Mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành nhằm tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng trọng yếu

Mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành nhằm tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng trọng yếu
6 giờ trướcBài gốc
Theo văn bản số 6166/VPCP-CN ngày 07/07/2025 truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc thực hiện dự án mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành theo cơ chế dành cho các công trình khẩn cấp.
Trước đó, tại văn bản số 5889/VPCP-CN ngày 26/6/2025, Phó Thủ tướng đã chấp thuận đề xuất của Bộ Tài chính và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về việc áp dụng thủ tục khẩn cấp để đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý quá trình tổ chức thực hiện phải tuân thủ các nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo đảm chất lượng, an toàn lao động và phòng ngừa thất thoát, tiêu cực trong đầu tư công.
Tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành đoạn qua TP Thủ Đức chuẩn bị được mở rộng theo hình thức khẩn cấp nhằm giảm tải ùn tắc và tăng khả năng kết nối vùng. Ảnh minh họa.
Theo kế hoạch, dự án sẽ mở rộng tuyến cao tốc hiện hữu với tổng chiều dài gần 22km. Điểm đầu tại nút giao Vành đai 2 (Km 4+000, TP Thủ Đức, TP.HCM) và kết thúc tại nút giao với cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (Km 25+920, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Về thiết kế, đoạn cầu cạn từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 (Km 4+000 – Km 8+44,5) sẽ được mở rộng thêm 7,75m mỗi bên, nâng tổng mặt cầu lên 42m và quy mô đạt 8 làn xe. Đoạn còn lại, từ Vành đai 3 đến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (Km 8+44,5 – Km 25+920), sẽ được nâng cấp lên 10 làn xe để đáp ứng lưu lượng phương tiện ngày càng tăng cao.
Tổng mức đầu tư dự án dự kiến vượt 15.337 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 11.116 tỷ đồng và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 967 tỷ đồng. Dự án dự kiến khởi công ngày 19/08/2025 và cơ bản hoàn thành vào năm 2026.
Việc mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành không chỉ góp phần giải tỏa áp lực giao thông kết nối các trung tâm công nghiệp, đô thị và cảng hàng không Long Thành trong tương lai, mà còn mở ra cơ hội tăng cường kết nối vùng Đông Nam Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Tuy nhiên, với tổng vốn đầu tư lớn và yêu cầu tiến độ gấp rút, dự án cũng đặt ra bài toán nghiêm ngặt về quản lý nguồn vốn, đảm bảo chất lượng công trình, giảm thiểu tác động môi trường và tránh hình thành các nhóm lợi ích trong quá trình triển khai.
Đây là một trong những công trình hạ tầng trọng điểm mà Chính phủ kỳ vọng sẽ tạo cú huých mạnh mẽ cho tăng trưởng khu vực phía Nam, trong bối cảnh nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông ngày càng trở nên cấp thiết.
Hồng Phong
Nguồn Kinh tế Môi trường : https://kinhtemoitruong.vn/mo-rong-cao-toc-tphcm-long-thanh-nham-thao-go-diem-nghen-ha-tang-trong-yeu-100186.html