Mộc Châu khuyến khích chế biến và bảo quản nông sản

Mộc Châu khuyến khích chế biến và bảo quản nông sản
3 giờ trướcBài gốc
HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 thành lập từ năm 2000, gồm 13 thành viên, đến nay, phát triển lên 55 thành viên và liên kết với trên 200 hộ nông dân, sản xuất 110 ha cây trồng các loại. HTX nghiên cứu, đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị công nghệ hiện đại để chế biến, nâng cao giá trị nông sản, như: Công nghệ sấy lạnh, sấy hơi nước, sấy nhiệt các loại quả và sắp tới, HTX sẽ phát triển thêm công nghệ sấy chân không. HTX nghiên cứu, triển khai thành công dự án chế biến rượu từ những quả mận hậu tại địa phương. Sản phẩm rượu mận của HTX được tặng Huy chương vàng (2006) và Cúp vàng (2007) vì sức khỏe cộng đồng và đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và cấp mã số, mã vạch, được công nhận sản phẩm OCOP. Hiện nay, HTX sở hữu 6 sản phẩm OCOP, trong đó, có 3 sản phẩm đạt 4 sao; các sản phẩm sau chế biến của HTX được quảng bá trên các trang mạng điện tử, các cửa hàng, siêu thị giới thiệu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.
Ông Mai Đức Thịnh, Giám đốc HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5, cho biết: Hiện nay, HTX duy trì hoạt động xưởng chế biến các loại quả, gồm: Mận, hồng, lê... với diện tích rộng hơn 4.000 m2, công suất chế biến đạt từ 15-20 tấn quả tươi/ngày. Từ đầu năm đến nay, HTX đã tiêu thụ giúp bà con 500 tấn nông sản, gồm: Rau, quả các loại. Ngoài ra, HTX còn đầu tư kho lạnh rộng hơn 1.500 m2 để bảo quản nông sản với sức chứa tối đa lên tới 200 tấn. Nhờ đầu tư dây chuyền chế biến, HTX đã góp phần tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị nông sản địa phương.
Đóng gói mận hậu sấy tại HTX Nông nghiệp Quyết Thanh, Mộc Châu
Mong muốn mang đến cho khách hàng trải nghiệm được thưởng thức những quả mận hậu tươi ngon sau mùa mận, anh Nguyễn Thành Trung, thành viên HTX Kinh doanh dịch vụ du lịch nông nghiệp Châu Mộc đã triển khai thành công dự án bảo quản trái mận hậu tươi bằng công nghệ MAP (công nghệ sử dụng màng bảo quản chuyên dùng để bảo quản thực phẩm và hoa quả xuất khẩu) mà không cần sử dụng đến chất bảo quản. Với sự hướng dẫn của chuyên gia bảo quản Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, HTX đã đầu tư hệ thống kho lạnh rộng khoảng 100 m2, với sức chứa trên 30 tấn mận. HTX đã liên kết với hơn 20 hộ dân tại xã Tân Lập để cung ứng mận, giúp người dân tiêu thụ mận hậu với giá cao hơn từ 10-15% giá thị trường.
Anh Trung chia sẻ: Thời gian bảo quản dài hay ngắn phụ thuộc vào 3 yếu tố chất lượng mận đầu vào, nhiệt độ bảo quản và chất liệu màng bảo quản. Với việc bảo quản trái mận hậu tươi bằng công nghệ MAP, thời gian bảo quản quả mận tươi kéo dài lên 3 tháng. Vụ mận hậu năm nay, HTX đã bảo quản thành công 30 tấn quả mận hậu để bán ra thị trường với mức giá từ 26.000 – 40.000 đồng/kg, cao hơn mận chính vụ từ 3-5 lần.
Dịp lễ Quốc khánh 2/9 vừa rồi, mặc dù đã qua mùa mận hậu 3 tháng, nhưng gian hàng của HTX Kinh doanh dịch vụ du lịch nông nghiệp Châu Mộc tại Hội chợ triển lãm thương mại và nông sản an toàn 2024 vẫn bày bán những trái mận chín đỏ, tươi rói như mận chính vụ.
Sản phẩm mận hậu của HTX Kinh doanh dịch vụ du lịch nông nghiệp Châu Mộc.
Chị Đặng Thị Tố Quyên, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: Mặc dù đã hết mùa mận, nhưng lên Mộc Châu dịp này, tôi không ngờ vẫn được thưởng thức những trái mận tươi ngon, chất lượng không hề khác biệt so với trong chính vụ.
Mộc Châu hiện có trên 10.000 ha cây ăn quả, sản lượng quả các loại đạt trên 61 nghìn tấn/năm. Với mục tiêu kéo dài thời gian bảo quản nông sản, huyện Mộc Châu đã tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao; các giải pháp trong giải quyết các vấn đề môi trường trong sơ chế, chế biến nông sản; xây dựng và phát triển HTX, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp để khâu nối giữa nông dân và các doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Sản phẩm hồng sấy dẻo của HTX Nông nghiệp Quyết Thanh.
Ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu, cho biết: Triển khai Đề án số 01 ngày 15/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mộc Châu về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025, huyện khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, cơ sở đầu tư nâng cấp dây chuyền máy móc hiện đại gắn với vùng nguyên liệu tập trung chất lượng cao. Đến nay, toàn huyện đã có 30 cơ sở đầu tư trang thiết bị trong sơ chế, chế biến, 19 cơ sở đầu tư kho lạnh trong bảo quản nông sản với tổng diện tích trên 2.000 m2, quy mô sức chứa đạt trên 2.500 tấn. Huyện đã tổ chức rà soát hỗ trợ thiết bị, máy móc cho 3 cơ sở trong sản xuất, chế biến nông sản với tổng số tiền hỗ trợ trên 670 triệu đồng. Việc thực hiện các đề án hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị đã khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị mới, tiên tiến vào sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản là xu thế tất yếu. Với sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự năng động, chủ động của các doanh nghiệp, HTX và người nông dân, công nghiệp chế biến nông sản ở vùng đất cao nguyên ngày càng phát triển, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Mộc Châu trên thị trường trong và ngoài nước.
Linh Trang (CTV)
Nguồn Sơn La : https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/moc-chau-khuyen-khich-che-bien-va-bao-quan-nong-san-pedYIoRNR.html