Bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của cánh đồng An Nhứt nhìn từ trên cao. Ảnh: Đặng Thúy
Khám phá “thiên đường ẩm thực”
Cung đường đi qua cánh đồng xã An Nhứt được hoàn thành trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với chiều dài 20km. Mặt đường rộng 5m men theo con mương thủy lợi nối từ quốc lộ 55 đến đường trục chạy qua xã Tam Phước. Cánh đồng lúa An Nhứt là điểm đến nổi tiếng, thu hút khách du lịch bốn phương, đặc biệt là vào mùa lúa chín. Những đồng lúa bát ngát, trải dài màu vàng rực rỡ tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt vời mà không phải nơi nào cũng có được. Chính vì thế, khi nơi đây được quy hoạch trở thành khu ẩm thực chợ quê thì nó trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách vừa muốn hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp, vừa muốn khám phá ẩm thực độc đáo của địa phương.
Chợ quê An Nhứt nằm ngay trên con đường nội đồng, một bên là cánh đồng lúa xanh ngát, một bên là kênh dẫn nước để tưới tiêu, không khí mát mẻ, trong lành. Chợ hoạt động từ khoảng 16 giờ đến 22 giờ hàng ngày, đặc biệt là hai ngày cuối tuần, lượng khách ghé đến rất đông, ô tô xếp hàng dài hơn 2km. Khu ẩm thực có gần 70 gian hàng với đa dạng các món ăn như gỏi cuốn, bánh khọt, bánh hỏi, chuối nướng, khoai mì, bánh mì chả cá... với mức giá bình dân chỉ từ 5.000 đến 25.000 đồng. Khu ẩm thực An Nhứt được nhiều thực khách tìm đến bởi có không gian thoáng mát, phong cảnh bình yên, nên thơ giữa con đường nội đồng. Người dân địa phương đã đầu tư không gian và bối cảnh của làng quê để nó trở nên thân thiện, hấp dẫn du khách. Bàn ăn được người dân làm từ các cuộn rơm, gợi nhớ đến những hoài niệm tuổi thơ, mang lại trải nghiệm thú vị cho du khách khi thưởng thức các món ăn đồng quê.
Anh Nguyễn Văn Tuyền (27 tuổi, quê ở Sóc Trăng) cho biết, anh tìm đến chợ quê An Nhứt vì thấy thông tin về chợ đang “sốt sình sịch” trên mạng xã hội. Anh chia sẻ, trước đó, mô hình ẩm thực này đã hoạt động từ đầu năm 2024, khá đặc biệt bởi nó tọa lạc trên con đường nằm giữa cánh đồng lúa xanh mướt. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3/2024, chợ phải tạm dừng do chưa đảm bảo các giải pháp an toàn. Sau thời gian tạm dừng để khắc phục những giải pháp an toàn về giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường..., mới đây, chợ ẩm thực quê này chính thức hoạt động trở lại với 67 gian hàng của người dân địa phương. Tìm hiểu được thông tin này, ngay lập tức, anh Tuyền đã đến tham quan và trải nghiệm tại đây. “ Phải nói rằng, mình ấn tượng ngay từ lúc đầu khi đến với chợ quê này, bởi không gian thoáng mát, trong lành và cùng cánh đồng lúa xanh bát ngát làm mình nhớ lại ký ức tuổi thơ. Đặc biệt, các món ăn ở đây mang hương vị của quê nhà, dân dã mà hấp dẫn” - anh Tuyền hào hứng chia sẻ.
Cũng lần đầu đến chợ quê An Nhứt, chị Nguyễn Thị Thu (ở thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, chợ quê khiến chị nhớ về ký ức thuở xưa khi thường xuyên được bà cho đi chợ ở làng. “Được trải nghiệm không gian chợ quê khiến tôi rất thích thú. Bà con bán hàng ở đây cũng rất thân thiện, thật thà, chất phác, đồ ăn ngon và rẻ. Nhất định tôi sẽ giới thiệu cho nhiều bạn bè đến đây để cùng trải nghiệm” - chị Thu cho biết.
