Điều 33 Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025 nêu rõ, lực lượng bảo vệ dữ liệu cá nhân bao gồm: Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân thuộc Bộ Công an;
Bộ phận, nhân sự bảo vệ dữ liệu cá nhân trong cơ quan, tổ chức; Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân; Tổ chức, cá nhân được huy động tham gia bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chỉ định bộ phận, nhân sự đủ điều kiện năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân hoặc thuê tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Chính phủ quy định về điều kiện, nhiệm vụ của bộ phận, nhân sự bảo vệ dữ liệu cá nhân trong cơ quan, tổ chức; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân; dịch vụ xử lý dữ liệu cá nhân.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định mới về bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với dữ liệu vị trí cá nhân, dữ liệu sinh trắc học. Theo Điều 31 Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025, dữ liệu vị trí cá nhân là dữ liệu được xác định thông qua công nghệ định vị để biết vị trí và giúp xác định con người cụ thể.
Dữ liệu sinh trắc học là dữ liệu về thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học cá biệt và ổn định của một người để xác định người đó.
Về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với dữ liệu vị trí cá nhân, Luật quy định, không áp dụng việc theo dõi định vị qua thẻ nhận dạng tần số vô tuyến và các công nghệ khác, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu cá nhân hoặc trường hợp có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc trường hợp pháp luật có quy định khác;
Tổ chức, cá nhân cung cấp nền tảng ứng dụng di động phải thông báo cho người sử dụng về việc sử dụng dữ liệu vị trí cá nhân; có biện pháp ngăn chặn việc thu thập dữ liệu vị trí cá nhân của tổ chức, cá nhân không liên quan; cung cấp cho người sử dụng các tùy chọn theo dõi vị trí cá nhân.
Về việc bảo vệ dữ liệu sinh trắc học, cơ quan, tổ chức, cá nhân thu thập và xử lý dữ liệu sinh trắc học phải có biện pháp bảo mật vật lý đối với thiết bị lưu trữ và truyền tải dữ liệu sinh trắc học của mình; hạn chế quyền truy cập vào dữ liệu sinh trắc học; có hệ thống theo dõi để phòng ngừa, phát hiện hành vi xâm phạm dữ liệu sinh trắc học;
Trường hợp xử lý dữ liệu sinh trắc học gây thiệt hại cho chủ thể dữ liệu cá nhân thì tổ chức, cá nhân thu thập và xử lý dữ liệu sinh trắc học phải thông báo cho chủ thể dữ liệu cá nhân đó theo quy định.
Trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân 2025 và quy định khác của pháp luật có liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân thì tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi mua, bán dữ liệu cá nhân là 10 lần khoản thu có được từ hành vi vi phạm. Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức có hành vi vi phạm quy định chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới là 5% doanh thu của năm trước liền kề của tổ chức đó.
Huệ Linh