Bố trí 3 tầng hầm
Ngầm hóa không gian đô thị là giải pháp nhiều nước trên thế giới áp dụng để mở rộng không gian phát triển mà vẫn bảo tồn được hồn cốt kiến trúc, văn hóa.
Theo các chuyên gia, việc nghiên cứu mở rộng không gian công cộng khu vực hồ Gươm là cần thiết, song cần đảm bảo sự hài hòa.
Hà Nội từng được giới chuyên gia đánh giá là địa phương đầu tiên trên cả nước phê duyệt quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị với hơn 70 bãi đỗ xe ngầm. Tuy nhiên, quy hoạch là một chuyện, hiện thực hóa lại là chuyện khác.
Tháng 3/2025, Hà Nội tiếp tục chủ trương này, bằng việc quyết ngầm hóa khu vực xung quanh hồ Gươm, từ đề xuất của UBND quận Hoàn Kiếm. Theo đó, thành phố lập đồ án thiết kế đô thị riêng khu vực bắc hồ Gươm, nam phố cổ và chủ đạo là quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục, tòa nhà "Hàm cá mập" sẽ bị phá bỏ, thay thế bằng không gian ngầm.
Theo phương án thiết kế, sẽ bố trí 3 tầng hầm tại khu vực quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục. Trong đó, tầng 1 làm trung tâm thương mại, tầng 2, 3 làm bãi đỗ xe, trường hợp không đỗ xe, có thể sử dụng thành không gian lưỡng dụng.
Hiện đồ án quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 được quận Hoàn Kiếm niêm yết công khai tại trụ sở UBND các phường: Hàng Gai, Hàng Bạc, Hàng Trống, Lý Thái Tổ và tòa nhà "Hàm cá mập". UBND quận đã họp cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân đều có quyền góp ý nội dung này.
Hạ ngầm làm bãi đỗ xe có phù hợp?
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, hồ Gươm vừa là cổ tích, vừa là thắng cảnh, gắn với đô thị cổ Thăng Long, nay là đô thị hiện đại. Đến với hồ Gươm, mọi người không chỉ đến với đô thị gắn với truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, mà còn chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên, gắn với lịch sử. Do vậy, việc giữ gìn, phát huy giá trị nguyên bản được đặt lên hàng đầu.
"Tôi đồng tình với việc hạ ngầm, đây là xu thế, tôi đã nói vấn đề này trước Quốc hội khi cho ý kiến về Luật Xây dựng. Tuy nhiên, chúng ta có nhiều không gian, tại sao không mở rộng mà lại tập trung ở hồ Gươm?
Nếu hạ ngầm làm bãi để xe, đầu vào sẽ như thế nào? Chúng ta đang hạn chế xe cá nhân vào nội đô, nhưng lại để bãi đỗ xe ở đây, liệu phù hợp không? Vừa qua, Hà Nội cải tạo không gian công cộng rất tốt. Việc cải tạo không gian cần đạt được mục tiêu, hãy để cho hồ Gươm được "thở", đừng dồn người đến đây", ông Quốc góp ý.
Trong khi đó, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội ví von: "Việc cải tạo phát triển không gian ngầm, đi sâu dưới lòng đất nhưng đó lại là "cơ hội để chúng ta bay lên", vươn cao về mặt trí tuệ, hiểu biết".
Bắt đầu từ không gian ngầm hồ Gươm, Hà Nội có ga C9 kết nối tới C10, tuyến đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) nằm trên ga ngầm S13 của tuyến số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội)…
Theo ông Ánh, những không gian ngầm này đã và đang được triển khai. Hồ Gươm là không gian văn hóa lịch sử của cả khu vực phố cổ, việc hạ ngầm là giải pháp tối ưu, vừa có tính cấp bách, vừa mang tính tất yếu về kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, cần cân nhắc hài hòa các không gian, đặc biệt, trong đề xuất của quận Hoàn Kiếm về việc có bãi đỗ xe.
"Câu chuyện này cho thấy còn mâu thuẫn. Bởi khi thành phố muốn giảm tải xe cá nhân, nhưng lại làm bãi đỗ xe ở đây thì việc hút xe cá nhân là không tránh khỏi", ông Ánh nhìn nhận.
Kết nối không gian nhưng phải giữ được hồn cốt
TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, vào những năm 2000, Hà Nội có hợp đồng với Trường Đại học Giao thông vận tải để điều tra, khảo sát hệ thống đường dây, đường ống xung quanh khu vực hồ Gươm nhằm hỗ trợ cho ý tưởng xây dựng công trình ngầm. Không chỉ hạ ngầm đường dây, đường ống mà tuyến đường sắt đô thị cũng được thiết kế đi qua hồ Gươm.
"Việc sử dụng không gian ngầm tại hồ Gươm nhằm giảm tải áp lực hạ tầng đô thị, tạo không gian dưới mặt đất, tôi cho rằng, đây là việc làm thiết thực", ông Tiến nêu quan điểm, đồng thời cho rằng, trước khi triển khai, nên rà soát lại quy hoạch chi tiết, quy hoạch tuyến đường sắt đô thị đi qua khu vực hồ Gươm.
Việc này nhằm đảm bảo kết nối không gian, tạo sự đồng bộ, phát triển không gian nhưng phải giữ hồn cốt của hồ Gươm và phố cổ.
Xác định chủ trương cải tạo không gian khu vực quanh hồ Gươm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND quận Hoàn Kiếm chủ trì xây dựng phương án tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực quảng trường, làm cơ sở nghiên cứu dự án đầu tư cải tạo, tái thiết quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục.
Kim Thoa