Mở ra tầm nhìn cho tương lai

Mở ra tầm nhìn cho tương lai
4 giờ trướcBài gốc
TP Sầm Sơn chú trọng phát huy tiện ích của hệ thống điều hành đô thị thông minh.
Những mục tiêu lớn
Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và xây dựng thành phố thông minh được xác định là 1 trong 3 chương trình trọng tâm, được Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025. Do vậy, Sầm Sơn đã xây dựng kế hoạch gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện nhiệm vụ quan trọng trên. Trong đó xác định, xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ theo tiêu chí đô thị loại II; triển khai thực hiện quy hoạch hướng tới thành phố đô thị loại I; hoàn chỉnh, kết nối hạ tầng giao thông với TP Thanh Hóa, huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa và các vùng phụ cận. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư, phát triển, nâng cấp các cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, hạ tầng bưu chính, viễn thông, ngân hàng, y tế, giáo dục. Đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống trang thiết bị, kỹ thuật của thành phố thông minh, như trung tâm điều hành, hệ thống wifi công cộng, camera giám sát, tin nhắn chào mừng, cổng thông tin chung của thành phố... Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử, quản lý đô thị, du lịch, thông tin, giao thông, an ninh trật tự, y tế, giáo dục. Ngoài ra, thành phố cũng tăng cường hoạt động kết nối giữa các cơ quan, đơn vị và giữa chính quyền với doanh nghiệp, người dân, du khách. Tập trung đầu tư các thiết chế văn hóa, nhằm cơ bản hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cấp thành phố...
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, thời gian qua, thành phố đã và đang bám sát Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa để khẩn trương lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng phát triển TP Sầm Sơn đến năm 2045, có tầm nhìn chiến lược và tính khả thi cao. Hiện nay, thành phố đang tổ chức lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố đến năm 2040 để đảm bảo tính khớp nối, thống nhất giữa các quy hoạch và dự án đầu tư đang triển khai trên địa bàn. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng các quy hoạch chi tiết bảo đảm khoa học, khả thi, tạo sự đồng bộ, liên thông, thống nhất giữa các quy hoạch và liên kết vùng. Khẩn trương lập quy hoạch phát triển đô thị hai bên các tuyến đường chính để tạo điểm nhấn cho thành phố; bảo đảm phong cách kiến trúc của các khu đô thị mới ngay từ khi lập quy hoạch chi tiết. Cùng với đó, thành phố cũng thực hiện nghiêm việc công khai các quy hoạch; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu, quyết định đầu tư vào thành phố. Tăng cường giám sát việc thực hiện quy hoạch và quản lý kiến trúc đô thị; quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng; xử lý nghiêm việc lấn chiếm, xây dựng trái phép, không đúng quy hoạch...
Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội đang là điểm đến hấp dẫn du khách khi về với Sầm Sơn.
Đặc biệt, để diện mạo đô thị du lịch biển thông minh, hiện đại từng bước hiện hữu, thành phố đang tập trung phát triển 4 hành lang và 8 phân khu đô thị, nhằm tạo không gian mới cho kinh tế - xã hội phát triển. Trong đó, 4 hành lang phát triển bao gồm: hành lang cộng đồng (bố trí các công trình công cộng, hành chính, văn hóa, y tế, thể dục - thể thao, tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan làm điểm nhấn); hành lang lễ hội (không gian công cộng chính như Quảng trường biển, các tuyến phố đi bộ, khu mua sắm, lễ hội ẩm thực, giao lưu văn hóa, chợ hải sản...); hành lang Sông Đơ (khu đô thị du lịch sinh thái, trung tâm dịch vụ thương mại, công viên, khu vui chơi, giải trí hướng tới du lịch 4 mùa); hành lang Đại lộ Nam sông Mã (khu dịch vụ hỗn hợp, cảng thủy nội địa, cụm công nghiệp, khu phát triển R&D, chợ đầu mối).
Cùng với xây dựng 4 hành lang phát triển, thành phố cũng đang tập trung triển khai thực hiện 8 phân khu đô thị, bao gồm: Khu A là khu đô thị dọc bờ biển từ sông Mã đến núi Trường Lệ, là trung tâm du lịch, dịch vụ, thương mại và đô thị; Khu B là khu đô thị du lịch Nam Sầm Sơn - trung tâm du lịch biển cao cấp với các khu vực nghỉ dưỡng chất lượng cao; Khu C là khu dịch vụ, du lịch sinh thái, tâm linh núi Trường Lệ; Khu D theo bờ Nam sông Mã là khu vực phát triển du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí 4 mùa. Khu E là khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đa ngành. Khu F là khu dân cư hiện trạng, dân cư đô thị mới. Khu G là trung tâm du lịch, dịch vụ, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng. Khu H là khu trung tâm hành chính - chính trị mới của thành phố.
Thành phố biển Sầm Sơn ngày một đổi thay theo hướng hiện đại, thu hút đông đảo du khách thập phương.
