Tiến hành khai quật tại di chỉ khảo cổ học Quỳnh Văn. Ảnh: MẠNH HÀ
Hơn một tháng qua, Bảo tàng Nghệ An phối hợp với Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng các chuyên gia quốc tế từ Khoa Khảo cổ học và Nhân học (Đại học Quốc gia Australia) đã phát hiện khảo cổ có giá trị.
Theo nhận định sơ bộ, Bảo tàng Nghệ An cho biết, dưới độ sâu hơn 3m tại thôn 6, xã Quỳnh Văn, hai hố khai quật với diện tích 18m² đã phơi bày chín bộ di cốt người cổ nằm trong tư thế bó gối, hình thức mai táng đặc trưng của nền văn hóa Quỳnh Văn.
Ở hố khai quật thứ hai, cảnh tượng hiện ra như một “nghĩa trang” cổ xưa: Ba bộ hài cốt xếp chồng lên nhau, ngăn cách bằng lớp đất mỏng, được bao quanh bởi hàng trăm vỏ nhuyễn thể, những vật liệu có thể mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc với cư dân thời tiền sử.
Không chỉ là phương tiện mai táng, vỏ sò, ốc biển còn được chế tác thành đồ trang sức, khắc họa phần nào vẻ đẹp thẩm mỹ và tín ngưỡng sơ khai của cộng đồng cư dân cổ ven biển.
Bên cạnh đó, những công cụ lao động như rìu đá, chày nghiền, mảnh tước, dấu tích bếp lửa… tiếp tục bổ sung vào kho tư liệu sống động về đời sống sinh hoạt, lao động của người xưa.
Bảo tàng Nghệ An cho biết: Những gì vừa được khai quật không chỉ là chứng tích vật chất mà còn là sự trở về của một nền văn hóa đã từng rực rỡ trong chiều sâu của thời gian.
Phát hiện lần này không chỉ có giá trị khoa học lớn mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Mỗi bộ di cốt là một câu chuyện chưa kể, một nhân chứng “thời gian” cho sự hiện diện của con người trên vùng đất này hàng ngàn năm trước.
Những lớp đất chồng chất lên nhau qua thời gian giờ đây như đang “nói”, kể về một nền văn hóa từng rực rỡ văn hóa Quỳnh Văn, nền văn hóa tiêu biểu của cư dân nguyên thủy ven biển, từng phát triển rực rỡ trong khoảng 5.500 - 3.500 năm trước.
Sắp tới, toàn bộ hiện vật và di cốt sẽ được mang đi kiểm định bằng phương pháp phóng xạ C14 (Carbon-14) nhằm xác định niên đại một cách chính xác, đồng thời tiến hành các nghiên cứu sâu hơn về đặc trưng nhân chủng học, tín ngưỡng và sinh hoạt của cư dân cổ đại.
Với các nhà nghiên cứu, đây là nguồn tư liệu vô giá, mở ra cánh cửa khám phá sâu rộng về lịch sử, nhân chủng học và văn hóa của cư dân cổ đại ven biển.
Còn với người dân Quỳnh Văn, những phát hiện này là minh chứng hùng hồn cho một dòng chảy văn hóa bền bỉ chưa từng bị đứt đoạn trên mảnh đất quê hương.
Bà Nguyễn Thị Thu, người dân xã Quỳnh Văn chia sẻ: “Khi nghe tin các nhà khảo cổ phát hiện di cốt tổ tiên ngay trên mảnh đất mình đang sống, chúng tôi vừa bất ngờ, vừa tự hào. Giờ đây, cả làng đang chờ đợi từng thông tin mới được công bố, ai cũng mong muốn làm gì đó để góp phần gìn giữ di sản này”.
Từ niềm tự hào sâu sắc ấy, người dân Quỳnh Văn đang từng ngày dõi theo các kết quả nghiên cứu với tinh thần trách nhiệm và ý thức cộng đồng mạnh mẽ.
Bởi hơn cả những lớp đất vừa được lật mở, những gì được tìm thấy là phần ký ức thiêng liêng của tổ tiên cần được đánh thức, trân trọng và truyền lại cho thế hệ mai sau. Không chỉ lưu giữ trong sách vở hay hiện vật trưng bày, mà sống động trong trái tim và tâm thức của cả thế hệ sau.
Dấu mốc khai quật lần này nối dài chuỗi hành trình nghiên cứu về Quỳnh Văn, một trong những cái nôi khảo cổ học của Việt Nam. Những năm 1930- 1932, nhà khảo cổ người Pháp Madeleine Colani đã lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất này, khai quật các địa điểm cồn sò điệp tại Cầu Giát.
Đến năm 1963, nhà khảo cổ Phan Ngọc Liễn phát hiện thêm di vật đá và xương, mở ra các đợt khai quật quy mô lớn của Viện Khảo cổ học, đưa Quỳnh Văn trở thành tên gọi chính thức cho một nền văn hóa.
Ông Nguyễn Trọng Cường, Giám đốc Bảo tàng Nghệ An cho biết: Quỳnh Văn, cái tên vốn đã ăn sâu vào địa chí Nghệ An nay lại một lần nữa được nhắc lên đầy tự hào.
Không chỉ là một điểm khảo cổ, đó là một “cánh cổng thời gian”, nơi quá khứ vang vọng trong từng di vật, từng thớ đất, và trong cả trái tim những người hôm nay đang nỗ lực hồi sinh những ký ức nghìn năm tuổi.
PHẠM NGÂN