'Mỗi người làm việc bằng hai' để vượt khó

'Mỗi người làm việc bằng hai' để vượt khó
3 giờ trướcBài gốc
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu những nơi không bị ảnh hưởng như miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam làm bù lại cho những nơi tại miền Bắc bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ, phấn đấu tăng trưởng cao hơn, đạt kết quả phát triển kinh tế - xã hội cao hơn; cũng như khi miền Trung bị bão lũ thì miền Bắc, miền Nam làm bù cho miền Trung, trước đây khi miền Nam có chiến tranh thì tất cả vì miền Nam ruột thịt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên bà con khắc phục hậu quả bão số 3.
Với tinh thần như vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, dù bão số 3 gây ra rất nhiều thiệt hại và để lại nhiều khó khăn chồng chất, việc khắc phục hậu quả không phải là ngày một ngày hai, nhưng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân "phải tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2024, năm 2025 và của cả nhiệm kỳ".
Có thể thấy tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai" được người đứng đầu Chính phủ đưa ra vào lúc này là một thông lệnh nhằm xốc lại tinh thần nỗ lực của quân dân cả nước, để không chỉ nhanh chóng khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra mà còn để vượt qua khó khăn, thách thức nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đã đặt ra, trước mắt là của năm 2024 khi đã bước vào chặng nước rút của những tháng cuối cùng; tiếp đó nữa là làm nền tảng cho năm 2025 - năm cuối cùng thực hiện các mục tiêu đã được Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra cho giai đoạn 2021-2025.
Trong hành trình lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai" và nhiều thông lệnh tương tự đã nhiều lần được đặt ra. Năm 1964, tại Hội nghị chính trị đặc biệt (còn được gọi là hội nghị "Diên Hồng" của thời kỳ mới), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có câu nói nổi tiếng "Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt".
Thông lệnh này lúc bấy giờ đã nhanh chóng lan tỏa khắp các địa phương ở miền Bắc, miền Trung; trong các cơ quan, trường học; từ nông thôn đến thành thị, miền xuôi đến miền ngược và thực sự trở thành lời hiệu triệu để cả miền Bắc hậu phương thi đua "Mỗi người làm việc bằng hai", tạo sức mạnh tổng lực "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".
Khi trả lời câu hỏi "Làm thế nào để thực hiện việc mỗi người làm việc bằng hai?", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết đăng trên Báo Nhân dân số 3665, ngày 11/4/1964, với bút danh Chiến sĩ, giải thích rằng làm việc bằng hai không có nghĩa là kéo dài giờ lao động gấp đôi, mà "bất kỳ làm công việc gì đều phải nâng cao ý thức làm chủ và tinh thần trách nhiệm, có tinh thần cố gắng gấp bội, ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm mục đích làm được nhiều, nhanh, tốt, rẻ".
Những năm sau đó, tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai" còn được nhìn thấy qua một loạt phong trào, với các khẩu hiệu hành động như "Cờ Ba nhất" trong quân đội; "Luyện tay nghề, thi thợ giỏi" ở các nhà máy, xí nghiệp; "Sóng Duyên Hải" trong sản xuất công nghiệp; "Gió Đại Phong" trong sản xuất nông nghiệp; "Trống Bắc Lý" trong giáo dục; "Thanh niên Ba sẵn sàng"; "Phụ nữ Ba đảm đang"...
Qua những phong trào như thế, thấy rõ tinh thần "Nhà nhà thi đua, người người thi đua, ngành ngành thi đua", quân dân cả nước đồng lòng, đoàn kết tạo thành sức mạnh để vượt qua khó khăn, thách thức. Nói quân dân cả nước đồng lòng "mỗi người làm việc bằng hai" thì đã rõ là không chỉ gói gọn trong những lĩnh vực sản xuất ra của cải vật chất cụ thể, mà là ở tất cả mọi lĩnh vực, một khi đã "nâng cao ý thức làm chủ và tinh thần trách nhiệm, có tinh thần cố gắng gấp bội".
Và, như vậy thì đội ngũ làm công tác tuyên truyền, văn hóa văn nghệ... cũng không là ngoại lệ. Phong trào thi đua của cả nước, dù ở lĩnh vực nào, cũng đều cần đến vai trò của công tác thông tin tuyên truyền. Đó là tuyên truyền để cho "dân biết, dân bàn" và đi đến chỗ "dân làm". Việc phát động phong trào rất cần đến vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ, dù là ở loại hình gì. Văn nghệ sĩ tham gia vào các phong trào "Mỗi người làm việc bằng hai" không có nghĩa chỉ thông qua các phương tiện truyền thông, biểu diễn, xuất bản để hô hào suông, mà phải bằng sản phẩm cụ thể, đặc biệt nhất là thông qua hoạt động sáng tạo ra tác phẩm nhằm vào việc tuyên truyền, động viên lao động sản xuất, lan tỏa những nhân tố mới, những điển hình tích cực trong thực tiễn... để từ đó tạo cảm hứng tích cực trong các phong trào quần chúng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn "Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó". Khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, tổ chức ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ. Đây chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của ngành văn hóa và thông tin. Người nêu, nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh.
Đảng ta luôn trân trọng vai trò to lớn của tầng lớp văn nghệ sĩ, việc vận động, tổ chức, định hướng và lãnh đạo để các tầng lớp tinh hoa của dân tộc đem tài năng, trí tuệ và nhiệt tình yêu nước của mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Văn nghệ sĩ là người của công chúng, có tầm ảnh hưởng sâu sắc trong xã hội bởi luôn có lượng độc giả, khán giả lớn. Đó là niềm vinh dự nhưng cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao cho văn nghệ sĩ trong việc sáng tạo, truyền bá văn hóa. Thực tiễn qua mỗi chặng đường của cách mạng Việt Nam đã khẳng định đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà báo chúng ta hầu hết đã luôn khẳng định vai trò đặc biệt của những "người lính trên mặt trận văn hóa", xứng đáng là "những ngọn đuốc nhân văn".
Lương Duy Cường
Nguồn VNCA : https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/moi-nguoi-lam-viec-bang-hai-de-vuot-kho-i746015/