Tổ Tsongkhapa: Di sản của Triết gia - Thành tựu giả Phật giáo Tạng truyền

Tổ Tsongkhapa: Di sản của Triết gia - Thành tựu giả Phật giáo Tạng truyền
9 ngày trướcBài gốc
Tsongkhapa Losang Drakpa (1357–1419), tổ kiến lập tông phái Geluk truyền thống Phật giáo Tạng truyền. Truyền thống tư tưởng và phương pháp tu trì mà tổ sáng lập có ảnh hưởng sâu rộng khắp các nước trên rặng Himalaya, Mông Cổ và lan tỏa tới nhiều quốc gia, vùng miền khác.
Ngài Đạt lai Lạt ma tán thán tổ Tsongkhapa là Bồ tát Long Thọ thứ hai, với những giáo pháp có ảnh hưởng rộng tới tận ngày nay. Ngài được tôn vinh là một triết gia, một thiền sư, học giả, Thành tựu giả và nhà cải cách Phật giáo. Bộ sách này chia làm ba phần, phần thứ nhất: phân tích Tổ Tsongkhapa với tư cách là triết gia với những tư tưởng sâu sắc về Trung Quán và Hiển giáo; phần thứ hai: phân tích Tổ Tsongkhapa với tư cách là Thành tựu giả Mật thừa và phần thứ ba với tư cách là một bậc thày Phật giáo có tầm ảnh hưởng sâu rộng về tư tưởng và phương pháp tu trì.
“Một trong những Thành tựu giả - học giả vĩ đại nhất trong lịch sử Phật giáo Tạng truyền, những đóng góp của Jé Tsongkhapa cho tư tưởng Phật giáo Đại thừa và Mật thừa vẫn chưa được đặt ở vị trí xứng tầm. Tôn giả Tsongkhapa luận giảng các quan điểm Trung Quán cùng những tư tưởng và phương pháp tu trì trong Mật thừa, đồng thời tích hợp thành các thứ lớp tu tập từ Hiển giáo tới Mật giáo. Bộ sách này khái quát toàn bộ hệ thống tư tưởng của ngài thông qua sự đóng góp của các học giả uyên bác sâu sắc nhất trong tông phái Phật giáo Geluk.”
Tập sách này được biên soạn từ buổi hội đàm quan trọng tập trung vào di sản trí tuệ của triết gia, hành giả và Thành tựu giả, Lạt ma Tsongkhapa (1357-1419). Với chủ đề "Tôn giả Jé Tsongkhapa: Cuộc đời, Tư tưởng và Di sản", buổi hội đàm kỷ niệm 600 năm từ ngày Tsongkhapa viên tịch và được tổ chức vào ngày 21-23/12/2019, tại tự viện Ganden ở Mundgod, Ấn Độ.
Phần một bộ sách thảo luận tư tưởng Trung Quán - Madhyamaka, một suy tư về những đóng góp rất quan trọng và nổi bật của Tsongkhapa đối với tư tưởng triết học Ấn Độ.
Bài luận đầu tiên, “Phát triển tư tưởng Trung Quán của Tsongkhapa” của Guy Newland, cung cấp phần giới thiệu trực tiếp và rõ ràng về cách diễn giải triết họcTrung Quán của Tsongkhapa, đặc biệt những luận giải làm sáng tỏ những đóng góp và phát triển của luận sư Nguyệt Xứng- Candrakīrti cho học thuyết Trung Quán.
Bài luận thứ hai, "Tôn vinh Jé Tsongkhapa: phân tích hai thuộc tính của đối tượng đến thể nhập quan điểm về Bản thể" của Tiến sĩ Dechen Rochard phân tích luận giải của Tsongkhapa về sự phủ nhận sự tồn tại chân thực về bản thể cá nhân theo quan điểm của luận sư Nguyệt Xứng.
Bài luận chứng minh rõ ràng tính trung tâm của quan điểm về bản ngã của người thực hành trên con đường đạo giải thoát. Trong bài thứ ba, "Suy tư vượt trên dòng tư tưởng: Quan điểm của Tsongkhapa và Mipham về thực tại tối thượng được Khái niệm hóa", Jay L. Garfield khám phá quan điểm của Tsongkhapa về bản chất của thực tại tối thượng, cụ thể là lập luận của Tsongkhapa cho rằng nếu muốn liễu ngộ tự tính thực tại thì đòi hỏi phải chuyển hóa từ nhận thức suy luận sang nhận thức trực tiếp về tính không. Bài luận đưa ra lập luận phải có những phân tích triết học chính xác trong các pháp hành thiền để có thể trực nhận về tự tính bản ngã và thực tại. Đây là mục đích của việc tu trì các nghi quỹ tu tập Mật tạng. Bài khảo sát liệt kê chín điểm cần thiết để dung hợp giữa lý luận Phật giáo và các phương pháp tu trì tương ứng.
