Mộ phần của Danh thần Huỳnh Côn - vị quan có nhiều công lao dưới thời nhà Nguyễn
Ngày 17-5, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết đã ban hành quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với mộ Thượng thư Huỳnh Côn (còn có tên gọi là Hoàng Côn), tọa lạc tại thôn Lệ Kỳ 1, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh.
Danh thần Huỳnh Côn (1850 - 1925), tự là Quang Dực, hiệu Hà Nguyên, xuất thân trong một gia đình nho học nghèo tại xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh. Ông đỗ tú tài năm 1867, cử nhân năm 1868 và đến năm 1877 (niên hiệu Tự Đức thứ 30), ông đỗ Phó bảng trong kỳ thi Hội.
Trong suốt gần nửa thế kỷ làm quan dưới triều Nguyễn, Huỳnh Côn từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, như: Phó lãnh binh, Khoa đạo, Phủ thừa, Án sát, Bố chánh, Phủ doãn, Tuần phủ, Tổng đốc rồi Thượng thư bộ Hộ, bộ Lễ. Đặc biệt, ông từng là Thái phó trong Phụ chánh đại thần - một vị trí quan trọng, trực tiếp dạy chữ Hán cho vua Duy Tân thời trẻ.
Được triều đình tin cậy, ông không chỉ tham gia công việc chính sự mà còn đóng vai trò quan trọng trong các kỳ thi chọn hiền tài cho đất nước. Năm 1908, ông được thăng chức Thự Hiệp biện Đại học sĩ - một danh vị cao quý trong triều đình thời đó.
Huỳnh Côn cũng là người có nhiều đóng góp cho lĩnh vực y dược và học thuật. Năm 1915, ông được giao biên soạn bộ sách "Trung Việt dược tính", góp phần hệ thống hóa kiến thức y học Đông - Tây. Sau khi về hưu, ông tiếp tục nghiên cứu văn hóa, lịch sử, để lại công trình khảo cứu có giá trị như "Chiêm Thành khảo", ghi dấu ấn sâu sắc trong giới học giả.
Về sáng tác, ông có tập thơ "Hà Nguyên thi cảo", đồng thời có nhiều bài đăng trên tạp chí Nam Phong - một trong những diễn đàn văn chương lớn đầu thế kỷ 20. Ông cũng sáng tác nhiều câu đối, hoành phi được bà con trân trọng treo tại nhà thờ dòng họ và trong các dịp lễ trọng.
Ông mất ngày 7 tháng Giêng năm Ất Sửu (1925), thọ 76 tuổi. Mộ phần của ông được an táng tại quê nhà và gìn giữ đến nay.
Việc xếp hạng mộ Huỳnh Côn là di tích lịch sử cấp tỉnh diễn ra đúng dịp con cháu dòng họ Hoàng tại làng Trung Bính (phường Bảo Ninh, TP Đồng Hới) tổ chức lễ giỗ 100 năm ngày mất của ông. Đây là một nghĩa cử thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với những đóng góp thầm lặng nhưng bền bỉ của bậc tiền nhân trong công cuộc xây dựng, gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc.
HOÀNG PHÚC