Đề xuất giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2025 để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Lê Toàn
Sáng 26/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các trường hợp khác được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định tại khoản 2 Điều 157 Luật Đất đai năm 2024 (bao gồm cả nội dung giảm tiền thuê đất năm 2025).
Tăng tính linh hoạt trong sử dụng chính sách tài khóa
Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất 13 nhóm chính sách khác về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Các chính sách này không chỉ kế thừa các ưu đãi từ pháp luật đất đai trước đây mà còn hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên như phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, nông nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội, tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế.
Trong đó, bao gồm miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất được giao trong hạnmức giao đất ở đối với các trường hợp bố trí tái định cư. Miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất sử dụng để xây dựng trụ sở của Ngân hàng Chính sách xã hội, trụ sở của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, trụ sở của các quỹ tài chính ngoài ngân sách hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; đất để xây dựng điểm bưu điện - văn hóa xã.
Hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ
Để ưu đãi, hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, Chính phủ đề xuất miễn, giảm tiền thuê đất đối với đất thuộc các đơn vị: Viện, trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ số; miễn tiền thuê đất đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghệ số trọng điểm, sản phẩm phần mềm, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; miễn tiền thuê đất đối với Khu công nghệ số tập trung, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia; miễn tiền thuê đất đối với đất xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học của doanh nghiệp khoa học và công nghệ nếu đáp ứng được các điều kiện liên quan (nếu có).
Các nhóm chính sách tiếp theo là miễn, giảm tiền thuê đất với: Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; dự án trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa thể thao, môi trường đáp ứng điều kiện liên quan; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; người sử dụng đất bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất khả kháng; các tổ chức, doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản được thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số; cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật.
Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để quy định các biện pháp thực hiện chính sách kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, quy định này để tạo sự chủ động cho Chính phủ và đơn giản hóa trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các trường hợp khác không thuộc khoản 1 Điều 157 Luật Đất đai năm 2024 để quy định các biện pháp thực hiện chính sách kinh tế - xã hội, tài chính, tiền tệ, ngân sách, thuế và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2025).
Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ quy định đối tượng và mức miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cụ thể đối với các lĩnh vực, ngành nghề cần đặc biệt ưu tiên phát triển theo chủ trương của Đảng, của Nhà nước từng thời kỳ.
Giảm 30% tiền thuê đất năm 2025, mở rộng đối tượng áp dụng
Đối với năm 2025, để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý việc giảm tiền thuê đất năm 2025 với mức giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2025 để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và đối tượng áp dụng mở rộng hơn so với chính sách năm 2024 để phù hợp với tình hình mới.
Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến cơ bản nhất trí với các trường hợp khác được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, Tuy nhiên, đề nghị cần rà soát các chính sách bảo đảm tuân thủ nguyên tắc đã được nêu ra. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã có phát biểu làm rõ một số được nêu và cho biết sẽ tiếp thu các ý đóng góp để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị định.
Đối với việc giảm tiền thuê đất năm 2025, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, hiện nay nhiều tổ chức, doanh nghiệp sử dụng đất chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất đai do vướng mắc về quy hoạch, về thủ tục hành chính đất đai. Các đối tượng này chủ yếu là doanh nghiệp thuê đất của Nhà nước từ nhiều năm về trước và thuộc các lĩnh vực chịu tác động mạnh của chính sách bảo hộ thương mại của các nước như là dệt may, da giày, gỗ...
Do đó, chính sách ưu đãi giảm tiền thuê đất cho các đối tượng này sẽ góp phần giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Trong quá trình thực hiện chính sách, Bộ Tài chính sẽ tính toán cân đối tổng thể về thu, chi ngân sách để đảm bảo các cân đối vĩ mô đã được Quốc hội quyết định.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về mặt chủ trương, nguyên tắc để Chính phủ ban hành Nghị định quy định về các trường hợp khác được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất.
Về tiền thuê đất năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho mở rộng các đối tượng như tờ trình của Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chịu trách nhiệm về nội dung đề xuất, tính chính xác của các thông tin, số liệu báo cáo sự cần thiết trong việc giảm tiền thuê đất của năm 2025. Đồng thời, có giải pháp điều hành ngân sách nhà nước để bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối ngân sách trong phạm vi bội chi ngân sách nhà nước năm 2025 đã được Quốc hội quyết định.
Ưu đãi đúng đối tượng, không trùng lặp
Sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ xây dựng và ban hành Nghị định về việc thực hiện miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quy định tại Nghị định này phải đáp ứng các điều kiện.
Đó là, không thuộc các trường hợp đã được quy định tại khoản 1 Điều 157 Luật Đất đai năm 2024 (được quy định chi tiết tại các Điều 18, 19, 39, và 40 Nghị định số 103/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ); có văn bản đề xuất của các bộ, ngành, địa phương; tổ chức sử dụng đất không vì mục tiêu lợi nhuận theo văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ của Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, ưu tiên quy định ưu đãi đối với các trường hợp trước đây đã và đang được hưởng ưu đãi về nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuộc trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai năm 2013 (Nghị định số 45/2014/NĐ-CP, Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ); các quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp thu ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Chính phủ sẽ hoàn thiện Nghị định theo hướng không mở rộng đối tượng khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn so với quy định hiện hành; không miễn, giảm tiền thuê đất đối với đất quốc phòng làm kinh tế...
Hoàng Yến