Mở rộng diện khai thác mỏ than Na Dương: Khó khăn cần được tháo gỡ

Mở rộng diện khai thác mỏ than Na Dương: Khó khăn cần được tháo gỡ
11 giờ trướcBài gốc
Công ty Than Na Dương thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc - TKV có nhiệm vụ chính là sản xuất đáp ứng nhu cầu về than cho 2 nhà máy nhiệt điện Na Dương gồm: Nhà máy Nhiệt điện Na Dương I đang hoạt động và Nhà máy II dự kiến chạy thử có tải vào Quý IV/2026. Để đáp ứng nhu cầu này, Công ty được giao nhiệm vụ triển khai, thực hiện các phương án bồi thường GPMB để mở rộng diện sản xuất than.
Mỏ than Na Dương cung cấp than cho 2 nhà máy: nhiệt điện Na Dương I (đang hoạt động) và nhiệt điện Na Dương II (dự kiến chạy thử có tải vào Quý IV/2026).
Thực trạng công tác giải phóng mặt bằng
Nhằm cung cấp đầy đủ than cho hoạt động của nhà máy nhiệt điện I và tới đây là nhà máy II, theo kế hoạch trong giai đoạn 2025 - 2030, Công ty Than Na Dương phải có đủ mặt bằng và thực hiện bóc xúc một khối lượng lớn đất đá (61,7 triệu m3) để khai thác sản lượng trên 4,5 triệu tấn than.
Từ năm 2014 đến nay, Công ty đang triển khai thực hiện 2 dự án, phương án bồi thường (BT), GPMB với diện tích khoảng 285ha, mức đầu tư 488,7 tỷ đồng (gồm Dự án BT, GPMB mở rộng khai trường sản xuất và bãi đổ thải giai đoạn I, Phương án BT, GPMB mở rộng khai trường sản xuất giai đoạn III). Trong đó đã thực hiện GPMB được 257ha/giá trị 273 tỷ đồng, di dời nhà đối với 74 hộ gia đình.
Công ty Than Na Dương thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc – TKV đã có bề dầy 65 năm xây dựng và phát triển.
Trong giai đoạn đến 2030, Công ty tiếp tục đề nghị huyện Lộc Bình triển khai 3 phương án GPMB: Phương án mở rộng khai trường sản xuất giai đoạn II, Phương án bồi thường GPMB nắn suối Tồng Già và Phương án nắn suối bãi thải vách với diện tích 288 ha, ước giá trị khoảng 570 tỷ đồng.
Một số khó khăn cần tháo gỡ
Hiện nay, năng lực và kỹ thuật khai thác than của Công ty Than Na Dương đã vượt trội; tuy nhiên để hoàn thành sản lượng than, đáp ứng nhu cầu cho 2 nhà máy nhiệt điện, thì khó khăn lớn nhất vẫn là triển khai các phương án bồi thường GPMB tạo mặt bằng sạch cho sản xuất than.
Cụ thể có 2 khó khăn: Thứ nhất là các dự án, phương án bồi thường GPMB có thời gian thực hiện dài (thực hiện từ năm 2013 đến nay), nên có sự thay đổi của hệ thống pháp luật, chính sách như: Luật đất đai, Nghi định, Thông tư hướng dẫn thi hành luật, các quy định về chế độ chính sách, đơn giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất...
Thứ hai, còn tồn tại nhiều hộ dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất dẫn đến sai lệch so với hồ sơ địa chính, gây khó khăn trong việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Một số hộ dân yêu cầu được tuyển dụng lao động (ngoài cơ chế) hay đòi hỏi phải được bồi thường nhà, công trình xây dựng sau khi có thông báo thu hồi đất.
Để tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB, đề nghị UBND huyện Lộc Bình và các cơ quan ban ngành nghiên cứu, xem xét, báo cáo cấp có thảm quyền bổ sung Dự án BT, GPMB mở rộng mỏ than Na Dương vào Danh mục các dự án trọng điểm để tập trung chỉ đạo; đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với những trường hợp, hộ gia đình không vì mục đích vụ lợi mà do thiếu hiểu biết về pháp luật dẫn đến không đăng ký, thực hiện thủ tục về đất đai theo quy định, sử dụng đất không đúng với mục đích sử dụng đất ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp.
Nguyễn Quân
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/mo-rong-dien-khai-thac-mo-than-na-duong-kho-khan-can-duoc-thao-go-post324123.html