Các nhà khoa học tại ClimaMeter chỉ ra rằng biến đổi khí hậu đã làm Nam California nóng hơn vài độ, khô hơn 15%, và gió mạnh hơn 20%. Những thay đổi này tạo ra điều kiện hoàn hảo cho các vụ cháy rừng không chỉ bùng phát dữ dội mà còn lan rộng một cách nguy hiểm.
Vụ cháy gần đây tại Los Angeles đã thiêu rụi hàng nghìn công trình, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và đẩy lực lượng cứu hỏa vào tình trạng căng thẳng cực độ.
Đây là kết quả của nhiều nguyên nhân, nhưng nghiên cứu nhấn mạnh hai nguyên nhân chính liên quan trực tiếp đến biến đổi khí hậu: bầu khí quyển nóng hơn giữ độ ẩm và sự thay đổi khắc nghiệt giữa các giai đoạn ẩm ướt và khô hạn.
Cảnh hoang tàn do đám cháy Palisades để lại ở khu phố cao cấp Pacific Palisades của Los Angeles, California vào ngày 9 tháng 1 năm 2025. (Ảnh do AP cấp bản quyền, không phát hành lại)
Khi đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, khí nhà kính được thải ra làm bầu khí quyển nóng lên. Theo nguyên lý vật lý, không khí nóng hơn sẽ giữ được nhiều độ ẩm hơn nhưng điều này cũng làm tăng sự "khát" của khí quyển. Không khí hút độ ẩm từ cây cỏ và thực vật, khiến chúng trở nên khô và dễ cháy hơn.
Những vùng cây cỏ khô này trở thành nhiên liệu lý tưởng cho các vụ cháy rừng. Điều này giải thích tại sao các đám cháy ở Nam California có xu hướng lan nhanh hơn và dữ dội hơn khi so với các thập kỷ trước.
Biến đổi khí hậu còn dẫn đến các điều kiện thời tiết ngày càng cực đoan. Hai mùa đông gần đây ở Nam California là những mùa đông ẩm ướt nhất từng được ghi nhận, gây ra lũ lụt và làm thảm thực vật, bụi rậm mọc dày. Nhưng ngay sau đó, mùa hè năm ngoái đã trở thành mùa hè nóng nhất trong lịch sử bang này, làm khô cạn toàn bộ lượng cây cỏ từng phát triển mạnh.
Đáng lo ngại hơn, từ tháng 9 đến nay, Nam California trải qua mùa đông khô hạn nhất lịch sử. Sự tương phản giữa các điều kiện thời tiết đã tạo ra chuỗi cung ứng lý tưởng cho thảm họa: thảm thực vật phát triển mạnh vào mùa ẩm trở thành nhiên liệu dễ cháy khi mùa khô đến.
Daniel Swain, nhà khoa học khí hậu tại Đại học California, Los Angeles, giải thích: "Sự trùng lặp giữa mùa thực vật đủ khô và gió Santa Ana mạnh đã dẫn đến hậu quả tàn khốc mà chúng ta đang chứng kiến. Nếu lượng mưa trong các tuần hoặc tháng trước đó đủ lớn, mức độ tàn phá sẽ không nghiêm trọng như hiện tại".
Gió Santa Ana, một hiện tượng tự nhiên xảy ra hàng năm, đóng vai trò như chất xúc tác khiến các vụ cháy rừng bùng phát dữ dội hơn. Khi gió mạnh kết hợp với các điều kiện khô nóng do biến đổi khí hậu, mức độ nguy hiểm tăng lên đáng kể.
Số liệu thống kê càng làm rõ tác động của biến đổi khí hậu: trong số 20 vụ cháy rừng tàn phá lớn nhất lịch sử California, có đến 15 vụ xảy ra chỉ trong vòng 10 năm qua. Những con số này không chỉ phản ánh xu hướng gia tăng mà còn cảnh báo về tương lai của các cộng đồng tại đây.
Ngọc Ánh (theo Nbclosangeles, Euronews)