Trên cơ sở quy hoạch một cách đồng bộ, hiện đại, Sầm Sơn đang tập trung phát triển thành phố theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại, bảo đảm liên kết hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị bền vững. Đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, tạo điểm nhấn...
Chuyển biến bước đầu
Điểm nhấn rõ nét nhất trong phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại trên địa bàn TP Sầm Sơn thời gian qua là việc thu hút được nhiều nhà đầu tư thực hiện các dự án lớn, trọng điểm. Trong đó, nhiều dự án lớn trọng điểm của tỉnh, của thành phố đã được triển khai như đường bộ ven biển (đoạn TP Sầm Sơn- Quảng Xương), đường Thanh Niên, đường Tây Sầm Sơn 5, đường Hai Bà Trưng... Bên cạnh đó, thành phố đã phối hợp tạo điều kiện để nhà đầu tư thực hiện các dự án lớn, như Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội; khu đô thị Quảng trường biển; khu đô thị nghỉ dưỡng và công viên vui chơi giải trí Nam sông Mã; khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Sông Đơ của Sun Group; dự án Khu đô thị sinh thái biển của Tập đoàn Đông Á; khu đô thị, dịch vụ thương mại phía Nam Sầm Sơn của Công ty CP Đầu tư Văn Phú-Invest...
Song song với việc đầu tư các dự án lớn, kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng các khu dân cư của thành phố tiếp tục được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện. Tỷ lệ đô thị hóa ngày càng tăng, năm 2021 đạt 85%, 2022 đạt 92,1% và năm 2023 đạt 100%, tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa đạt 100%. Đặc biệt, trong giai đoạn 2023-2027, Sầm Sơn được HĐND tỉnh nghị quyết cho ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tiền sử dụng đất không quá 5.000 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này được dùng để đầu tư 9 danh mục công trình, dự án nhằm hoàn thiện hệ thống quy hoạch công trình hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội của thành phố. Kết quả thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh chắc chắn tạo sự đột phá trong hiện thực hóa quy hoạch đô thị của thành phố.
The Pathway nằm dọc trục đại lộ như cánh cửa mở ra mọi trải nghiệm thượng lưu và phong phú.
Ngoài ra, công tác quản lý trật tự đô thị có nhiều chuyển biến và được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhờ đó, tình trạng xây dựng trái phép, sai phép từng bước được chấn chỉnh; công tác quản lý trật tự đô thị như lấn chiếm vỉa hè, hành lang, lòng lề đường... được chỉ đạo quyết liệt, góp phần cải thiện hình ảnh đô thị du lịch Sầm Sơn. Công tác quản lý tài nguyên và môi trường ngày càng chặt chẽ, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật. Để tạo dựng diện mạo đô thị văn minh, thân thiện, thành phố thường xuyên phát động các phong trào toàn dân chung tay bảo vệ môi trường, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Đồng thời, tích cực triển khai các dự án về bảo vệ môi trường như dự án hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại Quảng Châu; thu gom và xử lý rác thải rắn tại xã Quảng Minh... Nhờ đó, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý trên địa bàn hàng năm luôn đạt 100%; tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường đạt 100%.
Tiến tới xây dựng thành phố thông minh, Sầm Sơn đang tập trung xây dựng và phát huy tiện ích của hệ thống điều hành đô thị thông minh, gắn với xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế và xã hội số. Cụ thể là tiếp tục đầu tư mở rộng dự án thành phố thông minh ra toàn bộ 11 phường/xã, với các tiện ích cơ bản như giám sát quy hoạch, đất đai, an ninh trật tự, giao thông, cảnh báo thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, quản lý thông tin. Giai đoạn tiếp theo, thành phố sẽ tích hợp thêm các tiện ích như du lịch, giáo dục, y tế, môi trường, hạ tầng kỹ thuật đô thị (điện, cấp - thoát nước)... Cùng với đó, thành phố cũng đẩy mạnh triển khai các chương trình, dự án số hóa, từng bước chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước từ thành phố đến các phường, xã. Xây dựng, tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số. Thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, phấn đấu đến năm 2025 có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 được cung cấp trên thiết bị di động thông minh. Ngoài ra, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, sản xuất thông minh và từng bước thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp. Phát triển thương mại điện tử; khuyến khích doanh nghiệp, người dân thực hiện các hoạt động mua bán, trao đổi trên các sàn thương mại điện tử. Quản lý chặt chẽ các hoạt động giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật...
Du lịch Sầm Sơn ngày càng khẳng định được thương hiệu, vị thế trên bản đồ du lịch quốc gia. Ảnh: Hoàng Đông
Với những kết quả đạt được về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, hy vọng rằng thành phố sẽ cán đích thành công mục tiêu đến năm 2030 xây dựng và phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bài và ảnh: Trần Hằng
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/mo-ra-tam-nhin-cho-tuong-lai-231604.htm