Thông tin trên được GS-TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược TP HCM, chia sẻ thông tin trên tại Hội thảo quốc tế và kết nối kinh doanh Việt Nam – Nhật Bản trong ngành chăm sóc sức khỏe do Trường ĐH Y dược tổ chức, ngày 14-11.
Hiện hơn 70% người cao tuổi ở Việt Nam chưa có lương hưu hoặc trợ cấp, và họ phải sống trung bình 14 năm cuối đời với nhiều bệnh tật, trong đó mỗi người cao tuổi mắc ít nhất 2 bệnh không lây nhiễm
Theo GS Tuấn, hiện nay, mô hình bệnh tật tại Việt Nam có sự thay đổi khi tỉ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng. Trong 10 bệnh gây tử vong hàng đầu, có 8 bệnh là không lây nhiễm, chiếm 77%.
Điều này dẫn đến chi phí chăm sóc sức khỏe cũng tăng mạnh. Trong năm 2022, chi phí này đã chiếm 4,6% GDP, tương đương khoảng 18,5 tỷ USD. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa tiếp cận được dịch vụ y tế chất lượng cao, đặc biệt, mỗi năm, có khoảng 40.000 người Việt phải ra nước ngoài điều trị, với chi phí khoảng 2 triệu USD.
Lý giải nguyên nhân, GS Tuấn nhận định một trong những lý do chính khiến ngành y tế chưa đáp ứng được nhu cầu là sự thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là đội ngũ điều dưỡng. Tỉ lệ điều dưỡng hiện chỉ đạt 1/3 mục tiêu đặt ra. Bộ Y tế cũng cho biết hiện đang thiếu 23.000 nhân viên y tế về y học dự phòng và công cộng. Điều này sẽ gây thêm gánh nặng cho hệ thống y tế trong những năm tới khi dân số già hóa nhanh chóng.
Cũng tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Văn Tân, Trưởng Bộ môn Lão khoa, Trường ĐH Y dược TP HCM, cũng chỉ ra rằng trong những năm tiếp theo, tỉ lệ người từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam sẽ chiếm 16,2% vào năm 2025 và sẽ đạt 26% vào năm 2030. Tỉ lệ sinh giảm dần và tuổi thọ trung bình tăng lên 75,4 tuổi. Điều này cho thấy rõ ràng rằng cấu trúc dân số của Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng, nhưng tốc độ tăng trưởng thu nhập của người dân còn chậm.
So với các quốc gia Đông Nam Á, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thuộc nhóm thấp, chỉ khoảng 4.000 USD/năm. Vì vậy, việc già hóa dân số đang đặt ra nhiều thách thức lớn về kinh tế, chăm sóc y tế và phúc lợi. Hiện hơn 70% người cao tuổi ở Việt Nam chưa có lương hưu hoặc trợ cấp, và họ phải sống trung bình 14 năm cuối đời với nhiều bệnh tật, trong đó mỗi người cao tuổi mắc ít nhất 2 bệnh không lây nhiễm.
""Dân số có tốc độ già hóa rất nhanh, nhưng tốc độ tăng trưởng thu nhập của người Việt còn chậm. Chúng ta chưa giàu mà đã già. Người cao tuổi ở Việt Nam sống lâu, nhưng không khỏe mạnh" - PGS Tân nhấn mạnh.
Về kinh nghiệm ứng phó với già hóa dân số, TS.BS Tomohiko Moriyama, Bệnh viện Đại học Kyushu (Nhật Bản), cho rằng mô hình bệnh tật của già hóa dân số ở Nhật Bản rất giống với Việt Nam hiện nay. TS Moriyama dự đoán trong tương lai, số người mắc ung thư ở Việt Nam sẽ gia tăng. Nhật Bản là quốc gia có dân số siêu già, tỉ lệ mắc bệnh ung thư rất cao, nhưng tỉ lệ tử vong lại thấp. Điều này phản ánh hiệu quả của các chương trình chẩn đoán sàng lọc và tầm soát ung thư. Ông cho biết Nhật Bản có nhiều cơ sở y tế với dịch vụ giá cả phải chăng và hệ thống kiểm tra sức khỏe định kỳ giá rẻ.
TS Moriyama cũng chia sẻ rằng Nhật Bản đang đầu tư mạnh vào công nghệ và kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Phẫu thuật robot từ xa cũng đang trở nên khả thi, giúp các bác sĩ giỏi thực hiện những ca mổ khó từ xa.
TS Masa Higo, Đại học Kyushu, cho biết Nhật Bản đã triển khai bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ 16 năm trước, và hệ thống robot chăm sóc người cao tuổi cũng đã được phát triển. Người cao tuổi đăng ký bảo hiểm sẽ được hưởng dịch vụ điều dưỡng, với chi phí được nhà nước trả 80-90%. Trong bối cảnh dân số giảm và tỉ lệ sinh thấp, ông nhấn mạnh rằng việc chuẩn bị các phúc lợi, bảo hiểm và cơ sở hạ tầng chăm sóc người cao tuổi là rất quan trọng đối với tương lai của cả hai quốc gia.
Hải Yến