Mở ra không gian sáng tạo, thúc đẩy kinh tế đô thị

Mở ra không gian sáng tạo, thúc đẩy kinh tế đô thị
5 giờ trướcBài gốc
Làm rõ mô hình phù hợp với từng khu vực
Dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về khu phát triển thương mại và văn hóa (thực hiện khoản 8, Điều 21 Luật Thủ đô 2024) nêu rõ, ưu tiên thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa tại các khu phố, tuyến phố, làng nghề, tuyến phố đi bộ, điểm dân cư nông thôn hiện hữu có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa.
Đồng thời bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường tại khu phát triển thương mại và văn hóa cao hơn so với các quy định chung. Từ đó thúc đẩy các hoạt động thương mại, sáng tạo gắn với phát triển văn hóa, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và ngành, nghề truyền thống, thu hút, phát triển du lịch trên địa bàn.
Tuyến phố Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm.
Khu phát triển thương mại và văn hóa được thành lập, tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản. Việc quản lý, điều hành hoạt động của khu phát triển thương mại và văn hóa do Hội đồng quản lý gồm đại diện chính quyền cơ sở, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở, đại diện của cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cộng đồng dân cư trong khu vực thực hiện.
Theo TS Lê Ngọc Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, các nội dung về khu phát triển thương mại và văn hóa đã được đưa vào Quy hoạch Thủ đô. Về cơ bản, việc triển khai thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa phù hợp với định hướng trong quy hoạch. Phát triển khu vực thương mại và văn hóa là một chiến lược quan trọng để kết nối phát triển kinh tế và văn hóa, tạo ra không gian sáng tạo, tăng cường giao lưu văn hóa, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế đô thị bền vững.
Tuy nhiên, theo TS Lê Ngọc Anh, các khu phát triển thương mại và văn hóa cần được khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng về lợi thế vị trí, văn hóa - thương mại. Cùng với đó, công tác quy hoạch và đầu tư hạ tầng cần thực hiện đồng bộ về giao thông, bãi đỗ xe; khu vực ăn uống, lưu trú; khu vực trải nghiệm; quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm; cảnh quan; vệ sinh công cộng… để phát huy tối đa, khai thác hiệu quả các khu phát triển thương mại và văn hóa.
“Khu phát triển thương mại và văn hóa đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan, đại diện cả Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư. Do đó, cần nghiên cứu, làm rõ mô hình phù hợp với từng khu vực: khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu vì các khu vực này có đặc điểm riêng, rất khác biệt” – TS Lê Ngọc Anh nhìn nhận.
Không để văn hóa bị lấn lướt bởi hoạt động thương mại dịch vụ
Khoản 8, Điều 21 Luật Thủ đô nêu rõ, khu phát triển thương mại và văn hóa phải có cam kết với cơ quan Nhà nước và cộng đồng dân cư về việc bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống. Điều đó cho thấy, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa luôn được đề cao.
Về quy mô, KTS Đoàn Kỳ Thanh cho biết, theo kinh nghiệm thế giới, quy mô khu phát triển thương mại và văn hóa khoảng từ 1 - 5ha. Với kích thước này mới có cơ hội tạo ra được hệ sinh thái có đầy đủ điều kiện, không gian phát triển. Trong không gian đó, chức năng thương mại chiếm khoảng 60 - 70%, chức năng văn hóa chiếm 30 - 40%. Hoạt động thương mại ở đây là ăn uống, giải trí, cửa hàng; hoạt động văn hóa là triển lãm, sân khấu, nghệ thuật… Nằm giữa hai không gian này là không gian chung, không gian công cộng, có thể là quảng trường, công viên. “Về số lượng các gian hàng trong khu phát triển thương mại và văn hóa cũng cần được quy định rõ, theo kinh nghiệm thực tế thì khoảng 60 – 180 gian hàng” - KTS Đoàn Kỳ Thanh chia sẻ.
Khu phố ẩm thực Tống Duy Tân.
