Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP HCM, từ 1-1-2020 đến 30-6-2024, tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN ở TP là 710.324 người. Trong đó, có 690.711 người có quyết định hưởng và 43.888 người chấm dứt hưởng. Số người thông báo tình trạng việc làm hàng tháng là 2.782.503 lượt, số làm thủ tục chuyển nơi hưởng TCTN đến địa phương khác là 2001 người.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm DVVL TP, cho hay thời gian hưởng TCTN của người lao động tối thiểu 3 tháng, tối đa 12 tháng. Trung bình một đợt hưởng TCTN, một người lao động sẽ phải đến Trung tâm DVVL từ 3-14 lần, trong khi số lượng người làm thủ tục đông đã gây áp lực rất lớn cho trung tâm trong việc tiếp, xử lý hồ sơ.
Mỗi đợt hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải đến Trung tâm dịch vụ việc làm từ 3-14 lần
Thực hiện Đề án 06/QĐ-TTg của Chính phủ, từ năm 2022, Trung tâm DVVL TP đã tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng TCTN trực tuyến trên Cổng dịch vụ công (DVC) Quốc gia. Đến năm 2023 vừa tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên Cổng DVC Quốc gia và vừa qua Cổng DVC TP HCM. Tuy nhiên, điều này lại không phù hợp quy định của Luật Việc làm hiện hành và dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), bởi cả 2 văn bản đều quy định người lao động phải nộp hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm DVVL.
Do đó, nếu người lao động nộp hồ sơ trực tiếp, Trung tâm DVVL vẫn phải thực hiện cập nhật thông tin lên cổng DVC. Trong khi nguồn lực có hạn, cán bộ trung tâm còn phải thực hiện các chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề, phê duyệt hồ sơ hưởng TCTN… nên quá tải công việc.
Từ những bất cập trên, bà Thục đề nghị khi sửa đổi Luật Việc làm nên quy định thống nhất hình thức nộp hồ sơ là trực tiếp hay trực tuyến. Nếu thực hiện cả 2 hình thức như hiện tại sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi thực hiện.
Ths Hoàng Thị Minh Tâm, Giảng viên Trường ĐH Luật TP HCM, cho rằng nên cân nhắc đối với yêu cầu người lao động trực tiếp nộp hồ sơ hưởng TCTN để phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH và Quyết định số 1333/QĐ-BHXH về quy trình số hóa hồ sơ giấy tờ, thủ tục hành chính của BHXH Việt Nam.
Theo bà Tâm, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nhận hồ sơ và ban hành các quyết định về bảo hiểm thất nghiệp là xu hướng chung tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việc buộc người lao động trực tiếp nộp hồ sơ là khá cứng nhắc, cần bổ sung quy định về việc nộp hồ sơ trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và phù hợp với tinh thần của các văn bản nêu trên.
Để tạo thuận lợi cho người lao động trong việc hưởng chế độ, đồng thời giảm áp lực cho cơ quan thực thi, Ths Nguyễn Tất Năm, nguyên Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - BHXH Sở LĐ-TB-XH TP HCM, kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH và Chính phủ tích hợp, đồng bộ giữa Cổng DVC Quốc gia và Cổng DVC trực tuyến TP HCM để người lao động chỉ nộp hồ sơ giải quyết hưởng trợ cấp trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia (thuộc Văn phòng Chính phủ quản lý).
Đồng thời, triển khai các công nghệ mới, cũng như khuyến nghị chính sách hỗ trợ việc số hóa quy trình, hồ sơ hưởng TCTN; Sửa đổi điều kiện và hồ sơ hưởng TCTN theo hướng đơn giản hóa vì các dữ liệu của người lao động đã được các cơ quan thu thập khi tham gia BHTN.
Bên cạnh đó, chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm cần đa dạng, có sự kết nối trong hệ thống thị trường lao động cùng với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, chuyên gia tư vấn về việc làm cả trực tuyến và ngoại tuyến tạo thuận lợi cho người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận, thụ hưởng và nhanh chóng tham gia vào thị trường lao động…
Quy định trong thời gian hưởng TCTN, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo với Trung tâm DVVL về tìm kiếm việc làm được kế thừa từ Luật Việc làm 2013. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh hiện tại thì quy định này không còn phù hợp. "Cần có sự linh hoạt giữa hình thức thông báo trực tiếp và trực tuyến nhằm tạo thuận lợi cho người lao động trong thời gian hưởng TCTN; đảm bảo tuân thủ nguyên tắc việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, đảm bảo kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia" - bà Tâm kiến nghị.
MAI CHI