Không chỉ anh Tuyền, chị Thu, mà rất nhiều gia đình ở trong và ngoài tỉnh, tranh thủ ngày cuối tuần đều đến đây tham quan, vui chơi, thưởng ngoạn khu ẩm thực giữa cánh đồng thơm hương lúa mới. “Được thưởng thức nhiều món ăn ngon của người địa phương trong không gian thoáng đãng, khí hậu mát mẻ, lại được ngắm hoàng hôn của buổi chiều tà, quả thực là thiên đường đối với gia đình tôi” - anh Phạm Quốc Hoàn, quê ở Long An nói.
Tạo sinh kế cho hộ nghèo
An Nhứt là xã thuần nông nên thu nhập, đời sống kinh tế của nhiều hộ dân trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài làm nông, nhiều hộ dân có cả gia đình làm công nhân tại các công ty có trụ sở trên địa bàn xã. Tuy nhiên, trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, có công ty đã phá sản và dừng hoạt động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế của các công nhân tại địa phương. Khi xây dựng ý tưởng làm chợ, chính quyền xã An Nhứt có mong muốn tạo điều kiện để các hộ nghèo, người lớn tuổi, công nhân vừa mất việc làm vào chợ bán hàng để có thu nhập ổn định.
Những ngày cuối tuần, rất đông người dân và du khách đổ về trải nghiệm chợ quê. Ảnh: Đặng Thúy
Phiên đầu tiên chợ quê An Nhứt đi vào hoạt động là vào tháng 1/2024, với 22 hộ dân chính thức tham gia, bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Họ là hộ nghèo, công nhân, người lao động không có việc làm ổn định hoặc vừa bị mất việc làm. Chợ ngày một đông, hút khách, hoạt động cũng ngày càng quy củ hơn. Mỗi buổi chợ có khoảng 600 thực khách khắp nơi đến thưởng thức. Tất bật nướng bánh tráng trộn, một hộ kinh doanh tại chợ cho biết: “Tôi rất vui khi chợ được phép hoạt động trở lại, tạo điều kiện cho hộ khó khăn như chúng tôi có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống”.
Càng về chiều, càng đông người kéo đến thưởng thức các món ăn bên cánh đồng khiến không khí buổi chợ quê càng thêm nhộn nhịp, nhiều quầy thực khách ngồi kín chỗ. Theo Hợp tác xã vận hành khu chợ, đang có gần 70 quầy hàng hoạt động kinh doanh buôn bán, tăng gần gấp 3 so với trước đây. Khách đông nên một số gian hàng sớm hết thức ăn. Khoảng 7 giờ tối, đã có gian hàng ngừng buôn bán, dọn dẹp vì bán hết sạch hàng. Được biết, các hộ kinh doanh không phải đóng chi phí mặt bằng, mà chỉ đóng một khoản tiền nhỏ (75.000 đồng/ngày) để trông giữ xe; dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu ẩm thực.
Bà Nguyễn Thị Lụa (xã An Nhứt) cho biết: "Mỗi ngày, tôi bán các món ăn vặt như bắp nướng, chuối nướng, bánh tráng nướng, thu nhập từ 200.000-500.000 đồng. Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để người dân nghèo được buôn bán mà không phải đóng phí mặt bằng. Chúng tôi rất vui và sẽ cố gắng duy trì để có thêm thu nhập, ngoài ra còn góp phần quảng bá nét đẹp, nét văn hóa ẩm thực của địa phương”.
Chủ tịch UBND xã An Nhứt Nguyễn Tường Thành cho biết, chợ ẩm thực đang bước đầu tạo nguồn thu nhập mới cho người bán hàng. UBND xã thường xuyên tuyên truyền, vận động người kinh doanh các mặt hàng ăn uống bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức thu gom rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường; tăng cường kiểm tra, giám sát và hỗ trợ bà con. Chính quyền xã cũng yêu cầu các hộ cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ gìn an ninh trật tự và đặc biệt là đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, trang trí quầy hàng để thu hút khách du lịch gần xa đến với địa phương.
Chủ tịch UBND xã An Nhứt nhấn mạnh: "Thời gian tới, chúng tôi cũng tính toán tới việc kéo điện, nước riêng, cũng như có những giải pháp khắc phục khi mùa mưa tới, thời tiết xấu để duy trì hoạt động của chợ, đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân và du khách”.
Đặng Thúy