Ảnh minh họa.
Ngày 17/7, TAND TP Hà Nội xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Công (SN 1986, ở phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh – cũ) 10 năm tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và 3 năm tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Theo cáo trạng, từ năm 2018 - 2020, Công được các đối tượng (hiện chưa xác định được) đặt vấn đề mở tài khoản ngân hàng để nhận các khoản tiền do vi phạm pháp luật chuyển đến và hưởng tiền công.
Công nhận lời và mua 3 CMND mang tên Lê Văn Cảnh, Vũ Công Vinh và Nguyễn Văn Linh. Sau đó, bị cáo thay ảnh 3 CMND này bằng ảnh chân dung của mình rồi đến ngân hàng mở tài khoản.
Ngày 3/8/2020, đối tượng (hiện chưa xác định được) đã xâm nhập trái phép vào hệ thống máy tính của Công ty Giao hàng nhanh, tạo các đơn hàng “ảo” giao thành công 40 chiếc điện thoại tương ứng với tổng số tiền hơn 798 triệu đồng.
Theo hợp đồng dịch vụ vận chuyển đã ký kết với Công ty Shopee, Công ty Giao hàng nhanh đã chuyển số tiền trên đến tài khoản của Công ty Shopee.
Sau đó, Công ty Shopee đã chuyển số tiền trên đến tài khoản của bên bán hàng đã đăng ký là tài khoản mang tên Lê Văn Cảnh.
Ngày 3 và 5/8/2020, Công sử dụng CMND giả mang tên Lê Văn Cảnh đến ngân hàng rút hơn 234 triệu đồng. Số tiền 564 triệu đồng còn lại, Công ty Shopee đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc rút tiền khỏi tài khoản. Ngày 6/1/2025, Công bị bắt tạm giam.
Quá trình điều tra, Công khai nhận năm 2018 quen biết với Nguyễn Thị Hường (SN 1982; ở Quảng Ninh).
Khoảng tháng 4/2020, Hường nói với Công về việc có người chuyển tiền. Hường nhờ Công đi mở tài khoản ngân hàng để rút tiền; hứa hẹn cho Công 5%/tổng số tiền rút. Hường bảo Công không được sử dụng CMND của mình vì khi rút tiền sẽ bị công an phát hiện.
Hường hướng dẫn Công mua CMND mang tên người khác, bóc ảnh ra thay bằng ảnh chân dung của Công, rồi đến ngân hàng để mở tài khoản.
Công nhận thức được nguồn gốc số tiền chuyển đến tài khoản là do vi phạm pháp luật mà có, nhưng do Hường hứa hẹn cho Công 5%/ tổng số tiền rút được nên làm theo.
Tại cơ quan điều tra, Hường không thừa nhận chỉ đạo Công. Ngoài lời khai của Công, tài liệu thu thập chưa đủ căn cứ kết luận Hường chỉ đạo Công nên công an không đề cập xử lý Hường.
Đối với nhân viên ngân hàng đã phê duyệt hồ sơ đăng ký mở tài khoản ngân hàng mang tên Lê Văn Cảnh và Vũ Công Vinh.
Kết quả điều tra xác định, người này không biết Công sử dụng CMND giả mở tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi phạm tội và không được hưởng lợi nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.
Cơ quan điều tra đã xác minh đối với các tài khoản mở trên ứng dụng Shoppe, gồm 03 tài khoản bán hàng: "VubangBaoat_13", "gimiz9j7ur", "b1ch653b50" và 03 tài khoản mua hàng: "Mko_7b7s00", "Pb2a25oubc", “UongUyenyi_95" theo các đơn hàng 40 chiếc điện thoại trên, kết quả không có người nào có nhân thân như trên ở các địa chỉ mua và bán hàng.
Công an cũng tách tài liệu liên quan để tiếp tục xác minh, làm rõ đối tượng trực tiếp sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan chức năng, hành vi mua, bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng hiện nay diễn ra rất phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tội phạm liên quan đến lừa đảo, gian lận, đánh bạc…
Để tránh trở thành nạn nhân của các vụ việc mua bán tài khoản ngân hàng cho mục đích lừa đảo, người dân có thể áp dụng 4 biện pháp phòng ngừa. Đó là cần có biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân của mình. Không chia sẻ thông tin tài khoản ngân hàng, dữ liệu cá nhân với bất kỳ ai; đặc biệt, qua số điện thoại, hoặc qua mạng xã hội.
Bên cạnh đó, cần cẩn trọng đề nghị kiếm tiền dễ dàng liên quan đến việc thuê, bán tài khoản ngân hàng. Vì những đề nghị này thường là cái bẫy của các hoạt động lừa đảo...
Đỗ Mến