Mối lo khi số lượng động vật ăn thịt gia tăng ở châu Âu

Mối lo khi số lượng động vật ăn thịt gia tăng ở châu Âu
4 giờ trướcBài gốc
Một chú gấu nâu ở Slovenia. Ảnh: Getty Images
Các biện pháp được thực hiện trong nhiều thập kỷ qua đã giúp số lượng gấu, sói, linh miêu và chồn sói tăng mạnh trên khắp lục địa. Tuy nhiên, sự quay trở lại của những loài săn mồi này không chỉ là một thành công về bảo tồn mà còn đặt ra nhiều thách thức trong việc chung sống với con người.
Theo thống kê, số lượng gấu nâu hiện đạt khoảng 20.500 con, tăng 17% so với năm 2016. Số lượng linh miêu Á - Âu cũng tăng 12%, đạt 9.400 con, trong khi chồn sói đã đạt 1.300 cá thể, tăng 16%. Đáng chú ý nhất là quần thể sói hoang dã tăng 35%, lên 23.000 con, trong khi chó rừng vàng - loài thích nghi tốt nhất - hiện có 150.000 con, tăng 46% trong cùng giai đoạn. Những âm thanh từng vang vọng khắp rừng núi như tiếng hú của sói, tiếng gầm của gấu nay đang dần trở lại, đồng nghĩa với sự gia tăng tương tác giữa động vật hoang dã và con người.
Trong số các loài săn mồi, linh miêu Iberia là điển hình cho thành công của các chương trình bảo tồn. Cách đây 25 năm, số lượng loài này chưa đến 100 cá thể và khiến chúng trở thành một trong những loài mèo có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Nhờ các biện pháp bảo tồn quyết liệt, số lượng linh miêu Iberia đã gia tăng đáng kể và giúp chúng chuyển từ tình trạng "nguy cấp nghiêm trọng" sang "dễ bị tổn thương". Chính quyền Andalusia (Tây Ban Nha) đã thực thi nhiều biện pháp, từ việc kiểm soát hoạt động đặt bẫy cho đến chiến dịch tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân. EU cũng đầu tư 33 triệu euro để hỗ trợ tái du nhập loài này tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nhằm tạo tiền đề cho sự phục hồi bền vững.
Mặc dù đây là một thành tựu đáng ghi nhận, nhưng sự trở lại của động vật ăn thịt cũng kéo theo nhiều tranh cãi. Năm 2023, chính quyền Thụy Điển đã cho phép bắn hạ 54 con sói để bảo vệ đàn gia súc, khiến giới bảo tồn lên tiếng phản đối nhưng lại được nhiều nông dân địa phương hoan nghênh. Tại nhiều khu vực, người dân lo ngại rằng những loài săn mồi này sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của họ, trong khi các nhà bảo tồn cho rằng động vật ăn thịt là một phần không thể thiếu của hệ sinh thái.
Một nghiên cứu do Hanna Pettersson tại Đại học York dẫn đầu đã nêu lên vấn đề về cách xác định "người dân địa phương" trong các chính sách bảo tồn. Trái ngược với các châu lục khác, nơi người bản địa được trao quyền đặc biệt trong việc quản lý động vật hoang dã, châu Âu chỉ công nhận cộng đồng Sami ở vùng Scandinavia là người bản địa. Điều này khiến việc thiết lập các chính sách bảo tồn và chung sống với động vật săn mồi trở nên phức tạp hơn.
Trong bối cảnh đó, châu Âu cần một chiến lược quản lý linh hoạt để cân bằng giữa bảo tồn thiên nhiên và lợi ích cộng đồng. Một hệ thống bảo tồn quá nghiêm ngặt có thể làm gia tăng mâu thuẫn với người dân địa phương, trong khi một hệ thống quá lỏng lẻo có thể khiến những nỗ lực bảo tồn bị đe dọa. Một số giải pháp được đề xuất bao gồm hỗ trợ tài chính cho những người bị thiệt hại do động vật ăn thịt gây ra, tăng cường các biện pháp bảo vệ như sử dụng hàng rào điện hoặc chó chăn gia súc, thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhà khoa học với cộng đồng địa phương để tìm ra phương án phù hợp nhất cho từng khu vực.
Nếu không có chính sách quản lý phù hợp, xung đột giữa con người và động vật hoang dã sẽ ngày càng gia tăng. Nếu thiệt hại do động vật ăn thịt bị đánh giá quá cao, có thể dẫn đến các biện pháp kiểm soát thái quá, như tiêu diệt chúng. Ngược lại, nếu đánh giá quá thấp, người dân sẽ không nhận được bồi thường xứng đáng cho những tổn thất, gây ra bất mãn và phản ứng tiêu cực. Do đó, việc kết hợp giữa nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm thực tế từ cộng đồng địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một giải pháp quản lý bền vững, hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên và lợi ích của con người.
Việc bảo tồn thành công các loài săn mồi là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh học của châu Âu. Tuy nhiên, để đảm bảo sự chung sống hài hòa giữa con người và động vật hoang dã, các nước châu Âu cần xây dựng các chính sách rõ ràng hơn, đồng thời thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ người dân một cách công bằng. Hội nghị về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc sắp tới tại Rome sẽ là cơ hội quan trọng để thảo luận về vấn đề này và nhằm tìm ra những giải pháp phù hợp nhất.
Sự gia tăng của động vật ăn thịt là một thành tựu bảo tồn đáng tự hào nhưng quan trọng hơn là tìm ra cách để con người và động vật hoang dã có thể cùng tồn tại trong một hệ sinh thái cân bằng và bền vững.
Khánh Thư/Báo Tin tức (Theo The Guardian)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/moi-lo-khi-so-luong-dong-vat-an-thit-gia-tang-o-chau-au-20250224102301608.htm