Một chiếc F-35 do Mỹ sản xuất. Để chế tạo một chiếc máy bay chiến đấu hiện đại như F-35, Lockheed Martin cần nhiều loại nguyên tố đất hiếm khác nhau. Ảnh: Reuters.
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp các mức thuế cao kỷ lục đối với Trung Quốc, nhiều chuyên gia đã nhận thấy tác động của “cuộc chiến thương mại” sẽ không dừng ở phạm vi kinh tế mà lan sang các lĩnh vực khác.
Giới quốc phòng Mỹ không mất nhiều thời gian để nhận ra điều này. Hồi đầu tháng 4, Trung Quốc tuyên bố thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với 7 nguyên tố đất hiếm. Đây là những nguyên liệu quan trọng với ngành công nghiệp vũ khí, đặc biệt là các loại vũ khí hiện đại.
“Với việc hạn chế tiếp cận với các loại khoáng sản thiết yếu, Trung Quốc có khả năng gây ra tác động nghiêm trọng với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ nói riêng và gây nguy hại tới tham vọng ‘tái công nghiệp hóa’ của chính quyền Trump nói chung”, tiến sĩ William Matthews, chuyên gia chương trình châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Chatham (Anh), đánh giá.
Nguy cơ trước mắt
Các nguyên tố đất hiếm đóng vai trò quan trọng trong nhiều loại vũ khí hiện đại của Mỹ - từ máy bay tiêm kích F-35, các lớp tàu ngầm Virginia và Columbia, tên lửa Tomahawk, UAV MQ-1 Predator, các loại radar, bom thông minh…
Ví dụ, một chiếc F-35 chứa hơn 400 kg nguyên tố đất hiếm. Tàu khu trục lớp Arleigh Burke đòi hỏi hơn 2,3 tấn, trong khi tàu ngầm lớp Virginia có tới hơn 4 tấn nguyên tố đất hiếm.
Dysprosium - một trong bảy nguyên tố bị Mỹ hạn chế xuất khẩu vừa qua - được sử dụng để sản xuất động cơ chịu nhiệt trong máy bay F-35. Yttrium, cũng nằm trong danh sách của Trung Quốc, là nguyên liệu cần thiết cho động cơ máy bay, các loại laser có động chính xác cao hay radar tần số cao.
Một trong những lo ngại lớn nhất của giới quân sự Mỹ là ảnh hưởng của lệnh hạn chế đất hiếm lên chương trình chế tạo F-47 - mẫu tiêm kích tối tân mới được công bố hồi cuối tháng 3.
Tới nay, thiết kế cụ thể của F-47 vẫn chưa được Mỹ công bố. Tuy nhiên, giống với các loại vũ khí hiện đại khác, F-47 chắc chắn đòi hỏi lượng lớn đất hiếm trong khâu sản xuất.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi lễ giới thiệu mẫu tiêm kích tối tân F-47 tại Nhà Trắng hồi cuối tháng 3. Ảnh: Reuters.
Theo hãng tư vấn SFA (Oxford), các loại máy bay tàng hình như F-47 cần một số nguyên tố đất hiếm như neodymium, praseodymium, dysprosium và terbium để phục vụ các cấu phần như nam châm, bộ truyền động hay radar.
“Các nhà sản xuất - đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng và công nghệ cao - đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu và sản xuất chậm lại do nguồn cung bị đình đốn và lượng hàng có sẵn trong kho chỉ có hạn”, ông Gavin Harper, chuyên gia tại Đại học Birmingham (Anh), nói với BBC.
“Giá thành các loại đất hiếm thiết yếu sẽ tăng, qua đó làm tăng chi phí trung gian của các cấu phần sử dụng trong nhiều sản phẩm, từ điện thoại thông minh tới trang thiết bị quân sự”, ông Harper nói thêm.
Sự chuẩn bị của Mỹ
Trung Quốc kiểm soát khoảng 70% tổng sản lượng khai thác và khoảng 90% tổng sản lượng chế biến đất hiếm trên toàn thế giới. Dù Trung Quốc chưa ban hành lệnh cấm xuất khẩu, nước này đang thắt chặt kiểm soát.
Hơn một thập niên trước, Trung Quốc từng áp dụng chính sách tương tự với Nhật Bản sau tranh chấp trên biển Hoa Đông, đẩy giá đất hiếm lên gấp 10 lần.
Dù sở hữu trữ lượng đất hiếm không nhỏ (ước tính thứ 7 thế giới), Mỹ vẫn phụ thuộc vào nguồn đất hiếm nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện không có công ty Mỹ nào hoạt động trong lĩnh vực phân tách các nguyên tố đất hiếm “nặng”.
Ngành công nghiệp dân dụng Mỹ từ lâu đã nhận ra những nguy cơ của việc phụ thuộc vào Trung Quốc trong cung ứng đất hiếm. Trong những năm qua, hãng xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk đã đặt mục tiêu cắt giảm 25% lượng đất hiếm dùng trong sản xuất xe điện.
Sẽ là không công bằng nếu nói giới chức Mỹ không nhận ra vấn đề này sớm hơn. Trong Chiến lược Công nghiệp Quốc phòng năm 2024, Bộ Quốc phòng Mỹ đặt mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm đủ đảm bảo nhu cầu của ngành quốc phòng Mỹ trước năm 2027.
Lầu Năm Góc đang đặt quyết tâm củng cố chuỗi cung ứng đất hiếm không phụ thuộc vào Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Từ năm 2024, Lầu Năm Góc đã chi hơn 439 triệu USD để phát triển chuỗi cung ứng đất hiếm nội địa.
Tuy nhiên, hiệu quả của các sáng kiến này vẫn bị đặt dấu hỏi. Với nguồn vốn hỗ trợ của giới chức Mỹ, công ty MP Materials đã xây dựng một nhà máy sản xuất nam châm neodymium-bor-sắt (NdFeB) tại Texas. Công suất tối đa của nhà máy sẽ là 1.000 tấn nam châm mỗi năm - thua xa sản lượng 138.000 tấn mà Trung Quốc sản xuất chỉ tính riêng năm 2018.
“Năng lực chế biến đất hiếm của Mỹ vẫn chỉ ở giai đoạn đầu”, hai nhà nghiên cứu Gracelin Baskaran và Meredith Schwartz tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói. “Phát triển năng lực khai thác và chế biến đòi hỏi thời gian dài. Điều này có nghĩa Mỹ vẫn sẽ tụt hậu trong thời gian tới”.
Mỹ cũng đang xem xét các nguồn cung thay thế cho Trung Quốc - bao gồm Ukraine và Greenland.
Ông Trump dường như cũng đã nghĩ tới việc đa dạng hóa nguồn cung đất hiếm. Hồi tuần trước, ông đã yêu cầu mở cuộc điều tra về những thách thức an ninh đến từ sự phụ thuộc của Mỹ vào các loại khoáng sản thiết yếu.
“Tổng thống Trump nhận ra việc phụ thuộc quá mức vào nguồn khoáng sản thiết yếu từ bên ngoài và các sản phẩm liên quan sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới năng lực quốc phòng, phát triển cơ sở hạ tầng và khả năng đổi mới sáng tạo về công nghệ của Mỹ”, sắc lệnh viết.
Hà Thủy