Mở rộng diện tích cây trồng thâm canh

Mở rộng diện tích cây trồng thâm canh
4 giờ trướcBài gốc
Người dân xã Thọ Lâm (Thọ Xuân) duy trì phát triển thâm canh mía nguyên liệu.
Để mở rộng diện tích cây trồng thâm canh, huyện Thạch Thành đã và đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tích tụ tập trung đất đai, sản xuất công nghệ cao và chuyển đổi số trong nông nghiệp hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn. Qua đó, huyện đã chủ động quy hoạch vùng trồng cây ăn quả tập trung quy mô lớn để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 1.100ha cây ăn quả tập trung, cho sản lượng 22.000 tấn/năm. Nhiều mô hình thâm canh cây ăn quả tập trung trên địa bàn huyện cho hiệu quả kinh tế cao, như: cam, bưởi tại xã Thành Công và thị trấn Vân Du; thanh long tại các xã Thành Tiến, Thành Tâm; ổi lê Đài Loan tại xã Thành Tâm...
Cùng với phát triển cây ăn quả, người dân xã Thạch Đồng đã liên kết sản xuất với Công ty CP Thương mại Sao Khuê (Đông Sơn), Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng (Hà Trung) với diện tích 200ha lúa nếp hạt cau/vụ, sản lượng 100 tấn. Ngoài ra, thông qua các HTX làm cầu nối, người dân trong huyện ký hợp đồng liên kết sản xuất và thâm canh mía nguyên liệu 3.000ha/năm với Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan... Ông Trần Bá Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành, cho biết: “Nhằm phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên và các loại cây trồng chủ lực của huyện để tập trung phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị. Hiện, huyện Thạch Thành đang tập trung huy động nguồn lực và thu hút doanh nghiệp, HTX tham gia hoàn thiện Đề án “Thí điểm việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn với tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi số để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Thạch Thành đến năm 2030”. Qua đó, huyện tích cực đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ tập trung đất đai, ứng dụng khoa học - công nghệ và phát triển thị trường, xây dựng và hình thành các vùng nông sản tập trung quy mô lớn, chất lượng cao”.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đang duy trì và phát triển các vùng cây trồng thâm canh, vùng sản xuất tập trung, như: Lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao 150.000ha, ngô thâm canh 20.000ha, mía thâm canh 12.000ha, rau an toàn 13.500ha, hoa cây cảnh công nghệ cao 325ha, cây ăn quả tập trung 12.000ha, cây thức ăn chăn nuôi 17.000ha. Nhiều mô hình thâm canh cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, như: Sản xuất hạt giống lúa lai F1, giống lúa thuần và lúa thương phẩm tại huyện Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Nông Cống... cho hiệu quả kinh tế từ 1,2 đến 1,5 lần so với sản xuất thông thường; các vùng trồng cây ăn quả thâm canh tại huyện Thọ Xuân, Thạch Thành, Như Xuân... cho doanh thu 500 triệu đồng/ha, lợi nhuận 350 triệu đồng/ha; trồng cây dược liệu huyện Triệu Sơn cho thu nhập 400 triệu/ha/năm...
Để phát triển cây trồng thâm canh, thông qua “Xây dựng bản đồ nông hóa phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 1)”, ngành nông nghiệp định hướng phát triển các loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng, như: Phát triển cây ăn quả có múi và dứa, thanh long, ổi, vải không hạt, nhãn chín sớm tại các huyện Thạch Thành, Như Xuân, Ngọc Lặc... Đồng thời, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây có hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, phát triển cây trồng nguyên liệu phục vụ chế biến, như: mía 8.100ha, sắn 7.200ha, cao su 5.400ha, cây thức ăn chăn nuôi 4.500ha.
Tại các huyện vùng đồng bằng đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, các địa phương tập trung phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy mô lớn, như: vùng lúa thâm canh, năng suất, chất lượng cao 101.500ha; vùng cây ăn quả tập trung 4.000ha; vùng sản xuất rau quả hơn 8.000ha; vùng hoa cây cảnh tập trung chuyên canh 325ha...
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Cường, trong những năm gần đây, xu thế phát triển thâm canh cây trồng tập trung ứng dụng công nghệ cao được các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, HTX quan tâm đầu tư. Đây là hình thức sản xuất mang lại giá trị cao nhất cũng như chất lượng tốt nhất của sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian tới, để phát triển sản xuất thâm canh cây trồng trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp rà soát xác định lại vùng sản xuất tập trung để ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh cần ban hành cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút người dân, doanh nghiệp, HTX tập trung phát triển thâm canh cây trồng ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, ngành nông nghiệp tích cực ứng dụng chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất, đưa sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trở thành mũi nhọn.
Bài và ảnh: Lê Hợi
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/mo-rong-dien-tich-cay-trong-tham-canh-237674.htm