Sử dụng drone để phun chế phẩm thảo mộc trên đồng lúa hữu cơ tại HTX Hiếu Bắc, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ - Ảnh: T.T
Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 1.149 ha sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên, theo hướng hữu cơ, VietGap, ATTP, trong đó diện tích sản xuất hữu cơ, canh tác tự nhiên là 351,7 ha, sản xuất theo hướng hữu cơ là 502,5 ha. Vụ đông xuân 2023-2024, toàn tỉnh sản xuất 865,65 ha lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên, theo hướng hữu cơ, VietGap, ATTP.
Hải Lăng là địa phương sớm triển khai việc quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ. Trên cơ sở phối hợp với Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị và các đơn vị liên quan, huyện đã tiến hành khảo sát, chọn quy hoạch 1.499,9 ha để vận động tham gia sản xuất lúa hữu cơ giai đoạn 2021-2030 tại 44 hợp tác xã (HTX) và 78 vùng. Đến nay, huyện đã có 29,58 ha lúa đã được chứng nhận hữu cơ và 25,2 ha được chứng nhận Viet GAP.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Văn Ngọc Tiến Đức cho biết: “Ngoài những điều kiện thuận lợi như các chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện, việc triển khai sản xuất lúa hữu cơ cũng gặp khó khăn như hệ thống tưới tiêu chưa đáp ứng nhu cầu theo quy trình sản xuất hữu cơ, cao trình hệ thống đê bao chung của toàn huyện chưa đảm bảo an toàn khi có mưa lũ lớn. Hệ thống giao thông nội đồng chưa đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa trong vùng sản xuất lúa hữu cơ, vùng sản xuất còn nhiều ô, thửa ảnh hưởng lớn đến áp dụng cơ giới hóa và quản lý điều hành sản xuất”.
Đây cũng là một trong những khó khăn mà qua quá trình khảo sát ở các địa phương trong tỉnh, ngành nông nghiệp đã đánh giá lại những tồn tại, hạn chế trong triển khai sản xuất lúa hữu cơ. Nguyên nhân chủ yếu do chưa quy hoạch được các vùng sản xuất lúa hữu cơ tập trung phù hợp với yêu cầu sản xuất hữu cơ và tiềm năng lợi thế của các vùng, miền.
Diện tích sản xuất lúa hữu cơ còn manh mún, nhỏ lẻ, nhiều bờ vùng, bờ thửa chưa được dồn ghép, tích tụ, độ cao đồng ruộng không đồng đều gây khó khăn trong việc tưới tiêu, áp dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là biện pháp phòng trừ cỏ dại trên ruộng lúa sản xuất hữu cơ.
Hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, kênh mương tưới tiêu chưa được bê tông hóa hoặc xuống cấp, nhiều cánh đồng chưa có đường giao thông nội đồng đảm bảo cho vận chuyển vật tư, giống đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra.
Doanh nghiệp (DN), HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hữu cơ còn ít, lợi ích chưa hài hòa giữa các bên, nhiều diện tích sản xuất hữu cơ chưa có đầu ra ổn định....dẫn đến chi phí sản xuất lúa hữu cơ cao nhưng năng suất, chất lượng và giá tiêu thụ chưa tương xứng. Sản xuất lúa hữu cơ các vụ đầu năng suất thấp hơn sản xuất truyền thống, trong khi Nghị quyết số 162/2021/NQ-HĐND tỉnh chỉ hỗ trợ 2 vụ nên người dân chưa thấy được hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Để tập trung các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân, các tổ hợp tác (THT), HTX, DN mở rộng diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hữu cơ trong thời gian đến, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Phát triển lúa hữu cơ gắn với liên kết theo chuỗi giá trị bền vững giai đoạn 2025- 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”.
Đề án đặt mục tiêu năm 2025 phấn đấu diện tích gieo trồng lúa hữu cơ tăng thêm ít nhất 684 ha trên toàn tỉnh, thực hiện bê tông hóa 1,59 km kênh mương đất nội đồng để phục vụ sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên.
Giai đoạn 2026 - 2030 phấn đấu diện tích gieo trồng lúa hữu cơ tăng thêm ít nhất 1.000 ha để có 2.000 ha sản xuất lúa hữu cơ vào năm 2030. Đề án áp dụng trên diện tích được rà soát, quy hoạch để tổ chức sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh và Cam Lộ.
Đề án đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng như tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực cho người dân, HTX, THT nhằm thay đổi phương thức sản xuất, sử dụng nông sản hữu cơ, sạch, an toàn. Quy hoạch và hoàn thiện hạ tầng đồng ruộng, chỉnh trang đồng ruộng gắn với xây dựng hệ thống giao thông, hệ thống tưới tiêu nội đồng đảm bảo phục vụ sản xuất lúa hữu cơ.
Tập trung đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa các kênh tưới nội đồng phục vụ cho vùng sản xuất lúa hữu cơ, bảo đảm yêu cầu tưới, tiêu chủ động, khoa học. Ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật như phương pháp mạ khay, máy cấy, phân bón hữu cơ vi sinh, phân chuồng hoai mục, các chế phẩm sinh học... để cải tạo đất.
Quản lý sâu bệnh hại theo phương pháp tổng hợp IPM, IPHM, sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học, thảo mộc hợp lý, có sự kiểm soát chặt chẽ, tăng cường ứng dụng máy bay không người lái (drone) trong bón phân, phun chế phẩm, thuốc trừ sâu bệnh sinh học... vào sản xuất lúa hữu cơ.
Tích cực tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân, xây dựng và phát triển mô hình liên kết giữa 4 nhà: nhà nước- nhà nông- nhà khoa học - nhà DN để phát triển sản xuất ngày càng có hiệu quả. Khuyến khích các DN xây dựng, phát triển thương hiệu lúa gạo trên địa bàn tỉnh như gạo hữu cơ Quảng Trị, gạo hữu cơ Sepon, gạo canh tác tự nhiên Triệu Phong.. phục vụ thị trường trong nước và thế giới.
Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu thụ sản phẩm, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phát triển các hình thức liên kết đầu tư giữa DN với nông dân, trong đó DN hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm và người dân tổ chức sản xuất, cung cấp sản phẩm cho DN tiêu thụ.
Đồng thời có thêm nhiều chính sách hỗ trợ để DN, HTX, THT, người dân tham gia sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết chuỗi giá trị bền vững.
Thanh Trúc