Toàn cảnh Hội nghị Geneva 1954
Với những thắng lợi to lớn của quân và dân Việt Nam trên chiến trường, cuối năm 1953, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận đối ngoại nhằm tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chống thực dân của nhân dân Việt Nam, phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân năm 1953 - 1954 để đi tới chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và toàn Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi nhân dân Pháp sát cánh cùng nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp vì lợi ích chung của hai nước là độc lập, tự do, dân chủ và hòa bình. Người cũng tán thành Nghị quyết yêu cầu chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương của Hội đồng Hòa bình thế giới (tháng 11/1953).
Đúng một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ngày 8/5/1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ bắt đầu bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trải qua 75 ngày đàm phán căng thẳng và phức tạp với 31 phiên họp các cấp, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết vào ngày 21/7/1954. Cùng với bản Tuyên bố về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương, bản Hiệp định đình chiến ở Việt Nam đã khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, quy định không đưa quân đội và nhân viên quân sự nước ngoài vào Việt Nam, xác định các giới tuyến quân sự chỉ có tính tạm thời và sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do...
Ngày 22/7/1954, trong “Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Giơ-ne-vơ thành công”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Hội nghị Giơnevơ đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to”. Với Hiệp định Sơ bộ năm 1946, Việt Nam mới chỉ được công nhận là một quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp, thì với Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã được khẳng định trong một điều ước quốc tế. Đây là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử to lớn, kết tinh thành quả đấu tranh quật cường và bền bỉ của quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.
Cùng với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam, chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam, mở ra cục diện chiến lược mới của cách mạng Việt Nam. Đó là, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng và tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc để tiến tới thực hiện trọn vẹn mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Về đối ngoại, Hội nghị Giơ-ne-vơ là hội nghị quốc tế đa phương lớn đầu tiên Việt Nam tham dự để đàm phán và ký kết điều ước quốc tế với sự tham gia trực tiếp của các cường quốc. Trong lần tham dự đầu tiên này, Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế một quốc gia độc lập, có chủ quyền và yêu chuộng hòa bình, mà còn thể hiện sáng ngời tâm thế, trí tuệ, bản lĩnh và cốt cách của một dân tộc hòa hiếu có bề dày hàng nghìn năm văn hiến với ý chí quật cường bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Bên cạnh đó, thắng lợi của Việt Nam tại Hội nghị Giơ-ne-vơ đã tạo nguồn cảm hứng và cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa trên khắp năm châu vì độc lập, tự do, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Từ năm 1954 đến năm 1964, có đến 17/22 thuộc địa của Pháp giành được độc lập; riêng trong năm 1960, có tới 17 nước châu Phi tuyên bố độc lập.
Cùng với Hiệp định Sơ bộ năm 1946 và Hiệp định Pa-ri năm 1973, Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 là một mốc son trong lịch sử của ngoại giao cách mạng Việt Nam, mang đậm dấu ấn tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ chứa đựng nhiều bài học sâu sắc, thể hiện bản sắc độc đáo của trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, được kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Pa-ri năm 1973 cũng như trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đó là các bài học về: kiên định độc lập, tự chủ trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại dựa trên nền tảng gắn kết đại đoàn kết toàn dân tộc với đoàn kết quốc tế. Kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song cơ động, linh hoạt trong sách lược theo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, sử dụng đối thoại và đàm phán hòa bình để giải quyết bất đồng, xung đột trong quan hệ quốc tế. Đặc biệt coi trọng nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình để có những quyết sách đối ngoại đúng đắn.
Kỷ niệm 71 năm Ngày ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ là dịp ôn lại và làm sâu sắc hơn tầm vóc, ý nghĩa của một mốc son lịch sử hào hùng của dân tộc và nền ngoại giao Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và ý chí, nỗ lực vươn lên của thế hệ hôm nay. Phát huy truyền thống vẻ vang của ngoại giao Việt Nam và tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ, toàn ngành ngoại giao cùng các ngành, các cấp dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, nỗ lực xây dựng ngành ngoại giao vững mạnh toàn diện, hiện đại, đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
B.T