Đại diện Sở Tư pháp thành phố Hà Nội trao quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho cầu thủ Cao Pendant Quang Vinh. (Ảnh: PHAN THẠCH).
Tính đến tháng 3/2025, Chủ tịch nước đã cho trở lại quốc tịch Việt Nam đối với 311 trường hợp (trong đó 20 trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài); cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 7.014 trường hợp (trong đó 60 trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài).
Theo Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật, việc sửa đổi, bổ sung lần này tập trung vào ba nhóm vấn đề: mở rộng các đối tượng được phép trở lại quốc tịch Việt Nam, đặc biệt là tất cả các trường hợp đã mất quốc tịch Việt Nam có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam; đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến việc trở lại quốc tịch; rà soát và đánh giá các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người trở lại quốc tịch Việt Nam, đặc biệt với trường hợp vẫn được giữ quốc tịch nước ngoài.
Giảm điều kiện nhập tịch, trở lại quốc tịch là xu thế nhưng khi “nới lỏng” quy định về đối tượng, điều kiện trong Luật Quốc tịch Việt Nam cần phải cân nhắc thận trọng, có báo cáo đánh giá tác động chính sách một cách thấu đáo, kỹ lưỡng cả về yếu tố tích cực và tiêu cực của chính sách.
Cơ quan soạn thảo cũng cần phân tích các rủi ro pháp lý, trong đó tập trung vào các điều kiện nhập trở lại, nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, các quy trình, thủ tục thực hiện, các điều kiện để bảo đảm thực hiện chính sách thông suốt; dự báo, lường trước xung đột pháp lý, tranh chấp có thể phát sinh để có phương án xử lý.
Dự luật sửa đổi, bổ sung cần có quy định để các cơ quan thực thi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thông tin giải quyết các thủ tục xin nhập, xin thôi, xin trở lại quốc tịch và các thủ tục khác trong lĩnh vực này, bảo đảm được tính công khai, minh bạch, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, vi phạm.
Trong giải quyết hồ sơ quốc tịch, các cơ quan chức năng có liên quan cần tăng cường phối hợp liên ngành, quy định rõ cơ chế, trình tự, thủ tục và trách nhiệm của các bên, qua đó bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của người dân.
Dự luật cũng cần thể hiện rõ lập trường “địa phương quyết, địa phương chịu trách nhiệm” khi tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra cũng như có chế tài nghiêm với các hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi.
Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 6 triệu người, đang sinh sống tại hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây chính là nguồn lực rất lớn cho đất nước. Rà soát chính sách quốc tịch để kiều bào Việt Nam có đầy đủ điều kiện và cơ hội đóng góp nhiều hơn cho đất nước là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay song nới lỏng chính sách, giảm bớt điều kiện cũng cần bảo đảm giữ vững nguyên tắc và lợi ích quốc gia, hài hòa yếu tố phát triển và ổn định đất nước.
Trên lãnh thổ Việt Nam vẫn còn khoảng hơn 30 nghìn người gốc Việt không xác định được quốc tịch sinh sống tại nhiều địa phương. Họ rất khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính thiết yếu cũng như nâng cao cuộc sống. Luật Căn cước 2023 đã đáp ứng và giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện cho họ có được những giấy tờ cần thiết.
Nếu bổ sung được đối tượng này vào phạm vi điều chỉnh của dự luật, tạo cơ hội được xét nhập quốc tịch Việt Nam cho những người đã được cấp giấy chứng nhận căn cước sẽ là minh chứng rõ nét cho tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”, thực hiện tốt các chính sách đại đoàn kết dân tộc của Việt Nam ta.
HƯƠNG NGUYÊN