương trình giáo dục và cấp bằng tốt nghiệp theo mẫu riêng.
Đặc biệt, Luật liên bang của Liên bang Nga về MSU và Đại học Quốc gia Saint Peterburg được Viện Duma Quốc gia Liên bang Nga thông qua ngày 21/10/2009; được Hội đồng Liên bang Nga chuẩn y ngày 30/10/2009. Luật quy định những đặc thù về địa vị pháp lý của các đại học lâu đời hàng đầu của Liên bang Nga - các cơ sở đào tạo đại học Liên bang gồm MSU và Đại học Quốc gia Saint Peterburg với tư cách là các cơ sở đào tạo - nghiên cứu khoa học đặc biệt, trong đó bao gồm các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân và có tư cách pháp nhân, là những cơ sở giáo dục đại học lâu đời nhất của quốc gia, có ý nghĩa to lớn trong sự phát triển của xã hội Nga.
Luật này quy định hai đại học quốc gia nói trên của Liên bang Nga thuộc cơ quan nhận ngân sách nhà nước của Liên bang; quy chế hoạt động do Chính phủ Liên bang ban hành; Giám đốc các đại học quốc gia này do Tổng thống Liên bang Nga bổ nhiệm và miễn nhiệm.
Cơ chế đặc thù trao quyền tự chủ sâu rộng giúp MSU không chỉ vượt trội trong nghiên cứu và đào tạo, mà còn trở thành trung tâm ảnh hưởng chiến lược của nước Nga trong khoa học, giáo dục và chính sách toàn cầu.
MSU từng lọt vào danh sách 10 đại học đẳng cấp hàng đầu thế giới, là đại học uy tín bậc nhất của nước Nga cả trước, trong và sau kỷ nguyên Xô viết với những nhà khoa học tầm cỡ thế giới từng đoạt nhiều giải thưởng Nobel. Cho đến nay, đã có 13 người thuộc ngôi trường này được nhận giải Nobel và 6 người khác được trao tặng huy chương Fields. Những nhà khoa học ưu tú nhất được tôi luyện trong môi trường nghiên cứu hàng đầu của MSU đã thực hiện những nghiên cứu mũi nhọn đưa nước Nga đi từ những kỳ tích này đến kỳ tích khác trong khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ vũ trụ, năng lượng… Cũng như nước Nga, MSU luôn là trung tâm hàng đầu của thế giới về đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực quan trọng nhất của khoa học hiện đại như vật lý nguyên tử, laser, hóa học phân tử, vật lý hạt cơ bản...
Trải qua 270 năm thành lập và phát triển, MSU đã đào tạo hàng triệu người tốt nghiệp đại học và sau đại học. Rất nhiều người học tại đây đã trở thành các nhà lãnh đạo quốc gia, nhà quản lý tài năng, tổng công trình sư, kỹ sư, nhà khoa học, nhà bác học tầm cỡ thế giới. Nhiều người sau khi học trở về nước làm việc, đã trở thành nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học có tên tuổi. Đã có rất nhiều nhà khoa học lớn của Việt Nam từng học tập và nghiên cứu tại MSU như: Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Giáo sư Đàm Thanh Sơn...
Hợp tác quốc tế được MSU đặc biệt chú trọng. Tính đến nay, MSU đã thiết lập hơn 700 thỏa thuận hợp tác quốc tế với các đối tác trên toàn thế giới. Các thỏa thuận này bao gồm hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên và giảng viên, cũng như các chương trình học thuật chung. Với vị thế là trường đại học hàng đầu tại Nga, MSU thu hút một lượng đáng kể sinh viên quốc tế, bao gồm cả sinh viên Việt Nam. Trường có hơn 40.000 sinh viên đang theo học, trong đó khoảng 20% là sinh viên quốc tế.
Ngày 13/5, Giám đốc ĐHQGHN - GS. Lê Quân và Giám đốc MSU - GS.VS. Victor Antonovich Sadovnichy đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác giữa hai đại học. ĐHQGHN và MSU nhất trí hợp tác trong trao đổi cán bộ, giảng viên, nhà nghiên cứu để cùng tham gia các hội thảo, hội nghị chuyên đề, thực hiện các hoạt động nghiên cứu chung; phát triển các chương trình đào tạo chung, bao gồm cả chương trình cấp bằng kép; trao đổi tài liệu học thuật và các ấn phẩm khoa học; trao đổi sinh viên, học viên, tổ chức các hoạt động thực tập, trải nghiệm cho người học…
Năm 2018, GS.VS. Victor Antonovich Sadovnichy và MSU vinh dự được tặng Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam vì những đóng góp to lớn trong sự nghiệp thiết lập và phát triển quan hệ hữu nghị, cũng như vì những công lao cho công việc đào tạo nhân sự cho Việt Nam. Một dấu ấn đặc biệt trong quan hệ giữa hai đại học là ĐHQGHN trao bằng Tiến sĩ danh dự cho Viện sĩ Viktor Sadovnichiy, ghi nhận những đóng góp to lớn của ông cho sự phát triển khoa học và giáo dục cũng như cho tình hữu nghị Việt-Nga.
Được biết ĐHQGHN và MSU đã thiết lập quan hệ hợp tác chính thức từ ngày 19/11/1998 thông qua việc ký kết Biên bản ghi nhớ. Trong chuyến công tác lần này, hai bên thảo luận đề xuất thành lập liên minh chiến lược giữa các đại học hàng đầu của Việt Nam và Liên bang Nga bao gồm ĐHQGHN, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, ĐH Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov và ĐH Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg. Liên minh này được thành lập để tăng cường phối hợp trong đào tạo, nghiên cứu và hỗ trợ lẫn nhau giữa các đại học chủ chốt của hai nước, đồng thời mở rộng tiềm năng hợp tác đa phương bền vững trong lĩnh vực giáo dục đại học và đổi mới sáng tạo.
Thái Trang – Đức Huy