Phần thứ hai của tập sách này được dành trọn để phân tích riêng các bộ luận của Tsongkhapa về Phật giáo Mật tông. Trong chương đầu tiên về “Luận giảng thiện xảo của Tsongkhapa về Mật Pháp Thắng Lạc Kim cương - Cakrasaṃvara", tác giả làm sáng tỏ cách tiếp cận của Tsongkhapa đối với văn học Phật giáo Mật tông thông qua việc phân tích bộ Mật pháp Tối thượng Thắng Lạc Kim cương - Cakrasaṃvara.
Chương tiếp theo, tác giả Gavin Kilty phân tích bộ luận "Ngọn đèn soi sáng năm thứ lớp trên đại lộ hành trì Phật pháp: những luận giảng có tính cách mạng của Tsongkhapa về bộ Mật pháp Tối thượng Mật Tập Kim cương - Guhyasamāja". Đầu tiên, tác giả Kilty khảo sát các truyền thống hành trì Mật Tập Kim cương - Guhyasamāja trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ và quá trình truyền bá bộ Mật pháp này đến Tây Tạng.
Có hai truyền thống tu tập Mật Tập Kim cương phổ biến trong lịch sử Ấn Độ là tông phái Ārya và J.ānapāda. Sau khi phác thảo cách tiếp cận của Tsongkhapa đối với các phương pháp tu trì bộ Mật pháp Mật Tập Kim cương - Guhyasamāja, tác giả luận giải kỹ càng các khái niệm và thứ lớp tu tập trong giai đoạn phát sinh và giai đoạn thành tựu.
Chương thứ bảy: "Hình ảnh thiền sư Huệ Năng: Tsongkhapa luận giảng về Thiền, giáo pháp Đại Toàn Thiện - Dzokchen và Đại Thủ ấn - Mahāmudrā" do tác giả Roger R. Jackson viết. Trong chương này, Jackson viết về quá trình Tsongkhapa thọ nhận, tu trì và bí mật truyền trao các hướng đạo Mật truyền về các phương pháp thiền cao cấp giúp nhận ra tự tính tâm và sự tỉnh giác.
Tập sách với phần cuối cùng tìm hiểu di sản và tác động của tổ Tsongkhapa ở Tây Tạng và nhiều vùng miền trên răng Himalaya. Phần này mở đầu với bài luận "Đóng góp của Tsongkhapa đối với phương pháp biện kinh trong Phật giáo” của Geshé Ngawang Samten. Các phương pháp thảo luận, tranh biện kinh văn Phật giáo là một nét vô cùng đặc sắc trong Phật giáo Tạng truyền. Chương thứ chín: "Giá trị của biện kinh trong tư tưởng Tsongkhapa và việc nuôi dưỡng Trí tuệ Ba La mật", do tác giả Gareth Sparham đóng góp, tập trung luận giải vào diễn giải văn học Trí tuệ Bát nhã trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ và Tây Tạng. Chương thứ mười: "Giáo pháp của Tôn giả Jé Tsongkhapa và dịch thuật kinh văn tại Mông Cổ” của tác giả Bataa Mishig-Ish. Tác giả khảo sát quá trình truyền bá các luận giảng của Tsongkhapa sang Mông Cổ. Chương cuối cùng là "Tu học, nuôi dưỡng và truyền giảng Bồ đề tâm: Đóng góp của Jé Tsongkhapa trong việc nuôi dưỡng tâm từ bi trên Thế giới" của Tỳ Kheo ni Thubten Chodron. Chodron lập luận rằng cách tiếp cận của Tsongkhapa trong việc nuôi dưỡng và giảng dạy lòng từ bi đặc biệt phù hợp với bối cảnh phương Tây hiện đại.
Mặc dù tập sách nghiên cứu Phật học này vẫn chưa phân tích toàn diện hết được những ảnh hưởng của các bộ luận của Tsongkhapa ở Tây Tạng và nhiều quốc gia khác nhưng đã thúc đẩy sự nhận thức sâu sắc hơn về di sản trí tuệ của Tsongkhapa trong các quốc gia nói tiếng Anh ngày nay bởi vì tư tưởng của ngài vẫn chưa được đặt ở vị trí xứng tầm trong lịch sử tôn giáo châu Á, không giống như ở các quốc gia trên rặng Himalaya, nơi vị thế của ngài đã được tôn vinh ở vị trí xứng tầm trong suốt chiều dài lịch sử.
Bộ sách có độ dài 264 trang, ngôn ngữ tiếng Anh, được nhà xuất bản Wisdom Pub. xuất bản vào ngày 22/10/2024.
La Sơn Phúc Cường dịch
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/to-tsongkhapa-di-san-cua-triet-gia-thanh-tuu-gia-phat-giao-tang-truyen.html