Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động

Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động
4 giờ trướcBài gốc
Bên cạnh thị trường truyền thống, năm 2025 ngành chức năng sẽ đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc tại các nước châu Âu. Ảnh: Tống Giáp.
Khai thác thị trường thu nhập cao
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã tăng trưởng đáng kể trở lại sau đại dịch Covid-19, năm 2022 có hơn 140.000 người, năm 2023 có hơn 150.000 người, dự kiến cả năm 2024 đưa được hơn 150.000 người, trong đó tập trung chủ yếu ở thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc (khoảng 95%) - những thị trường có điều kiện làm việc tốt, thu nhập khá cao và ổn định.
Khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề. Ước tính hàng năm, người lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về nước khoảng 3,5 - 4 tỷ USD.
Cùng với các thị trường truyền thống, Bộ LĐTBXH tiếp tục mở rộng, phát triển một số thị trường lao động có mức thu nhập và điều kiện làm việc tốt tại châu Âu, đồng thời mở cửa một số thị trường mới. Hiện số lượng lao động đi làm việc tại thị trường này chưa nhiều nhưng điều kiện làm việc và thu nhập tương đối tốt.
Đánh giá tiềm năng xuất khẩu lao động tại thị trường châu Âu, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan đánh giá, khu vực châu Âu (EU) luôn được đánh giá là thị trường trọng điểm, có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.
Thu hút nguồn lao động chất lượng
Về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi đưa đi làm việc ở nước ngoài, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đánh giá, nhiều thị trường tiềm năng mở cửa nhưng hiện nay các doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong việc tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng để đưa đi làm việc ở những thị trường thu nhập cao.
“Các doanh nghiệp Nhật Bản chia sẻ là đang gặp khó khăn về nguồn lao động đến từ Việt Nam. Số lượng tuy có tăng nhưng so với nhu cầu hiện nay của Nhật Bản thì còn thiếu rất nhiều” - ông Hoan nói và cho biết đã giao cho Cục Quản lý lao động ngoài nước tìm giải pháp trong vấn đề này, để vừa nâng chất lượng, vừa nâng số lượng đáp ứng nhu cầu của các thị trường. Hiện có khoảng 450 doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, dự kiến sắp tới con số này có thể tăng lên 500, vì thị trường đang rộng mở.
Tuy nhiên, vấn đề nhức nhối nhất hiện nay là nhiều doanh nghiệp không có giấy phép, không có chức năng phái cử lao động nhưng vẫn quảng cáo tuyển dụng, nhận hồ sơ, thậm chí nhận tiền của người lao động, song không thực hiện hợp đồng mà chuyển cho các đơn vị có chức năng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, việc này làm cho thị trường nhiễu loạn, ảnh hưởng an ninh trật tự và làm tăng mức chi phí cho người lao động khi có nguyện vọng ra nước ngoài làm việc. “Bộ LĐTBXH đang phối hợp với các cấp chính quyền rà soát để thanh kiểm tra, và giao các cơ quan xử lý” - ông Hoan thông tin.
Theo các chuyên gia lao động, một trong những vấn đề lớn nhất của lao động xuất khẩu Việt Nam là thiếu hụt về trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Mặc dù có sự nỗ lực trong công việc, nhiều lao động vẫn chưa có đủ kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường lao động quốc tế.
Trong khi các ngành nghề đòi hỏi tay nghề cao như kỹ thuật, công nghệ thông tin, cơ khí… thì số lượng lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu này còn rất ít. Điều này khiến cho lao động Việt Nam chủ yếu bị giới hạn trong các công việc phổ thông, có mức thu nhập thấp hơn và ít cơ hội thăng tiến.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Lanh - Phó Tổng Giám đốc Esuhai Group cho biết, cần cải thiện chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tạo điều kiện cho họ vay vốn để học trước khi đi. Ngoài ra, cần phát huy thế mạnh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, công tác định hướng sau đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo. Cùng với đó cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, ban, ngành, địa phương trong việc phối hợp cùng các doanh nghiệp tuyên truyền, định hướng, tạo nguồn đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cũng cho rằng, để nâng cao chất lượng, chính bản thân người lao động phải có chất lượng cao. Các hoạt động của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho người lao động phải tốt. Còn Nhà nước cần đảm bảo môi trường lành mạnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Về công tác tìm kiếm, phát triển các thị trường mới, ông Hương cho biết ngoài các thị trường truyền thống, đầu năm 2024, Việt Nam đã ký với Cộng hòa Liên bang Đức.
Hiện đang đàm phán với Hy Lạp, Phần Lan, Đan Mạch, Tây Ban Nha và các nước châu Âu… Riêng về thị trường Australia, đầu năm 2024, Bộ LĐTBXH đã có ký kết để đưa người lao động sang làm nông nghiệp, với khoảng 1.000 người.
Lê Bảo
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/mo-rong-thi-truong-xuat-khau-lao-dong-10296938.html