Những chủ đề quan trọng tại WEF Davos lần thứ 55
Ngày 21-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bắt đầu các hoạt động trong chuyến công tác Thụy Sĩ và tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos theo lời mời của nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab. Đây là năm thứ hai liên tiếp Thủ tướng Phạm Minh chính tham dự WEF Davos và là lần thứ 4 dự các Hội nghị WEF trên cương vị Thủ tướng Chính phủ.
Từ khi Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác giữa Việt Nam và Diễn đàn được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam đã 5 lần tham dự Hội nghị thường niên WEF Davos ở cấp Thủ tướng Chính phủ (2007, 2010, 2017, 2019, 2024) (các năm khác thường tham dự ở cấp Phó Thủ tướng); 2 lần tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong WEF tại Thiên Tân/Đại Liên (2023, 2024); 4 lần tham dự Hội nghị WEF ASEAN (trước năm 2016 là WEF Đông Á) cấp Thủ tướng Chính phủ (2012, 2013, 2014 và 2017) (các năm khác thường ở cấp Phó Thủ tướng Chính phủ).
Theo Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva (Thụy Sĩ), WEF là diễn đàn đặc biệt vì có sự tham gia rộng rãi, đa nhất của các chủ thể hàng đầu của nền kinh tế thế giới là các nguyên thủ quốc gia, các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế, hoạch định chính sách, các lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và học giả hàng đầu thế giới. Hơn thế nữa, mục tiêu và tầm nhìn của WEF vượt qua vấn đề kinh tế đơn thuần mà bao trùm lên cả các vấn đề phát triển của các quốc gia. Các cuộc thảo luận, trao đổi tại WEF không chỉ giúp củng cố, thiết lập quan hệ đối tác kinh tế mà còn đem lại các đột phá chính sách trên nhiều lĩnh vực quan trọng, từ năng lượng, phòng chống dịch bệnh, môi trường, cho đến biến đổi khí hậu…
Với chủ đề “Hợp tác cho Kỷ nguyên Thông minh” (Collaboration for the Intelligent Age), WEF mong muốn tìm ra các giải pháp thúc đẩy hợp tác quốc tế, hàn gắn sự phân mảnh về kinh tế, phân cực về chính trị, chia rẽ về hệ giá trị, đồng thời tận dụng cơ hội chưa từng có mà các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính lượng tử và công nghệ sinh học tạo ra cho tăng trưởng và phát triển. Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass cho biết, Hội nghị thường niền năm nay là một sự kiện rất quan trọng để các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế trên thế giới cùng với các tổ chức xã hội dân sự họp mặt để thảo luận về tác động của xã hội thông minh.
Hội nghị sẽ tập trung vào 5 ưu tiên, giải pháp theo các chủ đề riêng biệt nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với chủ đề chính, bao gồm: tái định hình tăng trưởng, các ngành công nghiệp trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, đầu tư vào con người, bảo vệ Trái đất, và xây dựng lại niềm tin. Bên cạnh đó, chương trình của WEF Davos 2025 cũng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề trước mắt và định hình các chiến lược dài hạn, thúc đẩy sự hợp tác toàn cầu và xây dựng tương lai bền vững, thông minh và bao trùm.
Theo Đại sứ Thomas Gass, hiện nay, mỗi người trong chúng ta đều đang sử dụng ChatGPT và trí tuệ nhân tạo. Điều này có ý nghĩa gì đối với tăng trưởng kinh tế? Điều này có tác động gì đối với sự phát triển của công nghiệp hóa? Điều này có nghĩa ra sao đối với việc xây dựng nguồn nhân lực và năng lực của người lao động trong các nhà máy và doanh nghiệp? Điều này có ý nghĩa gì trong việc khôi phục niềm tin trong cộng đồng quốc tế? “Đây là một số chủ đề quan trọng sẽ được thảo luận tại Davos năm nay và đó là lý do tại sao chúng tôi rất vui mừng khi Việt Nam tham gia tích cực vào sự kiện năm nay” - Đại sứ Thomas Gass nhấn mạnh.