Ở góc độ địa phương, quận Hoàn Kiếm là nơi tập trung nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Nổi bật là quần thể kiến trúc di tích lịch sử quốc gia khu phố cổ Hà Nội và di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm. Với các đặc điểm trên, quận Hoàn có nhiều lợi thế để hình thành các khu phát triển thương mại và văn hóa.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, quận đã chủ động rà soát các khu phố, tuyến phố nghề, khu vực có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa. Trên cơ sở đó, quận dự kiến 10 khu vực có tiềm năng để hình thành khu phát triển thương mại và văn hóa trên địa bàn, gồm: Khu phố ẩm thực Tống Duy Tân - ngõ Hàng Bông, phường Hàng Bông; Khu phố Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến - Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm; Khu phố Tạm Thương - Yên Thái, phường Hàng Gai; Khu vực chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, phường Đồng Xuân (số 40 Thanh Hà, 17 Nguyễn Thiện Thuật, 15 Cao Thắng và các tuyến phố liên quan); Khu phố Hàng Bạc, phường Hàng Bạc; Khu phố Hàng Mã - Hàng Lược, phường Hàng Mã; Khu phố Nhà Thờ - Ấu Triệu - Lý Quốc Sư, phường Hàng Trống; Khu phố Hàng Đào - Hàng Ngang, phường Hàng Đào; Khu phố Nguyễn Quang Bích - Nguyễn Văn Tố, phường Cửa Đông; Khu phố Lãn Ông, phường Hàng Bồ.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Tuấn Long, hiện nay còn khó khăn trong việc huy động nguồn lực đầu tư, chưa có cơ chế chính sách ưu đãi và đảm bảo quyền lợi dài hạn cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, một bộ phận các hộ dân trong khu phát triển thương mại và văn hóa không đủ điều kiện về tài chính để đầu tư nâng cấp không gian kinh doanh.
Một bộ phận người dân trong khu phát triển thương mại và văn hóa vẫn còn tâm lý ngại thay đổi hoặc sợ ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình, thiếu nhận thức về vai trò của mô hình này đối với sự phát triển về du lịch và kinh tế. “Ngoài ra, khó khăn trong việc bảo tồn văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế, nếu không có quy định cụ thể rõ ràng sẽ dẫn đến nguy cơ các không gian văn hóa bị lấn lướt bởi các hoạt động thương mại dịch vụ” – Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long chia sẻ.
Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm kiến nghị xây dựng quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển lâu dài đối với các khu phát triển thương mại và văn hóa phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, tránh trường hợp sao chép, nhân rộng các mô hình giống nhau dẫn đến sự nhàm chán, không có dấu ấn đặc trưng của địa phương.
Đối với việc thành lập các khu phát triển thương mại và văn hóa, cần quy định rõ về những khu vực ưu tiên phát triển, các tiêu chí lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa… Đồng thời làm rõ cơ chế hợp tác giữa Nhà nước và cộng đồng dân cư trong việc đầu tư, quản lý vận hành các công trình hạ tầng, công trình mỹ thuật, công trình biểu tượng tại khu phát triển thương mại và văn hóa.
Điều kiện thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa
Theo dự thảo Nghị quyết của HĐND TP, khu phát triển thương mại và văn hóa được thành lập khi có đủ các điều kiện sau: được thành lập tại khu vực có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa; có phương án tài chính, phương án hoạt động để thúc đẩy các hoạt động thương mại, sáng tạo gắn với phát triển văn hóa, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và ngành, nghề truyền thống, thu hút, phát triển du lịch trên địa bàn…
Đặc biệt, có trên 50% ý kiến đồng thuận của đại diện cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hộ gia đình thường trú trong khu vực về tham gia, thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa; về thành phần Hội đồng quản lý và mô hình quản lý, vận hành; về quy chế hoạt động của khu phát triển thương mại và văn hóa.
Thiên Tú
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/mo-ra-khong-gian-sang-tao-thuc-day-kinh-te-do-thi.697886.html