Triển khai mở rộng đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành theo công trình khẩn cấp. Ảnh: Minh họa/TL
Theo baochinhphu.vn, trước đó, tại văn bản số 5889/VPCP-CN ngày 26-6 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về việc thực hiện dự án theo thủ tục đối với dự án khẩn cấp.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và VEC chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung báo cáo, cam kết; tổ chức triển khai dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, không được để xảy ra sơ hở, tham nhũng, lợi ích nhóm, gây thất thoát, thiệt hại tài sản nhà nước.
Dự án có tổng chiều dài gần 22km. Điểm đầu dự án tại Km 4+000 (nút giao vành đai 2) thuộc Thành phố Thủ Đức, TPHCM. Điểm cuối tại Km 25+920 (nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Thêm vào đó, đoạn cầu cạn vành đai 2 - vành đai 3 (Km 4+000 - Km 8+44,5) sẽ mở rộng mỗi bên 7,75m để đạt quy mô 8 làn xe. Trong đó, chiều rộng cầu tổng cộng là 42m bao gồm 2 đơn nguyên. Đoạn từ vành đai 3 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km 8+44,5 - Km 25+920) sẽ đầu tư mở rộng quy mô 10 làn xe.
Tổng mức đầu tư sơ bộ là khoảng hơn 15.337 tỉ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái đinh cư hơn 967 tỉ đồng; chi phí xây dựng hơn 11.116 tỉ đồng; chi phí thiết bị gần 99 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác hơn 1.126 tỉ đồng; chi phí dự phòng hơn 1.980 tỉ đồng.
Dự án dự kiến khởi công ngày 19-8, cơ bản hoàn thành năm 2026.
Thu Trà