Thông điệp quan trọng về khát vọng của Việt Nam
Việc WEF liên tục mời Thủ tướng Chính phủ nước ta tham dự Hội nghị toàn cầu của WEF cho thấy vai trò, vị thế, uy tín quốc tế ngày càng gia tăng của Việt Nam. Đồng thời thể hiện những nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, phát triển, giải quyết các vấn đề toàn cầu, chia sẻ quan điểm về tư duy phát triển, quản trị toàn cầu trong bối cảnh kinh tế thế giới chuyển biến sâu sắc.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị WEF Davos lần thứ 55 với chủ đề “Hợp tác trong kỷ nguyên thông minh” được Ban lãnh đạo WEF và cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu rất trông đợi. Đây là cơ hội quan trọng để cộng đồng quốc tế và các doanh nghiệp lớn được trực tiếp trao đổi với Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về những định hướng, ưu tiên phát triển, những cơ hội mà Việt Nam có thể mang lại cho các doanh nghiệp trong giai đoạn thế giới chuyển đổi sâu sắc hiện nay.
Qua phát biểu cũng như các hoạt động đa phương và song phương tại Hội nghị WEF Davos lần thứ 55, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ truyền tải những thông điệp quan trọng về quyết tâm, khát vọng và tầm nhìn của Việt Nam hướng đến các mục tiêu phát triển chiến lược trong 20 năm tới. Thủ tướng cũng sẽ nêu bật những thông điệp quan trọng về quyết tâm, khát vọng và tầm nhìn của Việt Nam hướng đến các mục tiêu phát triển chiến lược trong 20 năm tới.
Với những trao đổi sâu sắc tại Hội nghị có sự tham dự của hơn 3.000 lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn hàng đầu thế giới, chúng ta cũng kịp thời nắm bắt những xu thế phát triển của thời đại, những dòng chảy đang định hình kỷ nguyên thông minh, từ đó xây dựng cơ chế, chính sách, biện pháp để tận dụng thời cơ và hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ những xu thế mới. Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ chủ trì nhiều cuộc trao đổi về những chủ đề thiết thực, gắn với yêu cầu phát triển đất nước hiện nay, nhất là thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Chuyến công tác, tham dự Hội nghị WEF Davos lần thứ 55 của Thủ tướng Chính phủ được trông đợi sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực then chốt như: Trí tuệ nhân tạo (AI), đầu tư cho đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, ứng dụng AI trong sản xuất thông minh, phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, ứng dụng AI và các công nghệ mới trong ngành y tế và dược phẩm...
Việc Thủ tướng tham dự Hội nghị mở ra cơ hội để Việt Nam thiết lập và củng cố các mối quan hệ đối tác quan trọng, thúc đẩy hợp tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, năng lượng xanh và phát triển bền vững. WEF Davos là diễn đàn quan trọng để Việt Nam giới thiệu các chính sách thu hút đầu tư, cơ hội kinh doanh và tiềm năng phát triển trong các lĩnh vực trọng điểm, đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho du lịch và thương mại quốc tế.
Tham dự WEF Davos giúp Việt Nam có cơ hội học hỏi kinh nghiệm quốc tế về kinh tế và phát triển bền vững để áp dụng vào chính sách phát triển trong nước, chuẩn bị tốt hơn để đối phó với các thách thức như: Biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, an ninh lương thực và bất ổn kinh tế toàn cầu; đồng thời là cơ hội để Việt Nam tham gia các sáng kiến toàn cầu về phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng và kinh tế số, đồng thời thể hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050…
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng tin tưởng, qua Hội nghị WEF Davos lần thứ 55, Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vai trò là một đối tác tin cậy, một thành viên tích cực, có trách nhiệm và đầy tiềm năng của cộng đồng quốc tế trong kỷ nguyên thông minh, hướng tới một tương lai thịnh vượng và bền vững cho nhân loại.
HOÀNG HÀ